Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Việt Nam thêm một thương hiệu tầm quốc tế
Chủ nhật: 13:30 ngày 25/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bày tỏ vui mừng khi chúng ta có thêm một thương hiệu quốc gia về thắng cảnh và địa chất ở tầm quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu biến việc bảo tồn, phát huy di sản thành quốc kế dân sinh, đồng thời khẳng định không thể hy sinh di sản vì phát triển ngắn hạn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tối 24/11, tại tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ  đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và công bố di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng biên giới năm 1950 (huyện Thạch An) là di tích Quốc gia đặc biệt.

Tháng 4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO. Với danh hiệu này, Non nước Cao Bằng trở thành Công viên địa chất toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, và là Công viên địa chất toàn cầu thứ 8 của Đông Nam Á.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta tự hào trước đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị độc đáo, đặc sắc, nổi bật về địa chất, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, lịch sử, cảnh quan của Non nước Cao Bằng, nơi lưu giữ những dấu tích của biến động Trái đất 500 triệu năm qua. Bên cạnh cảnh quan đẹp, hùng vĩ là sự đa dạng, phong phú về bản sắc của cộng đồng các dân tộc vùng Tây Bắc.

Danh hiệu UNESCO dành cho Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng là vinh dự không chỉ của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng mà của cả nước. Đến nay, nước ta đã có 38 danh hiệu UNESCO trên các lĩnh vực văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, di sản ký ức, khoa học.

Đại diện Việt Nam đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

“Mỗi lần Việt Nam được vinh danh, niềm tự hào lại trào dâng, khi những giá trị của đất nước, dân tộc được ghi nhận ở tầm quốc tế và đóng góp cho kho tàng giá trị của nhân loại. Các danh hiệu này đã, đang và sẽ góp phần nâng cao hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế”, Thủ tướng phát biểu. Chúng ta càng xúc động hơn khi Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng còn được coi là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, nơi khởi nguồn sự nghiệp kháng chiến của nhân dân ta chống các thế lực ngoại xâm và phản động, giành độc lập dân tộc và tự do cho Tổ quốc.

Theo Thủ tướng, việc UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng còn có ý nghĩa hơn vì chúng ta có thêm một thương hiệu quốc gia về thắng cảnh và địa chất ở tầm quốc tế. Nếu chúng ta biết cách tương tác giữa di sản với các yếu tố đặc sắc khác của Cao Bằng cũng như kết nối các di sản khác của vùng và các vùng trung tâm du lịch lớn thì di sản của Cao Bằng sẽ là nguồn lực rất quan trọng trong phát triển bền vững.

Mô hình du lịch của Cao Bằng phải là sự cộng hưởng, tương tác chiến lược các giá trị văn hóa, lịch sử, lòng yêu nước, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực… để tạo ra ngành du lịch đa dạng, phong phú, có bản sắc. Cao Bằng cần phát triển thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam, vì vậy cần có những chính sách, những cách làm sáng tạo, biến việc bảo tồn, phát huy di sản thành quốc kế dân sinh, giúp cải thiện trực tiếp đời sống vật chất, tinh thần của người dân, đồng thời tạo động lực để bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, tài nguyên thiên nhiên mà cha ông chúng ta đã để lại.

Thủ tướng trao Quyết định công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 huyện Thạch An. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng đề nghị không chỉ Cao Bằng mà Đảng bộ, chính quyền cùng toàn thể nhân dân các địa phương trong vùng Việt Bắc tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, tập trung khai thác, phát huy tốt mọi tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và cả vùng một cách toàn diện.

Cần đặc biệt lưu ý di sản không thể tái tạo, không thể thay thế, do đó chúng ta có trách nhiệm kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển để phục vụ lợi ích cộng đồng, không thể hy sinh di sản vì phát triển ngắn hạn.

Thủ tướng cho biết, chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc được tổ chức luân phiên năm nay tại Cao Bằng là cơ hội lớn để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch, khai thác và lan tỏa các giá trị di sản của vùng Việt Bắc. Các tỉnh cần tích cực hợp tác, kết nối trong chia sẻ nguồn lực và cơ hội để cùng phát triển, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, nâng cấp hệ sinh thái du lịch, liên kết cụm ngành du lịch, tăng cường đầu tư kết nối hạ tầng, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bên cạnh việc tổ chức Lễ đón bằng UNESCO, tỉnh Cao Bằng còn tổ chức Tuần văn hóa, thể thao, du lịch Non nước Cao Bằng với các hoạt động sôi nổi như Triển lãm ảnh miền đất và con người Việt Bắc với chủ đề “Trải nghiệm Việt Bắc - Khám phá non nước Cao Bằng" từ ngày 23 - 26/11; chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian và trình diễn trang phục dân tộc 6 tỉnh Việt Bắc diễn ra ngày 25/11; giới thiệu du lịch ẩm thực vùng Việt Bắc từ ngày 23 - 26/11; Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018 diễn ra ngày 25/11.

Lễ bế mạc chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” diễn ra ngày 27/11.

Nguồn chinhphu

Tin cùng chuyên mục