Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Viết ngắn: Cha tôi
Thứ hai: 15:18 ngày 25/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tôi dìu cha lên bậc thềm bệnh viện. Chứng chóng mặt ở tuổi bảy mươi làm cha khó lòng bước lên mấy bậc tam cấp này. Tay cha tôi lành lạnh chứ không ấm như bàn tay đứa con lên 10 mà hằng ngày tôi vẫn nắm. Tay cha còn có những nốt chai sần, kết quả của những tháng năm cầm gạch, cầm bay của nghề thợ hồ vất vả.

Mấy chục năm, ông chẳng bệnh đau gì ngoài vài cơn sổ mũi đau đầu do dầm mưa dang nắng quá nhiều. Nhưng sau tuổi 65, cha tôi bắt đầu yếu mệt. Cha vẫn ăn chay trường đó chứ, mà có gầy ốm gì đâu, nay sao tự dưng người sút đi mười ký. Đi khám mới biết ông bị tiểu đường tuýp 2. Nhìn cha bây giờ thật nhỏ bé, đâu rồi người cha uy quyền của chúng tôi?

Nhớ ngày chị em tôi còn lên bốn lên mười, chỉ cần một tiếng tằng hắng của cha là cả đám đều lặng như tờ. Nhớ những bữa cơm đạm bạc, chỉ vài món ăn mà con nít lại quá đông nên lên mâm đứa nào cũng tranh thủ giành gắp và khóc lóc. Nhưng chỉ cần cha từ mảnh ruộng sau nhà bước vô là năm đứa ngồi im như thóc.

Cha hay dạy “Miếng ăn là miếng tồi tàn”, đừng để mất một miếng mà lộn gan lên đầu. Con là chị hai thì phải nhường em cho tụi nó ăn mau lớn. Còn các em phải nhường chị để chị đủ no mà lao động phụ cha mẹ. Nhường qua nhường lại dĩa rau muống và ba cái trứng vịt dằm nước mắm tới cuối bữa cơm vẫn còn... hai trứng.

Rầy tôi, nhưng khi cha con cùng ra ruộng, cha lại hay dở ra một chót lá chuối gói dề cơm cháy. Rồi cha con cùng bắt cá nướng ăn với lớp cháy cơm đó. Cha bảo, trong bữa ăn phải rầy la con, để mấy đứa em biết rằng, dù đứa lớn hay đứa nhỏ, nếu làm sai đều bị cha mẹ la mắng. Còn cha vẫn biết con đói chứ, “mười bảy bẻ gãy sừng trâu” mà ăn có hai chén cơm sao no? 

Cha tôi dạy, nào là con gái không được vừa cười vừa nói vì “vô duyên chưa nói đã cười”. Mà có cười cũng phải che miệng lại. Tướng đi con gái phải thẳng lưng, bước nhỏ, ngồi chơi hay nằm ngủ cũng phải kín đáo. Nấu nướng xong dù muộn cỡ nào cũng phải dọn dẹp gọn gàng củi lửa, nồi ơ mới được dọn cơm lên ăn. Đó là cách “cảm ơn ông Táo”...nếu không, lần sau ông Táo sẽ làm cho cơm sống không ăn được. Tôi sợ... cơm sống nên cố dọn quét bếp thật sạch, chứ nào biết đó là cha chỉ dẫn cho con gái cách làm người phụ nữ vén khéo trong gia đình. Tôi càng thích những chiếc chổi rơm mà cha bó để quét bếp, nó nhuyễn mịn không bay bụi tro lên mắt mũi người quét và vàng óng màu rơm rạ.

Tôi vẫn thầm cảm ơn cha vì thói quen dọn lau bếp sau khi nấu đã khiến chồng tôi rất vui lòng. Anh hay trêu: “Nhìn cái bếp sau khi nấu nướng là biết tánh khí bà nữ tướng”.

Cha tôi giờ ít nói hẳn, có lẽ do quá mệt mỏi sau bao năm tháng vất vả. Bây giờ, cha tôi sống bằng “lương con”, với cách đứa khá lo nhiều, đứa nghèo lo ít. Cha ngoài tiểu đường còn chứng phì đại tiền liệt tuyến và huyết áp. Bác sĩ bảo đó là bệnh già thôi, cứ “sống chung với lũ” không có gì phải sợ. Nhưng khi cha níu chặt tay tôi khi bước lên bậc tam cấp này, tôi lại sợ thời gian…

THUỲ TRANG

Tin liên quan