Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vụ lúa Đông Xuân sớm, nông dân phấn khởi vì giá lúa tăng, giá phân bón giảm
Thứ ba: 08:00 ngày 07/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay, nhiều diện tích lúa vụ Đông Xuân trên địa bàn các huyện Châu Thành, Bến Cầu và Trảng Bàng bước vào vụ thu hoạch sớm. Nông dân có lúa đang thu hoạch phấn khởi nhờ trúng mùa, bán được giá cao và dễ tiêu thụ.

Giá lúa cao hơn năm trước gần 1.000 đồng/kg

Những ngày này, nhiều hộ dân canh tác lúa tại xã Tiên Thuận và xã Long Thuận huyện Bến Cầu tất bật bước vào vụ thu hoạch vụ lúa Đông Xuân. Năng suất lúa từ 7 - 8 tấn/ha. Giá bán lúa tươi tại ruộng dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, tăng bình quân từ 500 - 1.000 đồng/kg so cùng kỳ.

Vừa mới thu hoạch xong hơn 1,3 ha lúa giống IR 50404, ông Nguyễn Văn Bình, ngụ ấp Xóm Lò, xã Tiên Thuận cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm nay, nhờ thời tiết ổn định nên năng suất lúa cao hơn khoảng 100kg/công, mặc dù mức tăng không cao nhưng bù lại giá bán lúa vụ này ở mức cao nên phần nào giảm gánh nặng cho nông dân trước chi phí đầu tư cao, nhất là chi phí phân bón. Theo ông Bình, lúa vừa thu hoạch được thương lái thu mua tại ruộng giá từ 6.200 - 6.500 đồng/kg, đây là mức giá cao nhất trong hai năm qua.

Ông Phúc, ngụ ấp Bố Lớn xã Hoà Hội cho biết, lúa ông đang thu hoạch là giống OM1352, trước khi thu hoạch, thương lái đến tận nhà đặt mua với giá 6.500 đồng/kg.

Theo ông Phúc, so với cùng kỳ năm ngoái, vụ lúa này nông dân canh tác khá thuận lợi, do từ cuối năm 2022 đến nay, nắng nhiều, ít sâu bệnh nên năng suất lúa đạt khá cao, so cùng kỳ năm trước, năng suất tăng khoảng 50 - 150kg/công.

Với giá lúa như hiện nay (cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg so với năm trước) ông Phúc nhẫm tính, gần 1 ha lúa của gia đình sau khi trừ hết chi phí, ông có lãi khoảng 20 triệu đồng.

Nông dân thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023.

Giá phân bón đã giảm

Theo một số đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp trên đại bàn tỉnh, giá các loại phân bón từ đầu năm 2023 đến nay liên tục giảm mạnh. Hiện giá phân đạm (Urê) giảm thêm từ 10.000-30.000 đồng/bao (50kg) so với cách nay khoảng 2 tuần.

Giá đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ và nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia và Malaysia đang được bán tại cửa hàng vật tư nông nghiệp chỉ còn 600.000 - 650.000 đồng/bao, trong khi trước đây có thời điểm tăng hơn 900.000 đồng/bao.

Theo chủ một đại lý kinh doanh phân bón tại thị xã Hoà Thành, phân bón Urê được sản xuất trong nước và có dư để xuất khẩu, giá ở mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua.

Còn giá các loại phân bón DAP, NPK và Kali có giảm nhưng vẫn còn đang ở mức cao, với giá nhiều loại DAP từ 850.000 - 1.400.000 đồng/bao, NPK 20-20-15 từ 900.000 - 1.100.000 đồng/bao, Kali giá 730.000 - 800.000 đồng/bao... trong thời gian tới, giá nhiều loại phân bón có khả năng sẽ còn giảm do nguồn cung dồi dào và giá phân bón trên thế giới đang có xu hướng giảm mạnh.

Từ cuối năm 2020 đến nay, giá phân bón tăng cao kỷ lục, gấp 2,5-3 lần so với trước đó, có thời điểm giá những mặt hàng này lập đỉnh cao nhất trong vòng 50 năm khiến nông dân sản xuất thua lỗ, buộc phải bỏ ruộng hoặc cắt giảm sản xuất.

Mặc dù, thời gian gần đây giá nhiều loại phân bón có chiều hướng bình ổn và giảm phần nào tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất lúa đông xuân 2022 - 2023. Tuy nhiên, nếu so với các năm trước, giá hầu hết các loại phân bón vẫn đang ở mức rất cao, nông dân rất mong giá phân bón giảm thêm nữa trong thời gian tới.

Ông Lê Thanh Hiếu, nông dân đang canh tác hơn 5 ha lúa và gần 10 ha mì tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành cho biết, thời gian qua không chỉ giá phân bón còn ở mức cao mà nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng.

Bên cạnh đó, giá nhân công và nhiều loại nguyên nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như xăng, dầu, điện... cũng ở mức cao, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn, nhất là khi giá cả đầu ra nhiều loại nông sản chưa tăng tương xứng để bảo đảm cho người sản xuất có lời. Nông dân rất mong giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp đầu vào sớm được kéo giảm mạnh hơn nữa.

Giá các loại phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp đã giảm.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, ngụ ấp Thanh Bình, xã An Bình, huyện Châu Thành, cho biết: Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình anh canh tác khoảng 4,5 ha lúa giống OM 1352, lúa đang vào giai đoạn làm đồng, trổ bông.

Theo anh Tuấn, mùa nước nổi cuối năm 2022 kéo dài gần 5 tháng, đồng ruộng được bồi một lượng lớn phù sa nên vụ lúa Đông Xuân 2022 - 2023 nông dân canh tác lúa giảm được lượng phân bón đáng kể so vối vụ lúa Hè Thu, nhiều hộ áp dụng các khuyến cáo của ngành nông nghiệp, chỉ bón 2 đợt phân bón nhưng lúa vẫn phát triển tốt, hứa hẹn vụ lúa bội thu.

Mặc dù vậy, ông Tuấn vẫn lo, vụ Đông Xuân nhu cầu phân bón không lớn nên giá phân bón giảm, nhưng đến vụ Hè Thu, giá sẽ lại tăng vọt như trước sẽ rất khó khăn cho người nông dân.

Theo nhiều nông dân sản xuất lúa tại xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, trong các vụ sản xuất lúa trong năm, người nông dân chỉ trông chờ vào vụ lúa Đông Xuân, với mức giá lúa như hiện tại, nông dân sẽ có lãi, các vụ Hè Thu và Thu Đông năng suất lúa không cao, nếu giá phân bón tăng trở lại mà giá lúa xuống thấp sẽ khiến người sản xuất lúa lâm cảnh nợ nần.

Trong tình hình giá phân bón và nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất ở mức cao, nhiều nông dân đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí.

Dù vậy, nhìn chung nông dân vẫn còn có nhu cầu sử dụng một lượng phân bón rất lớn. Ngành chức năng cần tiếp tục có các giải pháp hiệu quả để kéo giảm và bình ổn giá phân bón.

Ðồng thời, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được tiếp cận các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng và có giá cả hợp lý. Hiện nay, đa phần nông dân không thể mua phân bón trực tiếp từ các doanh nghiệp sản xuất và đầu mối kinh doanh mà phải mua hàng qua các trung gian với giá bị đội lên rất nhiều.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục