Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tân Biên:
Vừa xây nhà… vừa xin phép
Thứ bảy: 04:30 ngày 08/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, tại thị trấn huyện Tân Biên xảy ra một vụ xây cất nhà trái phép, điều đáng nói là hành vi này diễn ra một thời gian dài cho đến khi căn nhà được xây hoàn tất. Hậu quả, vụ việc đang rơi vào tình thế khó xử đối với cơ quan chức năng, còn người vi phạm thì ngày đêm lo lắng về “số phận” của căn nhà.

Bà Tuyết quả quyết chỉ cất nhà theo ranh đất có sẵn và không hề xảy ra tranh chấp về đường đi với hộ giáp ranh.

Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (ngụ khu phố 4, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên), do cần gấp về nhu cầu nhà ở, vì đã đến hạn phải giao nhà cũ và đất cho người nhận sang nhượng, nên khoảng tháng 6.2018, vợ chồng bà Tuyết đã tự ý thuê thợ đào móng cất nhà trên thửa đất số 577 (đất có diện tích 250m2, thuộc tờ bản đồ số 43, vị trí đất tại khu phố 4, thị trấn Tân Biên). Thửa đất này do chị của bà Tuyết tặng cho bà. Phần diện tích đất được dùng để cất nhà là 125m2/250m2. Lúc vừa khởi công đào móng, chính quyền địa phương cử cán bộ chuyên môn xuống hiện trường lập biên bản nhắc nhở không cho tiếp tục thi công, vì phần đất trên chưa được chuyển mục đích sử dụng lên thổ cư, tức việc xây dựng là trái phép.

Bà Tuyết kể, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện có hướng dẫn gia đình bà thực hiện các bước thủ tục để chuyển mục đích sử dụng một phần đất trong thửa 577 lên thổ cư. Sau đó, chủ đất phải xin giấy phép xây dựng mới được tiếp tục thi công. Vợ chồng bà Tuyết đã làm theo hướng dẫn, tuy nhiên sau nhiều ngày chờ đợi, cơ quan chức năng vẫn không thể chuyển mục đích sử dụng đất. Lý do, vị trí đất đã đào móng nhà lấn sang đường đi công cộng với chiều ngang khoảng 1,1m.

Bà Bùi Thị Thuý Nga - Phó Chủ tịch UBND Thị trấn cho biết, cơ quan chức năng đã nhiều lần (khoảng 4 lần) làm việc với vợ chồng bà Tuyết, kể cả lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng nhà trái phép. Thế nhưng, vợ chồng bà Tuyết vẫn lén lút thi công. UBND Thị trấn nhận thấy khung xử phạt vượt quá thẩm quyền nên đã chuyển hồ sơ lên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện để có hướng xử lý.

Ông Thượng Văn Mạnh, chồng bà Tuyết giải thích: “Vợ chồng tôi xây nhà hoàn toàn đúng theo diện tích đất thể hiện trong “sổ đỏ” và cọc phân ranh hiện trạng. Mặt khác, ông Hồ Văn Đạt, người có đất giáp ranh cũng không tranh chấp hay ý kiến gì. Sự thật là nhu cầu về nhà ở của gia đình tôi đang trong tình thế cấp bách. Hơn nữa, mỗi lần bị yêu cầu tạm ngưng việc thi công, tôi rất khó thuê lại công thợ. Chưa kể, càng kéo dài thời gian càng phát sinh thêm tiền lãi từ số nợ vay nóng để làm nhà. Thế nên, vợ chồng tôi quyết định vẫn xây nhà trong khi chờ giải quyết về mặt thủ tục”.

Ông Mạnh thắc mắc vì sao căn nhà được xây đúng theo diện tích “sổ đỏ” đã được cấp nhưng vẫn bị cho là lấn đường.

Trong biên bản xác định hiện trạng sử dụng đất và rà soát quy hoạch đường giao thông vào ngày 28.6.2018 của đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh - Chi nhánh huyện Tân Biên, cán bộ địa chính - xây dựng Thị trấn và gia đình bà Tuyết thể hiện: “Diện tích đất trong giấy chứng nhận QSDĐ của bà Tuyết là 250m2 không bao gồm phần đường. Nhưng hiện trạng đất mà bà Tuyết đang xây nhà đã lấn ra đường giao thông với chiều ngang 1,1m, tổng diện tích đất đường bị lấn 27,7m2”.

Qua trao đổi, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh - Chi nhánh huyện Tân Biên giải thích rõ hơn, vợ chồng bà Tuyết xây nhà không vượt diện tích so với “sổ đỏ” đã được cấp, nhưng trên thực tế đã áp sai lệch vị trí thửa đất cất nhà dẫn đến việc lấn sang phần đường giao thông, nên không trùng khớp theo bản đồ địa chính, ảnh hưởng đến quy hoạch đường công cộng trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Minh Sơn - Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện nêu ý kiến, sở dĩ Phòng còn chần chừ không tham mưu UBND huyện ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vợ chồng bà Tuyết là vì thông cảm hoàn cảnh gia đình bà đang gặp khó khăn, nếu xử lý đúng theo quy định, số tiền phạt lên đến 25 triệu đồng. Ngoài ra, trong suốt quá trình Phòng hướng dẫn bà Tuyết thực hiện các bước thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lên thổ cư, tiến tới xin giấy phép xây dựng, gia đình bà Tuyết luôn tích cực chấp hành. Trong khi căn nhà cũng đã “lỡ” xây, Phòng xét thấy vẫn còn giải pháp để khắc phục hậu quả, tránh gây thiệt hại cho người dân.

Theo ông Sơn, vừa qua, các phòng chức năng có liên quan đã họp bàn và đưa ra giải pháp. Theo đó, vợ chồng bà Tuyết cần sang nhượng thêm đất của hộ dân giáp ranh để bù vào phần diện tích đường bị lấn. Nếu được vậy, con đường vẫn thẳng tuyến. Bà Tuyết và ông Mạnh nhất trí thực hiện. Được biết, ban đầu hộ ông Hồ Văn Đạt có đất giáp ranh đã đồng ý sang nhượng đất, nhưng sau đó không rõ vì nguyên nhân gì việc thương lượng giữa hai bên lại bất thành.

Bà Đặng Tuyết Mai - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi Trường huyện cho hay, Phòng có biết về vụ việc của vợ chồng bà Tuyết, nhưng căn nhà này được xây dựng trước khi xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất lên thổ cư. Thực tế là vị trí căn nhà hiện hữu đang lấn vào phần đường giao thông khi đối chiếu với bản đồ địa chính, nên Phòng không thể xem xét chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ bà Tuyết. Hiện tại, Phòng cũng không nhận được bất cứ hồ sơ nào về trường hợp của vợ chồng bà Tuyết.

Qua làm việc với hộ bà Tuyết, bà thừa nhận do có khoảng thời gian chờ đợi thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất quá lâu nên... giận rút đơn lại. Bà Tuyết, ông Mạnh, ông Đạt thắc mắc, vì sao trong bản đồ địa chính lại thể hiện con đường giao thông tại đây? Cơ quan chức năng cho rằng con đường này là của Nhà nước đã quy hoạch trước đó, trong khi cả xóm ai cũng biết nguồn gốc con đường là do người dân tự chừa để làm lối đi chung, nếu có xảy ra tranh chấp thì phải do người dân tự thương lượng với nhau. “Đằng này, người dân không tranh chấp, tôi xây nhà đúng theo diện tích đất trong sổ đỏ đã được cấp, tại sao tôi phải mua thêm đất để làm đường?” - bà Tuyết bức xúc.

Ông Đạt kể lại lịch sử hình thành con đường, trước đây thửa đất của ông Đạt liền ranh, giáp với thửa đất của bà Tuyết hiện tại, không có đường đất thông tới đường Nguyễn An Ninh như hiện nay. Trong quá trình tách thửa để phân chia đất cho các anh em trong gia đình, anh em của ông Đạt tự thống nhất chừa ra con đường với chiều ngang hơn 2m để làm lối đi chung.

Cán bộ địa chính cũng theo đó mà tách thửa, cấp sổ đỏ, chừa đường. Kể cả đoạn đầu đường, đất giáp với đường Trần Đại Nghĩa cũng do hộ ông Hồ Phát Hoảnh (đã qua đời) mua đất của người khác để chừa đường đi. Cơ quan có thẩm quyền cần xem xét kỹ về nguồn gốc của con đường để có hướng sử dụng cho hợp lý, tránh gây khiếu nại từ nhiều hộ dân.

Giấy mua đất để làm đường đi của hộ ông Hoảnh (đoạn giáp với đường Trần Đại Nghĩa).

Ông Nguyễn Hải Ninh, cán bộ địa chính, xây dựng UBND thị trấn Tân Biên xác nhận, thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết dựa trên hồ sơ đất sẵn có (hồ sơ đất của người chị tặng cho), chứ không đo đạc lại hay cắm ranh thực tế. Ông Ninh nhận định, có thể trong quá trình sử dụng đất đã có sự thay đổi về hiện trạng ranh đất cũ tại khu vực này, nên dẫn đến việc bà Tuyết xây nhà đúng theo diện tích đất trong “sổ đỏ” nhưng vẫn “bị lệch” vị trí so với bản đồ địa chính. Khách quan, nếu ngay từ đầu, vợ chồng bà Tuyết thực hiện đầy đủ các bước thủ tục cần thiết trước khi xây nhà, thì cơ quan chức năng đã sớm phát hiện ra vấn đề “bị lệch” nêu trên.

Vợ chồng bà Tuyết xây dựng căn nhà trong khoảng 6 tháng, hiện tại đã được đưa vào sử dụng. Theo ông Mạnh chia sẻ, tổng chi phí xây nhà hơn 600 triệu đồng. Để có được số tiền này, vợ chồng ông Mạnh phải bán nhà và đất cũ, cầm cố sổ đỏ thửa đất 577 ngoài “chợ đen” để vay nóng thêm tiền.

Thiết nghĩ, nếu ngay từ lúc phát hiện ra việc đào móng nhà, cơ quan chức năng cương quyết xử lý nghiêm hành vi xây dựng trái phép, gia đình bà Tuyết không cố tình xây nhà cho đến khi hoàn tất… thì hậu quả đã không nghiêm trọng và khó xử lý như hiện nay. Trường hợp giải pháp mua thêm đất để bù vào phần đường bị lấn là bất khả thi, thì nguy cơ một phần căn nhà có thể sẽ bị cưỡng chế đập bỏ.

QUỐC SƠN

Tin cùng chuyên mục