Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vụ lúa Đông Xuân 2021–2022: Nông dân nhiều nỗi lo
Thứ tư: 17:51 ngày 19/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vào thời điểm này, nông dân nhiều nơi trong tỉnh đang tất bật vệ sinh đồng ruộng và xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2021-2022. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao, còn giá bán ra lại bất ổn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bất lợi về thời tiết, rủi ro dịch bệnh cao.

Nông dân Châu Thành làm đất chuẩn bị xuống giống lúa Đông xuân 2021 – 2022.

Đang đặt máy bơm vét nước chống ngập cho hơn 2 ha lúa mới sạ được 10 ngày tuổi, anh Lê Anh Dũng, ngụ ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình, huyện Châu Thành cho biết, mực nước lũ năm nay không lên cao nhưng lại chậm rút làm cho anh và nhiều hộ khác phải dời lịch xuống giống trễ gần nửa tháng, ngoài việc chờ thời điểm nước xuống thấp để làm đất, từ lúc xuống giống đến nay, anh phải đặt máy bơm liên tục để chống ngập cho lúa non, hạn chế sự phá hoại của ốc bươu vàng. Theo anh Dũng, ngoài chi phí về giống, công làm đất, gieo sạ, thì đến thời điểm này, chỉ riêng tiền mua xăng dầu bơm nước chống ngập đã hơn 2,5 triệu đồng.

Vụ Đông Xuân này, ông Võ Văn Tâm, ngụ ấp Thanh Bình, xã An Bình, huyện Châu Thành xuống giống 2,5 ha lúa, ngay từ đầu vụ, ông đến đại lý đặt mua phân bón cho cả vụ vì lo ngại khi bước vào chính vụ, giá vật tư nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cao. Ông Tâm cho biết, lúa của ông mới được 15 ngày tuổi nhưng chi phí đầu tư đã trên 20 triệu đồng/ha. Từ nay đến cuối vụ, dự tính tổng chi phí đầu tư còn tiếp tục gia tăng, nếu giá lúa giữ ổn định như hiện nay (khoảng 5.500 đồng/kg) thì nông dân chỉ huề vốn, hoặc lời được vài triệu đồng; lúa thất mùa, giá lúa giảm dưới 4.500 đồng/kg như vụ Hè Thu vừa qua thì xem như mất trắng.

Nông dân canh tác vụ lúa Đông xuân 2021 – 2022 với nhiều nỗi lo.

Đó là những hộ có đất nông nghiệp, còn những hộ phải thuê mướn đất sản xuất thì càng lo lắng hơn. 

Ông Lê Văn Tý, ngụ ấp Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu thuê 1,2 ha đất ở ấp Cẩm Long để canh tác sản xuất lúa. Vừa qua, toàn bộ diện tích lúa của ông Tý bị ốc bươu vàng cắn phá, phải sạ lần hai. Hiện tại, dù lúa phát triển tốt hơn trước nhưng nỗi lo về chi phí sản xuất và giá lúa vụ Đông Xuân năm nay vẫn luôn canh cánh trong lòng ông Tý. “Tôi mong sao Nhà nước có chính sách bình ổn giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời, tăng giá lúa để nông dân đỡ khổ. Phân bón tăng giá kiểu này thì những người mướn đất như tôi thua lỗ là cái chắc”- ông Tý buồn rầu nói.

Theo nhiều nông dân đã và đang xuống giống lúa vụ Đông Xuân 2021-2022, trên địa bàn các huyện Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng, năm nay nước lũ ít hơn so với cùng kỳ nhưng lượng phù sa được tích luỹ trong đất tương đối nhiều, sẽ là yếu tố quan trọng giúp cây lúa phát triển về sau. Mặt khác, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, hầu hết nông dân xuống giống lúa Đông Xuân đều áp dụng biện pháp sạ thưa; một số nơi sử dụng máy cấy nhằm giảm lượng lúa giống trong gieo sạ, giảm sinh vật gây hại tấn công và số lần phun thuốc phòng trừ sâu, bệnh hại. Nông dân nhẹ công chăm sóc, tiết kiệm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản xuất, sản phẩm làm ra đạt năng suất và chất lượng, từ đó nâng cao giá trị và tăng lợi nhuận cho bà con ở vụ lúa chính trong năm.

Theo một cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để bảo đảm cho vụ lúa chính trong năm đạt thắng lợi trên các mặt, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và ban hành khung lịch thời vụ gieo sạ để các địa phương trong tỉnh làm cơ sở xây dựng thời gian xuống giống cho phù hợp với từng vùng. Về cơ cấu giống lúa, Chi cục tiếp tục khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao nhằm tạo thuận lợi về đầu ra và xuất khẩu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân kiểm tra kiểm tra việc kinh doanh một cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố Tây Ninh.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi ngay thời điểm đầu vụ thì nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với không ít khó khăn, nhất là giá vật tư nông nghiệp tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là giá phân bón tăng gấp đôi, có loại tăng gần 250%. Ghi nhận từ một số đại lý phân phối vật tư nông nghiệp trực tiếp cho nông dân tại một địa phương trong tỉnh, giá phân urê Phú Mỹ từ 370.000 đồng/bao ở vụ lúa Đông Xuân năm trước thì nay nông dân phải mua với mức giá hơn 980.000 đồng/bao, còn đạm Cà Mau từ 370.000 đồng/bao nay tăng lên trên 1 triệu đồng/bao; tương tự, phân DAP từ 580.000 đồng/bao, nay tăng lên 1,3 triệu đồng/bao, NPK 20-20-15 từ 560.000 đồng/bao tăng lên 970.000 đồng/bao, kali từ 340.000 đồng/bao tăng lên 850.000 đồng/bao.

Cùng với giá phân bón, giá xăng dầu cũng ở mức cao so với cùng kỳ, trong khi nông dân đang có nhu cầu sử dụng xăng dầu trong lúc này để bơm rút nước trên ruộng trước khi sạ lúa; giá lúa giống tăng từ 1.000-5.000 đồng/kg (tuỳ loại), qua đó tạo áp lực không nhỏ về chi phí mà nông dân phải bỏ ra ngay từ đầu vụ.

Theo kế hoạch, vụ lúa Đông Xuân năm 2021-2022, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống đạt 44.500 ha. Đến thời điểm này, bà con đã xuống giống được hơn 90% diện tích, tập trung ở huyện Châu Thành, Bến Cầu, Gò Dầu và thị xã Trảng Bàng. Hiện các diện tích đã gieo sạ, được nông dân tích cực chăm sóc và theo dõi chặt chẽ tình hình phát triển của cây lúa để có biện pháp phòng trị sâu, bệnh kịp thời. Đối với những diện tích chưa gieo sạ, nông dân cần chọn các giống lúa chất lượng cao, áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” để giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, lợi nhuận khi thu hoạch.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi ngay thời điểm đầu vụ, nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với không ít khó khăn, nhất là giá vật tư nông nghiệp tăng cao so với cùng kỳ, đặc biệt là giá phân bón tăng gấp đôi, có loại tăng gần 250%. 

Nguyên An

Tin cùng chuyên mục