Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam dự thượng đỉnh G7 mở rộng: Nâng tầm vị thế
Thứ bảy: 12:14 ngày 20/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sự kiện Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật cho thấy đất nước ta đang ngày càng được nâng tầm vị thế trong nhận thức của các cường quốc.

Ngày 19-5, Hội nghị thượng đỉnh nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) khai mạc tại TP Hiroshima (Nhật) và sẽ kéo dài đến ngày 22-5, trong đó Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra từ ngày 20 đến 21-5. Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật từ ngày 19 đến 21-5.

Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai Nhật mời Việt Nam dự một hội nghị đa phương có tầm quan trọng như vậy. Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng vào năm 2016 tại Nhật và lần thứ hai vào năm 2018 tại Canada.

TS Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhân sự kiện này, báo Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với TS Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV, về ý nghĩa chuyến công du làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như với quan hệ Việt - Nhật trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).

Nâng tầm vị thế đất nước

. Phóng viên: Đây là lần thứ hai Nhật mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, xin ông nhận định về ý nghĩa của sự kiện này với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế hiện nay?

+ TS Huỳnh Tâm Sáng: Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cho thấy nước ta đang có vai trò ngày càng quan trọng trong nhận thức của các cường quốc. Tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Việt Nam đang nổi lên như một quốc gia tầm trung đề cao hợp tác quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình và nêu cao một trật tự dựa trên luật lệ. Những nguyên tắc này cũng là những giá trị mà G7 cùng chia sẻ.

. So với lời mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2016, ý nghĩa lời mời năm nay của Thủ tướng Nhật Fumio Kishida có gì đặc biệt, thưa ông?

+ Sự kiện Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay có ý nghĩa quan trọng vì trùng với dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật. Bên cạnh đó, sự tham dự của Việt Nam cho thấy Nhật đặt niềm tin rất lớn vào sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật, cũng như tin rằng Việt Nam có thể mang lại những đóng góp ý nghĩa cho hội nghị.

. Những đóng góp đó có thể là gì, thưa ông?

Ngoài các nước thành viên G7 (Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada), khách mời dự thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm lãnh đạo cấp cao của tám nước (Việt Nam, Úc, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc) và sáu tổ chức quốc tế.

+ Việt Nam có thể chia sẻ mô hình phát triển với trọng tâm là công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phương châm đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế cũng có thể được Việt Nam khẳng định tại hội nghị để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang gay gắt.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể truyền thông điệp về những cam kết của quốc gia này với chủ nghĩa đa phương và tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Song song đó, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu từ các cường quốc, nhất là những vấn đề cấp thiết như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và phòng, chống dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật và được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Yamada Kenji chào đón tại sân bay Hiroshima (Nhật) chiều 19-5. Ảnh: VGP

Quan hệ Việt - Nhật sẽ cất cánh hơn nữa

Trong năm thập niên qua, quan hệ song phương Việt Nam và Nhật không ngừng phát triển và nâng cao một cách toàn diện. Năm 2009, Việt Nam và Nhật thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, nâng cấp quan hệ lên thành “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” vào năm 2014. Nhật là quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam vào năm 2011. Có thể nói quan hệ hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.

. Với cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Nhật, xin ông chia sẻ về những hỗ trợ, đóng góp mà Nhật đã thực hiện với Việt Nam trong thời gian qua.

+ Nhật hiện là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Ngoại giao nhân dân hai nước rất phát triển với hơn 470.000 người Việt Nam tại Nhật. Cường quốc kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực hàng hải và ủng hộ phương châm giải quyết hòa bình các vấn đề căng thẳng ở Biển Đông.

. Ông đánh giá thế nào về triển vọng quan hệ song phương trong thời gian tới?

+ Tôi cho rằng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa, nhất là trên phương diện hợp tác thương mại và đầu tư. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Fumio Kishida có thể gặp gỡ bàn cụ thể hơn về các biện pháp làm sâu sắc hơn quan hệ song phương.

Năm 2023, Nhật đảm nhận vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2024. Thủ tướng Fumio Kishida thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và Nhật có thể đóng góp tích cực vào việc củng cố môi trường hòa bình tại Đông Nam Á, bao gồm Biển Đông, thông qua thúc đẩy hợp tác để giải quyết các thách thức chung của khu vực. Sự chia sẻ về tầm nhìn cùng những đóng góp thiết thực của Nhật cho an ninh khu vực sẽ giúp thắt chặt quan hệ giữa Nhật và Việt Nam.

.Xin cảm ơn ông.

G7 mở rộng bàn nhiều vấn đề cấp thiết

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm ba phiên với các chủ đề: Hợp tác xử lý đa khủng hoảng (tập trung các vấn đề lương thực, y tế, phát triển và bình đẳng giới); nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững (các vấn đề về khí hậu, môi trường và năng lượng); hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng (các vấn đề về hòa bình, tôn trọng luật phát quốc tế và hợp tác đa phương).

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự các phiên thảo luận nói trên cũng như có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế, theo báo điện tử Chính phủ.

Nguồn PLO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục