PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam đóng góp tích cực vào Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-TBD
Thứ năm: 08:39 ngày 26/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, đăng cai tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 (APEC 2017) là một nội dung ưu tiên.

APEC2-1.jpg

Cùng với việc chuẩn bị hoàn tất các cam kết và đảm nhiệm trọng trách trong khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Năm APEC 2017 sẽ là một bằng chứng sinh động cho quá trình nâng tầm ngoại giao đa phương và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.

Bài 1: Việt Nam đóng góp tích cực vào Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương

Kể từ năm 1989, qua 27 năm hình thành và phát triển, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định vai trò là cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tập trung vào 3 trụ cột chính: tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế kỹ thuật. 

Việt Nam bắt đầu gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào năm 1998. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

APEC thúc đẩy các ý tưởng liên kết kinh tế

Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là diễn đàn mở, hoạt động theo nguyên tắc cùng có lợi đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Kể từ khi thành lập, đến nay, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương hiện có 21 nền kinh tế thành viên, hội tụ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, đại diện khoảng 39% dân số thế giới, đóng góp 57% GDP và 49% thương mại toàn cầu.

Hằng năm, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tổ chức khoảng 20 hoạt động lớn cùng gần 200 hoạt động trải dài khắp các địa điểm khác nhau của nền kinh tế chủ nhà. Hoạt động quan trọng nhất là Tuần lễ cấp cao, thường tổ chức vào cuối năm.

Đồng thời, có khoảng 8-12 Hội nghị Bộ trưởng về thương mại, tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phụ nữ và kinh tế cùng một số chuyên ngành khác. Có 5 hội nghị quan chức cao cấp, cùng các hội nghị, hội thảo của các ủy ban, Nhóm công tác và các cơ chế cấp làm việc khác thuộc các kênh chính phủ, học giả và doanh nghiệp.

Đến nay, mục tiêu xuyên suốt của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là hoàn thành các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020. Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương cũng đang triển khai các chiến lược và chương trình hợp tác lớn đến năm 2020-2025 về tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, hợp tác dịch vụ, toàn cầu hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu, kết nối, an ninh lương thực.

Nắm bắt những xu thế mới, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương luôn đi đầu khởi xướng thúc đẩy các ý tưởng liên kết kinh tế. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế và thương mại suy giảm, trong khi thời hạn hoàn thành các mục tiêu Bogor đang đến gần, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế hàng đầu ở khu vực, góp phần duy trì châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Việt Nam chủ động đề xuất nhiều sáng kiến

Hiện nay, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là một trong những diễn đàn hợp tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng; là nơi hội tụ 13 trong số 25 đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam. Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do song phương và nhiều bên với 18 trong số 20 thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào hợp tác Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Nổi bật là việc đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà Năm APEC Việt Nam 2006 với Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14 thông qua Chương trình hành động Hà Nội về thực hiện Mục tiêu Bogor, các biện pháp để nâng cao hiệu quả hợp tác Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương và đề ra triển vọng dài hạn. 

Năm 2014, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 6 về phát triển nguồn nhân lực tại Hà Nội.

Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, chủ trì đề xuất và triển khai trên 100 dự án trên nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, hợp tác kinh tế-kỹ thuật, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối phó tình trạng khẩn cấp, y tế, an ninh lương thực, chống khủng bố... Việt Nam cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ chế hợp tác của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Năm 2016, Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực vào các hoạt động và quan tâm chung của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt đã tham gia xây dựng những định hướng hợp tác dài hạn, thể hiện “sự chủ động đóng góp, tham gia định hình các cơ chế đa phương” theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII.

Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch, đồng Chủ tịch và Phó Chủ tịch một số Ủy ban và Nhóm công tác quan trọng trong Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc họp Nhóm công tác về doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hội thảo chuyên ngành về chuỗi cung ứng, năng lượng, an ninh lương thực... Việt Nam cũng chủ trì, đồng chủ trì các dự án về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, ứng phó thảm họa thiên tai, du lịch bền vững, kết nối chuỗi cung ứng...

Thông qua các hoạt động Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, quan hệ của Việt Nam với chủ nhà Peru và các đối tác quan trọng ngày càng đi vào chiều sâu.

Triển khai chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện của Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011), trong đó có đối ngoại đa phương và đóng góp vào hợp tác của các cơ chế ở khu vực, năm 2013, Việt Nam chủ động đề xuất và được các thành viên ủng hộ đăng cai các hoạt động của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ hai vào năm 2017.

Việc một lần nữa đăng cai Năm APEC là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn nhằm thúc đẩy các quan tâm chung của Diễn đàn trong bối cảnh mới. Năm APEC 2017 tại Việt Nam còn có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (năm 1998-2018)./.

Nguồn TTXVN/VIETNAM+

Tin cùng chuyên mục