Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
VN vào Hội đồng Bảo an LHQ - cơ hội và trách nhiệm 'nhìn ra bên ngoài'
Thứ sáu: 16:45 ngày 07/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vào Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam thể hiện tiếng nói ngày càng có trọng lượng tại ASEAN, thúc đẩy ngoại giao mềm và nhấn mạnh việc kiên trì theo đuổi con đường hội nhập quốc tế.

10 năm sau khi hoàn thành nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Việt Nam đang là ứng viên duy nhất từ nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương trong LHQ để một lần nữa đảm đương trách nhiệm này.

Ngày 7/6 tại New York, Mỹ, Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu để bầu ra 10 ủy viên không thường trực HĐBA cho nhiệm kỳ 2020-2021. Các ứng viên được chọn theo một trong trong năm khu vực địa lý và Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn khi nhiều nước ủng hộ Việt Nam cho vị trí.

120 nước ủng hộ bằng văn bản

Trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ, cho biết hơn 120 nước đã thể hiện sự ủng hộ bằng văn bản, trong khi khoảng 30-40 nước đưa ra cam kết miệng. Chỉ có 41 nước chưa có bình luận nào về việc bầu chọn Việt Nam, theo nhà ngoại giao.

Trong khi LHQ có 193 thành viên và ghế ủy viên không thường trực HĐBA được bầu theo đa số hai phần ba, khả năng Việt Nam giành được ghế có thể nói là rất cao.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) và 10 thành viên không thường trực có nhiệm kỳ hai năm. Ảnh: Reuters.

HĐBA được xem là cơ quan quan trọng nhất trong hoạt động của LHQ, với vai trò giải quyết các xung đột và khủng hoảng có thể tạo thành mối đe dọa với hòa bình, an ninh quốc tế. Việc Việt Nam được chọn làm ứng viên duy nhất đại diện 54 nước châu Á - Thái Bình Dương lần này cho thấy các nước đánh giá cao vai trò và năng lực của Việt Nam.

"Nếu Việt Nam giành được ghế HĐBA, đây sẽ là bằng chứng khác cho thấy lợi ích và khả năng của Việt Nam trong việc can dự vào các vấn đề có tầm quan trọng khu vực cũng như toàn cầu", ông Brian Harding, phó giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington D.C., Mỹ, nói với Zing.vn.

"Tại Đông Nam Á, đa phần các nước gần như chỉ tập trung vào các vấn đề nội bộ, nhưng Việt Nam còn nhìn ra bên ngoài", vị chuyên gia nhận định.

Trong bài viết trên Geopolitical Monitor, tác giả James Borton nhận định tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh quốc tế đã gia tăng đáng kể từ hội nghị cấp cao APEC ở Đà Nẵng cuối năm 2017. Việt Nam đã đón tiếp thành công lãnh đạo của các nước lớn như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Trong 3 thập kỷ qua, Hà Nội đã được toàn cầu công nhận là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế", tác giả viết. "Hà Nội đã nhanh chóng hiểu được vai trò trung tâm của LHQ có ý nghĩa quan trọng thế nào trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế".

Theo tác giả, với tư cách ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam muốn thể hiện tiếng nói ngày càng có trọng lượng của mình tại ASEAN, thúc đẩy ngoại giao mềm và nhấn mạnh rằng Việt Nam kiên trì theo đuổi con đường hội nhập quốc tế.

"Chiếc ghế tại HĐBA đặt Hà Nội ở vị trí cao nhất về hội nhập quốc tế", ông Borton, nhà báo kỳ cựu với 25 năm viết về Đông Nam Á, đặc biệt là các vấn đề Mekong và Biển Đông, khẳng định.

Việc tham gia HĐBA sẽ khiến tiếng nói, lập trường, và các phát biểu của Việt Nam có ý nghĩa khác hẳn so với khi không nằm trong HĐBA, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung. 

"HĐBA là cơ quan chịu trách nhiệm hàng đầu trong các vấn đề hòa bình và an ninh... Nếu ngồi tại HĐBA, Việt Nam có thể tham gia bỏ phiếu, và có thể có những lá phiếu mang tính cưỡng chế nên tác động lớn hơn rất nhiều”, ông Lê Hoài Trung phát biểu tại một hội thảo ở Hà Nội hồi đầu tháng 4.

Quân nhân Việt Nam cùng quân nhân các nước tại phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ ở Cộng hòa Trung Phi. Ảnh: Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam.

Tiếng nói ASEAN

Việt Nam sẽ là chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020. Nếu cùng lúc đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam sẽ có cơ hội để thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của mình tại khu vực.

Tháng 9/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận chung của Đại hội đồng LHQ khóa 73. Trong bài phát biểu, Thủ tướng đưa ra vấn đề "trách nhiệm kép", tức "mỗi quốc gia có thêm trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu, mỗi cá nhân có thêm vai trò công nhân toàn cầu".

"Sự có mặt của Thủ tướng Phúc tại LHQ gửi đi một thông điệp rõ ràng đến Hội đồng Bảo an rằng Hà Nội cam kết hợp tác với ASEAN trong việc tích cực thúc đẩy đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, cũng như vun đắp môi trường hợp tác và hữu nghị tại khu vực", tác giả James Borton nhận định trong bài viết của ông.

Việc Việt Nam cùng lúc đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN và ủy viên không thường trực HĐBA "sẽ cho phép Việt Nam khuếch đại tiếng nói của các nước ASEAN nếu Việt Nam chọn làm như vậy", theo chuyên gia Harding của CSIS.

"Vì vậy, đây là cơ hội để thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong ASEAN", ông trả lời Zing.vn qua email.

HĐBA LHQ gồm 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) và 10 thành viên không thường trực. Các ủy viên không thường trực do các nước thành viên LHQ đề cử và bầu chọn với nhiệm kỳ kéo dài hai năm.

Mọi thành viên của LHQ phải chấp nhận và thi hành các nghị quyết của HĐBA. Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể "đưa ra đề xuất", chỉ riêng HĐBA có quyền đưa ra các quyết định bắt buộc thành viên phải thi hành, như việc ra nghị quyết trừng phạt Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bên lề cuộc họp của Đại hội đồng tháng 9/2018. Ảnh: AFP.

Theo các chuyên gia, trong lúc vấn đề cải tổ LHQ chưa được giải quyết, thế giới cần đến HĐBA hơn bao giờ hết khi các điểm nóng căng thẳng và có thể bùng phát xung đột vẫn tồn tại ở bán đảo Triều Tiên, khu vực Kashmir, eo biển Đài Loan, Iran,...

Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết sau khi có kết quả bầu chọn ngày 7/6, lãnh đạo Việt Nam sẽ có thông điệp về các ưu tiên của Việt Nam trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA.

Bà Hằng cũng nhấn mạnh Việt Nam "đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị mọi mặt,... tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của LHQ và các tổ chức nghiên cứu quốc tế" cho cuộc bầu chọn lần này.

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục