Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam đứng thứ 10 toàn cầu trong chuyển đổi giao thức Internet IPv6
Chủ nhật: 11:42 ngày 17/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam chia sẻ, Việt Nam đã đi tắt và đi đầu trong chuyển đổi IPv6 và dám mạnh dạn, tự tin để chuyển đổi, đi trước nhiều quốc gia tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Ngày 15-1, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác IPv6 và công bố Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025.

Tham gia Hội nghị có đại diện các các Bộ, ngành, các Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiêu biểu tại điểm cầu chính là trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, kết nối trực tuyến với điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chủ trì Hội nghị.

20 năm qua, Internet Việt Nam đã trải qua một hành trình dài và đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Hành trình chuyển đổi Internet Việt Nam từ IPv4 (viết tắt của Internet Protocol version 4 - Giao thức liên mạng thế hệ 4) sang thế hệ mới hoạt động với địa chỉ IPv6 (Internet Protocol version 6 - Giao thức liên mạng thế hệ 6) là tất yếu do không gian địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt.

Với ưu thế vượt trội về công nghệ và an toàn bảo mật, IPv6 là giao thức mặc định trong mạng 5G và các thiết bị kết nối Internet vạn vật. IPv6 là tài nguyên số cơ bản để phát triển mạng Internet, hạ tầng, dịch vụ số.

Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần chuẩn bị hạ tầng số sẵn sàng cho chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi chính phủ số. Hạ tầng Internet phải đi trước một bước, đáp ứng được nhu cầu bùng nổ của xu hướng phát triển thông minh với kết nối số lượng không giới hạn của các thiết bị Internet kết nối vạn vật (IoTs). Đây là những thành phần cơ bản của các dịch vụ đô thị thông minh, của chuyển đổi số chính phủ.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ban hành “Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025”. Nếu như giai đoạn trước, trọng tâm là chuyển đổi IPv6 cho cộng đồng, cho doanh nghiệp, thì trọng tâm của giai đoạn tới là cơ quan nhà nước.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng cùng nhau thúc đẩy IPV6 phát triển để hoàn thành mục tiêu theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 2021-2022, 50% bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi IPv6 và chuyển đổi thành công IPv6 cho Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công. Giai đoạn 2022-2015, 100% bộ, ngành, tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch; 100% Cổng Thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công hoạt động tốt với IPv6; 100% Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc chuyển đổi IPv6 trên mạng lưới, dịch vụ và sẵn sàng hoạt động thuần IPv6.

Đồng thời, Việt Nam sẽ chuyển đổi toàn bộ hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ kết nối Internet và mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) của khối cơ quan nhà nước sang hoạt động với IPv6; sẵn sàng hoạt động thuần IPv6.

IPv6 là tiêu chuẩn kết nối bắt buộc trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số và chuyển đổi số tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) chia sẻ, Việt Nam đã đi tắt và đi đầu trong chuyển đổi IPv6 và dám mạnh dạn, tự tin để chuyển đổi, đi trước nhiều quốc gia tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Việc triển khai IPv6 trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 theo đúng Quyết định số 38/QĐ-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông được phê duyệt ngày 14-1-2021.

Nguồn TTXVN/Vietnam+

Tin liên quan