Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 6/12, tại trụ sở Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Việt Nam và các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong môi trường Pháp ngữ”. Hội thảo do Học viện Ngoại giao phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) tổ chức, với sự hỗ trợ của Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Văn phòng Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Hội thảo quốc tế thu hút nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham luận.
Phát biểu tại Hội thảo, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Cộng đồng Pháp ngữ trong lĩnh vực Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ). Đó không chỉ là việc các quốc gia thuộc Cộng đồng Pháp ngữ đóng góp lực lượng trực tiếp đến thực hiện sứ mệnh tại địa bàn, mà còn là sự tham gia dưới góc độ chiến lược, giải quyết các vấn đề hậu xung đột và kiến tạo, củng cố hòa bình, góp phần chủ động định hình, bảo vệ các lợi ích an ninh, chiến lược của từng thành viên và của cả khu vực ngay từ sớm, từ xa ngay tại các địa bàn, các quốc gia là điểm nóng về xung đột. 3 trong số 4 phái bộ Gìn giữ hòa bình lớn nhất hiện nay đang hoạt động tại các nước nói tiếng Pháp gồm Congo, Mali và Cộng hòa Trung Phi.
Đại tá Mã Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình cho biết, hoạt động tham gia gìn giữ hoàn bình của Việt Nam, tham gia từ năm 2014 duy trì thường trực 100 cán bộ nhân viên ở ngoài phái bộ, đều là cán bộ có trình độ, riêng quân y chuyên môn cao theo chuẩn của LHQ. Việt Nam đã đưa nhiều cán bộ có học hàm thạc sĩ y khoa, công nghệ, thạc sĩ về ung thư, răng hàm mặt, huyết học; trong đó, 30% cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do chỉ huy của phái bộ đánh giá. Chính vì thế, Việt Nam là quốc gia đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ.
Đặc biệt tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã khẳng định vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hòa bình của LHQ được đưa ra thảo luận sôi nổi.
Nhấn mạnh về vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hòa bình của LHQ, ông Désiré Nyaruhirira, cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký OIF khẳng định, sự đóng góp của Việt Nam trong thời gian qua càng ngày càng có ý nghĩa, từ vật chất đến con người. Đây cũng là một trong những ưu tiên của tổ chức Pháp ngữ. Vào năm 2020, OIF sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 20 ngày thực hiện Nghị quyết 1325 của Hội đồng bảo an LHQ về chương trình "Phụ nữ, hoà bình và an ninh". Qua đó tổ chức Pháp ngữ mong muốn Việt Nam cùng các nước sẽ huy động nhiều hơn sự tham gia của phụ nữ vào các chương trình hoạt động hoà bình.
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ cho biết, thời gian đầu khi tham gia lực lượng đã gặp phải một số khó khăn nhất định như vấn đề về sử dụng tiếng Pháp, sinh hoạt trong môi trường nhiều nam giới. Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong hoạt động động gìn giữ hoà bình. Cam kết của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động gìn giữ hòa bình. Không gian Pháp ngữ là một trong những lãnh thổ hoạt động chủ yếu của các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ, khoảng gần 2/3 các hoạt động của LHQ đã được triển khai tại đây.
Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ phát biểu tại Hội nghị.
Ngoài ra, Nếu như các nước nói tiếng Pháp phía Bắc (Pháp, Cananda, Bỉ) thời gian gần đây tập trung vào việc hỗ trợ và đào tạo các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, thì các nước phía Nam (các nước châu Phi và châu Á) lại đang gia tăng số lượng cán bộ được cử đi làm nhiệm vụ.
Cũng tại Hội thảo, nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước. Như vấn đề về thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ; vấn đề xử lý chất độc màu da cam còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam; những kinh nghiệm của Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình; cùng nhìn lại những thành tựu chung, cũng như những thách thức và trở ngại đặt ra cho các nước Pháp ngữ, từ đó, đề ra các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả đóng góp trong tương lai...
Điều này thể hiện cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế nói chung và đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình nói riêng. Tuy khởi đầu còn khiêm tốn, song Việt Nam luôn bày tỏ mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực này.
Với tư cách là thành viên sáng lập, Việt Nam đã và đang sẽ ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Cộng đồng Pháp ngữ, nhất là khi các hoạt động duy trì hòa bình nhìn chung gắn chặt với không gian Pháp ngữ.
“Việt Nam là quốc gia đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc”, Đại tá Mã Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục gìn giữ hòa bình đã khẳng định.
Nguồn baotintuc