Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vụ Hè Thu năm 2020: Đã xuống giống trên 65.700 ha
Thứ năm: 13:30 ngày 09/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tính đến ngày 15.6.2020, toàn tỉnh đã xuống giống vụ Hè Thu được trên 65.700 ha, so với cùng kỳ giảm 6,96%.

Diện tích xuống giống vụ Hè Thu tháng 6 chậm hơn cùng kỳ ở một số loại cây trồng như lúa, bắp, cây rau, đậu, hoa, cây cảnh, cây mì và cây mía, do trong tháng, thời tiết nắng nóng gay gắt, chỉ có một vài cơn mưa rào xảy ra gây bất lợi cho việc xuống giống cây trồng, việc chuyển đổi cây trồng trong vụ cũng bị tác động, ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống.

Thu hoạch mía

Cụ thể: Diện tích cây lúa đã xuống giống trên 47.000 ha, giảm 5,78% so với cùng kỳ. Cây bắp đã xuống giống gần 1.100 ha, so với cùng kỳ giảm 1,18%. Cây đậu phộng xuống giống 546 ha, so với cùng kỳ giảm 15,96%. Rau, đậu, hoa, cây cảnh xuống giống được 7.840 ha, so với cùng kỳ giảm 1,77%.

Cây mì đã xuống giống khoảng 7.550 ha, so với cùng kỳ giảm 18,49%; diện tích trồng giảm ở các huyện: Châu Thành (­giảm 2.441 ha), Gò Dầu (giảm 95,4 ha). Riêng cây mía trồng mới được 255,8 ha, so với cùng kỳ chỉ bằng 42,56% (giảm 345,3 ha), diện tích giảm tập trung ở huyện Tân Biên (giảm 271,9 ha), Tân Châu (giảm 4,6 ha) và Gò Dầu (giảm 68,8 ha). Diện tích trồng mía giảm chủ yếu là do sau khi thu hoạch mía của vụ trước xong, người dân chuyển sang trồng cây khác mà không tiếp tục trồng lại mía.

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định, đặc biệt, nhóm cây ăn trái có diện tích gieo trồng tăng trưởng nhanh. Việc chuyển đổi cây trồng diễn ra thường xuyên, cơ cấu cây trồng chuyển biến tích cực. Giá cả một số sản phẩm cây ăn trái và các loại cây thuộc nhóm cây lấy trái chứa dầu, cây công nghiệp chế biến có xu hướng tăng.

Nông dân thu hoạch ớt.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến giá cả và việc tiêu thụ một số sản phầm cây ăn trái nên giá một số sản phẩm giảm mạnh, có sản phẩm tiêu thụ chậm; giá cao su vẫn tiếp tục giảm ảnh hưởng không nhỏ về thu nhập cũng như kế hoạch đầu tư của người sản xuất.

Theo Cục Thống kê, tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước thực hiện 122.051 ha, giảm 0,35% so với cùng kỳ.

Cụ thể một số cây trồng chính như xoài ước thực hiện 2.477 ha, chiếm 17,44% trong nhóm các loại cây ăn quả nhiệt đới, cận nhiệt đới; giảm 0,28% so với cùng kỳ năm trước. Cây cao su ước thực hiện 94.933 ha, chiếm 77,5% trong tổng diện tích cây lâu năm thực hiện toàn tỉnh, bằng 96,49% (giảm 3.456 ha) so với cùng kỳ. Trong kỳ, giá mủ cao su vẫn tiếp tục ở mức thấp nên lợi nhuận mang lại không đáng kể, do vậy, nhiều diện tích đã thanh lý để chuyển sang trồng các loại cây khác.

Nông dân chuẩn bị đất cho vụ sản xuất mới.

Diện tích cây cao su hiện có vẫn được duy trì, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp Nhà nước sản xuất theo kế hoạch. Hiện diện tích cao su trên địa bàn vẫn còn vượt mức quy hoạch chung của tỉnh nên trong thời gian tới, diện tích có thể tiếp tục giảm, kể cả trong các doanh nghiệp Nhà nước.

Ngoài ra, cây mãng cầu ước thực hiện 5.280 ha, chiếm 37,17% trong nhóm các loại quả nhiệt đới, cận nhiệt đới, tăng 3,53% so với cùng kỳ năm 2019. Những năm gần đây, cây cao su hiệu quả đạt thấp nên người dân thanh lý nhiều, một số diện tích này được nông dân chuyển sang trồng cây mãng cầu.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục