Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Truyện ngắn
Vọng cố hương
Thứ bảy: 21:32 ngày 05/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - 1.Ông Thành thức dậy khi chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường rung lên điểm sáu giờ sáng. Chui đầu ra khỏi tấm chăn bông ấm sực, ông đưa mắt nhìn qua cửa kính sáng mờ. Ngoài trời tuyết đang rơi.

Nhìn lớp tuyết trắng phủ dày lối đi, khắp hành lang và giăng mắc trên những nhánh cây ngoài vườn, ông biết là tuyết rơi từ đêm qua. Mùa này, thường ít khi có tuyết nhưng mấy năm nay biến đổi khí hậu gì đó nên làm thời tiết thay đổi. Mấy chậu hoa ông trồng trước sân, đợi tết nở hoa cho đẹp không gian ngôi nhà nhưng rồi chịu không thấu cái lạnh nên đã tàn lụi… Ông Thành khẽ lắc đầu, co rúm người rồi nhìn quanh căn phòng được bài trí gọn gàng, hầu hết là gam màu nhã, sang trọng. Ðây là căn phòng con trai đã thiết kế dành cho ông. Một căn phòng ấm cúng, mọi vật dụng cần thiết đều đặt để ngay ngắn, tiện cho việc sử dụng của chủ nhân khi cần.

 Tiếng đồng hồ cứ nhịp nhàng tích tắc giữa không gian vắng lặng của căn phòng. Bên ngoài, tuyết vẫn rơi nhẹ, gió thổi u u. Thỉnh thoảng, vài chiếc xe tải lù lù đi ngang và những bóng người thì mũ trùm kín đầu, áo dạ chấm gối và chân đi ủng cũng chậm rãi, lủi thủi bước. Trông buồn bã và cô đơn làm sao. Ông Thành xếp gọn chăn màn rồi đi vào phòng vệ sinh, bật máy nóng lạnh. Nhìn vào tấm kính to đối diện, ông lại thở dài. Cơn lạnh không biết từ đâu thốc vào ngực, tê buốt. Chiếc bàn chải đánh răng trên tay ông rơi xuống sàn. Cảm giác choáng lướt qua đầu khiến ông Thành lảo đảo, ông nhanh chóng chống tay vào tường. Cơn đau tim lại hành hạ ông.

Sau khi uống viên thuốc để sẵn trên chiếc bàn nhỏ kê sát giường, ông Thành từ từ nằm xuống, lòng miên man nghĩ ngợi…

-Bà ơi, tại sao tôi lại khổ và cô đơn như thế này!

Ông Thành ngước mắt về phía trang thờ gắn vào vách tường, nơi có di ảnh vợ. Cây nhang điện được con trai ông thiết kế nhấp nháy suốt ngày đêm. Ông Thành xúc động, mấy giọt nước mắt khẽ ứa ra, nóng hổi.

Vậy là đã gần mười năm ông Thành rời quê qua đây. Ban đầu ông từ chối, vì dù sao ở quê nhà vẫn tốt hơn nhiều, nhưng rồi vì con vì cháu mà ông đành ra đi để đoàn tụ… Thật không thể diễn tả được tâm trạng của ông khi ấy là gì. Ông mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Ði đâu, có ai hỏi về việc ông phải rời quê là ông lại xúc động, lòng nặng trĩu suy tư. Ông đi ra đồng, dạo quanh các đám ruộng, nâng niu từng bông lúa. Ông rảo quanh nghĩa địa, đứng lặng trước hàng mộ của dòng họ. Ông ngồi hàng giờ, nói chuyện với vợ qua di ảnh được khắc trên bia. Tôi sắp xa bà rồi, đi xa lắm, chưa biết khi nào lại về quê, bà tha lỗi cho tôi bà nhé... Nói xong, ông Thành gục đầu khóc nức nở. Có hôm, ông đi thăm từng gia đình trong xóm, đi dọc con đường đất dẫn ra bãi soi. Mùa nước ròng, dòng sông trong xanh, êm đềm trôi về biển. Những kỷ niệm xa xưa lại cuộn trào trong ông. Tuổi hai mươi, khát vọng tình yêu, cô thôn nữ bên kia sông, từng chiều cùng cha ra bãi chăm bón hoa màu. Ông từng mượn xuồng bơi qua đấy. Cái bến sông có gốc đa to, có hàng quán của bà lão móm, có con đò chở khách đã cũ mèm. Con sông đã phác hoạ thành một bức tranh quê vừa yên bình vừa thơ mộng. Ông cùng bạn thời trai trẻ lặn ngụp thoả thích. Phía cuối dòng sông, những người dân cần cù với công việc nhủi hến cào don. Con thuyền nhỏ, chiếc nón trắng lấp loá dưới nắng trưa. Rồi cái sân bãi rộng nằm cuối xóm, ông từng tập đi xe đạp cho thằng con trai. Nhà từ đường của dòng họ, ngày rằm ông hay đến thắp hương. Ông tì tay miết vào tấm bia to dựng trước cửa, ghi tên từng người của mỗi chi mỗi nhánh ... Ôi, biết bao yêu thương và thân thuộc, vậy mà ông phải rời xa... Ngày ông vô Sài Gòn làm thủ tục, biết là khó trở về, vì ông cũng đã già nên họ hàng, bà con làng xóm đến tiễn ông đông lắm. Ông đã đắn đo, muốn không đi nữa, ở lại cùng với bà con xóm giềng nhưng sự thuyết phục có lý có tình của đứa con trai đã khiến ông có niềm tin nơi miền đất mới, dù nó xa xôi đến nửa vòng trái đất.

2. Chiếc điện thoại để trên chiếc bàn kê sát vách reo lên, giục giã. Khó khăn lắm ông Thành mới bước tới được nhưng đã không kịp, tiếng chuông tắt, màn hình hiện lên màu đen. Ông Thành cầm chiếc điện thoại lên, lắc đầu ngán ngẩm. Mỗi ngày hai bận, con trai ông gọi cho ông, hỏi thăm và dặn dò cha. Ngoài con trai, thỉnh thoảng cũng có một vài người bạn gọi cho ông. Hay lúc nào nhớ quê, ông gọi về cho bà Tâm hàng xóm. Bà Tâm bán tạp hoá cạnh nhà ông. Bao giờ cũng thế, vừa nhấc máy lên là bà liến thoắng bao nhiêu chuyện ở quê nhà. Nhờ vậy mà ông cũng vơi được nỗi lòng. Có lần bà hồ hởi khoe rằng sẽ có chiếc cầu bắc qua dòng sông trước nhà ông. Ông vui lắm, tưởng tượng về diện mạo của quê hương khi cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh phát triển. Rồi đây, chiếc cầu hoàn thành nối đôi bờ, tạo thuận tiện cho sinh hoạt, lưu thông của người dân...Bà Tâm còn nói về nông thôn mới, đường làng ngõ xóm đều được tráng bê tông. Có nơi còn chu đáo trồng hoa hai bên đường tạo cảnh quang xanh sạch đẹp... Ông nghe mà muốn trở về ngay tức khắc.

Một hôm, con trai ghé thăm, mang thực phẩm bỏ tủ lạnh để dành cho cha, ông thủ thỉ với nó việc năm nay sẽ về quê ăn tết. Nó chỉ ậm ừ qua loa, khiến ông buồn mất mấy ngày. Bệnh thấp khớp cùng với bệnh tim, khiến ông di chuyển khó khăn. Suốt ngày chỉ biết đi ra ngoài sân rồi vô nhà nằm. Buồn vắng, cô đơn lắm. Bật ti vi coi hoài cũng chán. Ông thấy người như nhũn ra, chậm chạp. Nhất là mấy tuần nay, trời trở lạnh, tuyết rơi lộp độp suốt đêm, sáng ra cả khu vườn trắng xoá. Cái lạnh như kim châm, ông chỉ biết co ro trong tấm chăn mà nhìn trời qua cửa kính.

3. Vào những ngày gần tết, ông Thành cảm giác mình mang tội. Những chuyện quê hương như những thước phim quay chậm cứ trở về trong lòng, khiến ông bất an, nhiều nghĩ ngợi...

Tết là để đoàn tụ, con cháu sum vầy, họ hàng thăm hỏi, chúc tụng. Vậy mà cái cảm giác háo hức khi xúng xính quần áo mới, đứng nghiêm trang trước bàn thờ tổ tiên linh thiêng cúng giao thừa không còn nữa. Sáng mùng Một, trên chiếc sập gụ trước hiên, bình trà, đĩa mứt, ngắm cội mai đang kỳ mãn khai, nhiều cánh vàng rơi xuống đậu đầy khoảng sân dường như chỉ còn hoài niệm. Cái năm đầu sang đây, ông Thành lén con trai đến chợ mua đồ về gói bánh chưng. Không thiếu thứ gì cả nhưng cảm giác thiêu thiếu cứ làm ông trăn trở. Chiếc bánh chưng xanh, cành mai vừa đơm nụ tạo cho căn phòng một không gian tết nhưng sự đầm ấm, sum vầy không thể có được. Ngày tết cổ truyền của dân tộc nhưng ở đây con trai ông vẫn phải đi làm, mấy đứa cháu vẫn đến lớp. Ông một mình nhìn di ảnh vợ, nhìn cành mai, nhìn chiếc bánh chưng mà lòng ngậm ngùi, đau xót.

4. Trời nắng ấm. Lớp tuyết dày tan dần. Lối đi ra vườn có lát đá màu xám còn trơn ướt. Ông Thành thấy mình khoẻ hẳn. Cái chân co duỗi thoải mái hơn. Ông mở cửa bước ra ngoài. Bụi hoa trồng cạnh bậc tam cấp bật lên mấy nụ xanh. Bên hàng xóm, bản nhạc xuân thời tiền chiến vang lên. Ông biết chủ nhân ngôi nhà ấy. Họ cũng là người Việt, lúc khoẻ ông cũng hay qua đấy chuyện trò.

Tiếng xe nhẹ êm lướt tới và dừng lại, khiến ông Thành quay lại. Con trai mở cửa xe, trố nhìn khi thấy cha đã khoẻ, bước ra ngoài. Ông gật đầu xác nhận điều con trai ngạc nhiên. Hai cha con ngồi bên nhau trên băng ghế kê ngoài vườn. Mấy tia nắng sớm rực rỡ rọi xuống vai, xuống tóc họ.

-Ba nhớ quê lắm phải không?

Nghe con trai hỏi một câu có vẻ thừa như thế, ông Thành nhíu mày nhìn con. Có

vẻ chột dạ, con trai cầm tay ông, đầu cúi xuống thấp, giọng nghẹn ngào:

-Con thật sự có lỗi với ba. Con nghĩ đưa ba qua đây để ba an dưỡng tuổi già, để được gần con gần cháu, nào ngờ...

Dường như quá xúc động, người con trai ấp úng rồi dừng lại. Ông Thành nắm chặt tay con, an ủi:

-Ba hiểu con chứ, ba cũng rất cố gắng nhưng đời ba như một thân cây mà quê hương cội nguồn là đất, nay cây ấy bị bứng khỏi đất thì làm sao sống được...

Không ngờ câu nói của ông Thành làm cho con trai nghẹn ngào hơn. Nó khóc. Ông Thành cũng khóc. Nước mắt người già khó khăn lắm mới chắt ra thành giọt.

-Sau nhiều năm dành dụm, nay đủ điều kiện rồi, năm nay con sẽ đưa ba về quê ăn tết.

Nghe con trai thủ thỉ, ông Thành bóp chặt lấy tay con hơn. Ông thương con lắm, nó là đứa biết nghĩ nhưng vì hoàn cảnh nên mới để ông phải thui thủi một mình. Vì con cháu ông chấp nhận cực khổ, nhưng nỗi cô đơn của người già luôn làm ông hoài vọng chốn quê, khiến ông xót xa khi tết đến xuân về.

Ông Thành sẽ về quê, về với xóm làng, và không qua đây nữa. Con trai ông đã đồng ý. Nó cũng tính rồi, vài năm nữa thôi, sắp xếp công việc cũng sẽ hồi hương.

Một làn gió nhẹ thổi. Những tia nắng trên vòm cây thâm thấp phía hàng rào bằng gỗ sơn trắng nhảy nhót. Bầy chim báo tin xuân cũng quay trở về, chao cánh trên không.

T.Ð.S

Tin cùng chuyên mục