Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mưa đầu mùa, nước ngấm trong lòng đất ở những đám ruộng nông dân đã thu hoạch xong đậu phộng tưới. Những trái đậu sót lại trong đất được nước mưa thấm vào, nở ra và nẩy mầm đội đất vươn lên gọi là giá đậu. Anh chị em tôi cùng nhiều trẻ em hàng xóm tay xách dao phay, tay cầm rổ đi bứng giá đậu đem về xào ăn.
Tháng tư, sau một ngày nắng gay gắt, chiều xuống, mây đen vần vũ, sấm chớp vang rền, gió thổi rào rào, mưa bắt đầu rơi lộp độp trên mái nhà. Rồi mưa tuôn xối xả. Sau nhiều tháng khô hạn, mặt đất cằn cỗi, cây cối héo sầu, cóc ếch rúc vào bụi, hoặc chui xuống hang sâu tránh nóng... Giờ, mặt đất tha hồ tắm mát, cây cối uống nước thoả thích, cóc ếch thi nhau chui ra đớp mồi và làm tình để duy trì nòi giống trong các ao, vũng đầm nước. Vậy là mùa mưa bắt đầu...
Mưa đầu mùa thường kéo theo gió to và sấm sét. Ðây là nỗi lo lớn của những người buộc phải làm việc ngoài đồng trong mưa gió, hay những hộ nghèo nhà cửa tạm bợ, sợ gió sập nhà, sợ mưa to dột tạt, đêm về không chỗ ngủ...Nhưng mưa đầu mùa cũng ban tặng cho con người nhiều thứ, nhất là đối với trẻ em con nhà nghèo như anh em chúng tôi. Hồi nhỏ, chúng tôi rất khoái mưa đầu mùa vì nó góp phần đáng kể cho bữa ăn của nhà tôi có thêm nhiều chất đạm động vật và thực vật.
Hồi đó, khi thấy trời sắp đổ mưa đầu mùa là ba tôi và nhiều người lớn trong xóm chuẩn bị đèn lúp, hoặc đèn khí đá, nơm, chĩa, đụt... để đi soi. Ðêm về, khi trời vừa bắt đầu rớt hột mưa là ba lấy “con cóc” đèn lúp ra đổ đầy dầu lửa, rồi khêu cái tim lên cao, gõ mạnh vào thùng bao cây đèn cho muội khói văng ra... Chờ mưa nặng hạt, ba choàng tấm tăng mỏng lên người, đội nón lá, vai mang đụt, tay trái xách đèn lúp, tay phải cầm nơm và “xông pha” trong mưa gió.
Mưa càng to, cóc ếch say mồi, say mưa và say sưa cùng bạn tình, những người đi soi như ba tôi tha hồ mà bắt. Ðám ếch có chân mạnh nhảy xa, để chắc cú, ba chụp nơm mà bắt, còn cóc thì chỉ khom lưng mà lượm cho vào đụt. Không chỉ có cóc, ếch, đám cá đồng cũng mừng nước mưa. Cá đồng từ sông rạch, hoặc ruộng sâu ngược theo dòng chảy nước mưa mà lên đồng cạn tìm thức ăn, nhiều nhất là cá tràu, cá rô và cá trê trắng...
Dù soi bằng đèn lúp, không sáng tỏ như đèn khí đá, nhưng với nhiều năm kinh nghiệm lặn lội trong những đêm mưa gió, những con cá ẩn hiện trong nước cũng không tài nào thoát khỏi cặp mắt và chiếc nơm của ba. Số cóc, ếch, cá bắt được ba tôi dồn hết vào đụt, rồi về nhà lựa ra rộng riêng từng loại. Có đêm mưa to và kéo dài, khi soi đầy đụt, ba vội về nhà đổ cóc, ếch, cá ra rọng, rồi lại châm thêm dầu đèn và vội vã ra đồng soi tiếp, dù ba đã ướt lạnh.
Sáng ra, ba làm thịt cóc kho khô nghệ cho anh chị em tôi ăn. Còn ếch sống, ba rọng để dành ăn sau. Những con cá tươi ngon, ba lựa ra bán lấy tiền mua dầu hôi, nước mắm. Cá nhỏ thì ba đem kho và nấu canh... Con nhà nghèo được mấy bữa cơm với thịt cóc, ếch, cá đầu mùa mưa là ngon nhất rồi!
Mưa đầu mùa, nước ngấm trong lòng đất ở những đám ruộng nông dân đã thu hoạch xong đậu phộng tưới. Những trái đậu sót lại trong đất được nước mưa thấm vào, nở ra và nẩy mầm đội đất vươn lên gọi là giá đậu. Anh chị em tôi cùng nhiều trẻ em hàng xóm tay xách dao phay, tay cầm rổ đi bứng giá đậu đem về xào ăn.
Thích nhất là sau mấy cây mưa đầu mùa, bọn trẻ chúng tôi và cả người lớn thường men theo những bụi tầm vông, bờ rào, gò mối... tìm nấm mối. Khi chúng tôi tìm và nhổ được ổ nấm mối nào kha khá là ba tranh thủ đổ bánh xèo. Thế là cả nhà tôi được một bữa tiệc ngon lành. Mùa mưa cũng là mùa mùa măng mọc. Bụi tre mạnh tông và mấy bụi tầm vông sau hè chịu trận sau mùa nắng, giờ sinh sôi nảy nở, những búp măng trồi đất nhú lên. Vậy là trong những bữa cơm hằng ngày, nhà tôi có thêm mấy món măng kho, măng luộc, măng xào và sang hơn một chút là được bữa măng hầm giò heo...
Ðầu mùa mưa còn đem đến cho bọn trẻ chúng tôi những trò chơi thích thú như đá cá lia thia, đá dế... Mưa xuống, cá lia thia theo nước lên những đám ruộng cao, nước rút đi còn đọng lại dưới những lỗ chân trâu (trâu đi chân lún sâu xuống mặt ruộng), từng cặp (con trống con mái) lia thia chui xuống những vũng chân trâu này nhả bọt làm tổ.
Thấy lỗ chân trâu nào có bọt trắng, bọn trẻ chúng tôi chỉ cần bụm hai bàn tay lại là vớt được cá. Chúng tôi chỉ chọn những con cá lia thia trống lớn và đen mun đem về nuôi chơi. Còn cá mái, hoặc cá trống nhỏ quá thì thả trở lại vũng chân trâu. Cá lia thia trống được anh em tôi nuôi từng con riêng lẻ trong các hũ chao đã ăn xong rửa sạch trong veo.
Ðể tránh cho bọn cá háo thắng nhìn thấy nhau, rồi sừng lên, đối đầu nhau trúng vào hũ chao, chúng tôi lấy giấy làm vách ngăn. Khi nào muốn cho chúng sừng xem chơi thì rút miếng vách giấy ra. Những ngày nghỉ học, chúng tôi lựa những con cá lia thia đá hay nhất mà cáp cặp đá với nhau. Cũng vào đầu mùa mưa, những con dế đá chui rúc trong những bụi cỏ, hoặc trong rơm rạ, hay dưới đống dây đậu thi nhau gáy re re...
Chúng tôi men theo tiếng gáy, vạch cỏ, lật rơm, hoặc dây đậu ra tha hồ chộp đầu chúng. Bất kể dế trống than (màu đen) hay trống lửa (màu đỏ), con nào to là chúng tôi nắm đầu. Bỏ chúng vào lon, hoặc hai đứa ngồi chụm chân lại bỏ dế vào cho chúng đá nhau. Ngoài ra, những cơn mưa đầu mùa khiến đất mềm, dế cơm mới mặc áo lá (dế cơm non, cánh còn cụt như mặc áo lá) đùn hang rất nhiều. Chúng tôi lại xách dao đi soi hang bắt dế cơm non. Loại dế này làm sạch, rồi nhét hột đậu phộng vào bụng nó kho khô ăn cũng rất... tốn cơm!
Thời niên thiếu chúng tôi vui thích và luôn chờ đợi mưa đầu mùa như thế. Ngày nay đa số nhà cửa được xây dựng khang trang vững chắc, cuộc sống nhiều người đầy đủ. Bà con quê tôi chỉ trông mưa đầu cho trời dịu mát. Chẳng còn mấy người trông cho trời đổ mưa để đi soi cóc, ếch, cá... như những năm tháng trước đây nữa.
T.L