Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vũ khí mới Mỹ hỗ trợ Ukraine đe dọa các mục tiêu giá trị cao của Nga
Thứ hai: 09:07 ngày 29/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mỹ được cho là đã cung cấp cho Ukraine thêm tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm xa mạnh mẽ mà các lực lượng của Kiev đã sử dụng để phá hủy các sân bay của Nga trong các cuộc tấn công sâu.

Nhắm vào các mục tiêu giá trị cao của Nga

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/4 đã dọn đi trở ngại cuối cùng cho Ukraine để nhận được gói hỗ trợ bổ sung, trong đó bao gồm Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân MGM-140 (ATACMS). Theo một số bài báo, Kiev đã bí mật nhận được một đợt vận chuyển ATACMS vào đầu năm nay và gần đây đã sử dụng chúng trong các cuộc tấn công tầm xa. Các nghị sĩ Mỹ cũng cho biết sẽ có nhiều tên lửa tầm xa đang trên đường tới Kiev trong một vài ngày tới.

Ukraine trước đó cho thấy nước này có thể nhắm vào các mục tiêu giá trị cao của Nga phía sau phòng tuyến bằng ATACMS, mà theo một số chuyên gia có thể gây ra tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Moscow. Nhiều tên lửa tầm xa được cung cấp đồng nghĩa với việc Kiev có thể tiếp tục kế hoạch này.

ATACMS trong cuộc thử nghiệm bắn đạn thật ở New Mexico năm 2021. Ảnh: John Hamilton

"Điều này sẽ khiến Nga phải thay đổi nhiều chiến lược và chiến thuật của họ", Dan Rice - cựu sĩ quan Lục quân Mỹ nhận định với Business Insider.

Trong suốt cuộc xung đột với Nga, Ukraine thường hối thúc Mỹ cung cấp ATACMS để nước này có thể nhắm vào các mục tiêu giá trị cao của Nga nằm phía sau phòng tuyến. Sau khi bí mật nhận được một số lượng nhỏ tên lửa từ Mỹ, Kiev cuối cùng đã cho chúng xuất hiện vào mùa thu năm ngoái bằng cách tấn công 2 sân bay của Nga tại các khu vực đối phương kiểm soát ở phía Đông.

Ukraine đã sử dụng phiên bản ATACMS M39 trong những cuộc tấn công này. Là một tên lửa mang đạn chùm có độ sát thương cao với tầm hoạt động khoảng 160km, M39 chứa 950 quả đạn M74, được thả trong khi bay và phân tán trong một khu vực rộng lớn, khiến cho vũ khí này có khả năng gây ra tổn thất đáng kể.

Theo tình báo phương Tây, hai cuộc tấn công này đã phá hủy nhiều trực thăng của Nga - những tài sản có giá trị quan trọng trong chiến dịch quân sự tại Ukraine, cùng với một hệ thống phóng tên lửa phòng không, các phương tiện và kho đạn dược. Sau cuộc tấn công, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhận định rằng ATACMS tự nó đã chứng minh được khả năng của mình.

Từ mùa thu năm ngoái, chưa có bất kỳ sự xác nhận công khai nào từ Kiev hay Washington về các cuộc tấn công tăng cường của Ukraine sử dụng loại tên lửa này.

Tuy nhiên, ngày 24/4, New York Times và Reuters đưa tin, chính quyền Tổng thống Biden đã bí mật vận chuyển các phiên bản ATACMS tầm xa cho Ukraine đầu tháng này như một phần trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 300 triệu USD được thông báo hồi tháng 3/2024. Kiev sau đó đã ngay lập tức sử dụng các tên lửa này để tấn công một sân bay của Nga trên Bán đảo Crimea vào tuần trước, các quan chức Mỹ cho hay.

Cuối tuần trước, Hạ viện đã thông qua một dự luật yêu cầu vận chuyển thêm ATACMS cho Ukraine như một phần trong gói hỗ trợ quan trọng trị giá 61 tỷ USD cho Kiev. Thượng nghị sĩ Mark Werner, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện nhận định với CBS hôm 21/4 rằng ông hy vọng ATACMS sẽ được vận chuyển vào cuối tuần này.

Sức mạnh của tên lửa ATACMS

Hiện vẫn chưa rõ Ukraine sẽ nhận được phiên bản ATACMS nào. Ngoài M39 có tầm hoạt động 160km, Mỹ có 2 phiên bản khác tầm bắn tới 300km, một phiên bản ATACMS sử dụng đầu đạn chùm chứa 300 viên đạn trong khi phiên bản còn lại sử dụng đầu đạn nguyên khối.

Ukraine đã nhiều lần hối thúc Washington cung cấp phiên bản tên lửa tầm xa nhất, được cho là đã dùng trong cuộc tấn công vào Crimea tuần trước. Hiện chưa rõ liệu Kiev sử dụng phiên bản tên lửa đạn chùm hay phiên bản tên lửa đạn nguyên khối trong cuộc tấn công nhằm vào các hệ thống phòng không và trạm radar của Nga.

Quân đội Ukraine sử dụng ATACMS. Ảnh: Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine

Tất cả ATACMS đều có thể được phóng từ pháo phản lực HIMARS hoặc Hệ thống Tên lửa Phóng loạt M270 nhưng các phiên bản ATACMS khác nhau có thể được sử dụng để nhắm vào các mục tiêu khác nhau, ông Rice đánh giá.

Phiên bản đạn chùm có thể được sử dụng để nhắm vào các điểm tập kết quân đội quy mô lớn hoặc trong các chiến hào, trong khi cũng có thể phá hủy các kho chứa nhiên liệu, đạn dược và các phương tiện bọc thép.

Trong khi đó, phiên bản đầu đạn nguyên khối có thể được sử dụng để nhắm vào cầu đường, các cơ sở chỉ huy và kiểm soát, kho hậu cần hoặc các boongke được bảo vệ nghiêm ngặt bởi chúng có sức nổ lớn, thay vì phân tán đạn trong một khu vực rộng như đạn chùm.

"Có được sự kết hợp này sẽ chỉ khiến pháo phản lực HIMARS có độ sát thương cao hơn và đặt nhiều sức ép lên Nga trong toàn bộ khu vực 300km trên tiền tuyến", ông Rice cho hay.

Bất kể là phiên bản gì, việc ATACMS được cung cấp bổ sung cho Ukraine có thể sẽ khiến Moscow phải thay đổi chiến lược và kế hoạch. Các chuyên gia trước đó đánh giá giới lãnh đạo quân sự Nga sẽ phải cân bằng giữa việc làm thế nào để bảo vệ và di chuyển các tài sản dễ tổn thương nằm trong phạm vi hoạt động của tên lửa mà không làm giảm giá trị chiến đấu của chúng.

Chuyên gia Rice cho biết việc ATACMS được cung cấp thêm cho Ukraine cũng buộc Nga phải di chuyển các kho hậu cần, bốt chỉ huy và kiểm soát cũng như các trực thăng tấn công ra xa tiền tuyến. Bằng cách này, Ukraine có thể khiến Moscow "rất khó" tấn công các lực lượng của Kiev.

Việc thông qua gói hỗ trợ bổ sung cho Ukraine tuần này diễn ra trong thời điểm then chốt với các lực lượng của Kiev khi họ đối mặt với tương lai ngày càng ảm đạm trên chiến trường do cạn kiệt đạn pháo và vũ khí phòng không. Trong khi đó, Nga đạt được những bước tiến đáng chú ý trong những tháng qua. Các quan chức Mỹ, Ukraine và phương Tây cùng các chuyên gia cảnh báo, nếu không có sự hỗ trợ an ninh bổ sung từ Washington, Kiev sẽ tiếp tục mất thêm lãnh thổ.

Nguồn t/h

Tin cùng chuyên mục