Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vùng đất xưa, nay là TP. Tây Ninh- một vài chuyện liên quan(Tiếp theo kỳ trước)
Thứ tư: 11:40 ngày 29/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cuốn sách này vẫn xác định Trương Quyền chỉ là cháu Trương Ðịnh- một lãnh tụ nghĩa quân đã không tuân lệnh triều đình giao nộp ba tỉnh miền Ðông cho Pháp từ năm 1862. Nhân dân Nam bộ tôn xưng Trương Ðịnh là Bình Tây Ðại Nguyên soái.

Cũng vẫn ở phần mở đầu, tại mục II/ 2- Truyền thống đấu tranh yêu nước trước cách mạng tháng 8 năm 1945, sách trên đã viết: “Sau khi Trương Ðịnh hy sinh ở rừng Lá (Gò Công), cháu ông là Trương Quyền đã đưa quân về bám rừng núi và nhân dân Tây Ninh, tiếp tục xây dựng lực lượng kháng Pháp… Trên địa bàn phía bắc Thành phố (TN), Trương Quyền phối hợp với nghĩa quân Khmer của Pô Kum Pô, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho quân Pháp…(trang 18).

(Nhân đọc cuốn Lịch sử lực lượng vũ trang TP. Tây Ninh 1950-2017)

Cũng vẫn ở phần mở đầu, tại mục II/ 2- Truyền thống đấu tranh yêu nước trước cách mạng tháng 8 năm 1945, sách trên đã viết: “Sau khi Trương Ðịnh hy sinh ở rừng Lá (Gò Công), cháu ông là Trương Quyền đã đưa quân về bám rừng núi và nhân dân Tây Ninh, tiếp tục xây dựng lực lượng kháng Pháp… Trên địa bàn phía bắc Thành phố (TN), Trương Quyền phối hợp với nghĩa quân Khmer của Pô Kum Pô, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho quân Pháp…(trang 18).

Thành Săng-đá, nhìn từ hướng rạch Tây Ninh, năm 1910. Ảnh tư liệu: P.TK

Như vậy, cuốn sách này vẫn xác định Trương Quyền chỉ là cháu Trương Ðịnh- một lãnh tụ nghĩa quân đã không tuân lệnh triều đình giao nộp ba tỉnh miền Ðông cho Pháp từ năm 1862. Nhân dân Nam bộ tôn xưng Trương Ðịnh là Bình Tây Ðại Nguyên soái. Vai trò cũng như uy danh của ông quá lớn nên một số đồng đội thân cận của ông ít được người sau chú ý.

Do vậy, những trang viết về Trương Quyền còn khá ít và chưa tương xứng với tầm vóc những chiến công của ông trên đất Tây Ninh. Tuy nhiên, các nguồn sử liệu được coi là chính sử đều cho rằng Trương Quyền là con trai Trương Ðịnh. Như Trần Văn Giàu, trong tác phẩm Chống xâm lăng (lịch sử Việt Nam từ 1858- 1898) đã viết: “Pô-kum-pao không phải tốn nhiều thì giờ để quy tụ quân khởi nghĩa Khơ-me, để liên kết với các nhà ái quốc Việt Nam như Trương Quyền- con của Trương Ðịnh” (trang 175) và tới trang 185 là: “Nhà lãnh tụ Trương Quyền xứng đáng với cha, cũng xứng đáng với dân tộc…”.

Cùng tại tác phẩm này, Trần Văn Giàu cho rằng “Trương Quyền lúc bấy giờ mới 20 tuổi, thì cương quyết chủ trương phối hợp tác chiến…” (với Pô-kum-pao, trang 179). Ðấy là vào năm 1864, khi Trương Ðịnh mất. Tạm suy ra là Trương Quyền sinh vào khoảng năm 1844. Cũng cần kể thêm một nhận định nữa của vị giáo sư sử học này về cuộc khởi nghĩa phối hợp tác chiến ấy. Ðấy là ở trang 166, ông viết: “Sau Trương Ðịnh, còn nhiều cuộc khởi nghĩa, nhưng không có cuộc nào có quy mô rộng rãi bằng, trừ cuộc khởi nghĩa của Pô- kum- pao, Trương Quyền ở miền Tây Ninh, Gia Ðịnh, Khơ- me”.

Một bài nghiên cứu của Nguyễn Thành Long trên tạp chí Xưa nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 98, tháng 8.2001 kể rõ hơn về thân thế Trương Quyền. Ðấy là: “Trương Nhị Lang (Trương Quyền) là trưởng nam của Bình Tây đại nguyên soái Trương Ðịnh và bà Lê Thị Thưởng… Nhị Lang tên thật Trương Quyền còn có tên là Huệ hay Tuệ là một dũng tướng thân cận nhất của Trương Ðịnh. Tương truyền trước khi chết Trương Ðịnh đã trao ấn Bình Tây đại nguyên soái cho Trương Quyền”.

Nghiên cứu về những danh nhân có gốc Quảng Ngãi quê mình, Nhà nghiên cứu và làm thơ Lê Minh Quốc còn viết rõ hơn trên bài báo: “Trương Ðịnh: thuận vợ thuận chồng, tác biển đông cũng cạn” (Báo SGGP thứ bảy, 11.9.1999). Bài có đoạn: “Chung sống với Trương Ðịnh, bà Thưởng đã sinh được hai người con là Trương Quyền và Trương Thị Tuệ. Trương Quyền đã đi theo cha trong những ngày đầu kháng chiến, dẫu ở tuổi thiếu niên nhưng tỏ ra rất dũng cảm, được người đời phong tặng danh hiệu Nhị Lang quân…”.

Về cái chết của Trương Quyền, một số tư liệu của Tây Ninh đã xác định là ông mất ngày 20 tháng 8 âm lịch năm 1871- thọ 57 tuổi; đến năm 1951, di táng mộ về Hoà Hội. Ða số các sử liệu ngoài Tây Ninh đều không xác định được. Nguyễn Thành Long, trong bài báo đã kể cho rằng sau khi quân Pháp đã bắt được và hành hình Pô-kum-pao vào tháng 12.1867 thì: “Quân Pháp kêu gọi Trương Quyền đầu hàng, nhưng ông và các quân sĩ còn lại không chịu khuất phục chạy vào rừng sâu tiếp tục cuộc kháng chiến, nhưng chẳng may ông bị bệnh sốt rét và chết, hưởng dương 22 tuổi”.

Như vậy là đã có hai “lý lịch trích ngang” của Trương Quyền; trong khi rõ ràng nhân vật Trương Quyền trong lịch sử đấu tranh của người Nam bộ chỉ có một. Sau đây xin tóm tắt lại lý lịch của 2 Trương Quyền ấy, một là Trương Quyền theo các sử liệu ở Tây Ninh và hai là Trương Quyền- người anh hùng trẻ tuổi quê Gò Công, con trai Trương Ðịnh.

+ Trương Quyền theo sử liệu ở Tây Ninh sinh năm 1814 (lớn hơn Trương Ðịnh 6 tuổi, vì ông sinh năm 1820). Trương Quyền là cháu Trương Ðịnh, tên thật là Trương Công Sách. Sau khi nghĩa quân tan rã, ông rút về rừng Bến Kéo lập trại dưỡng bệnh và mất năm 1871.

+ Trương Quyền- người anh hùng trẻ tuổi, quê Gò Công, sinh năm 1844, là con trai Trương Ðịnh, tên gọi khác là Huệ, danh hiệu Nhị Lang quân. Sau khi căn cứ cuối cùng tại Suối Giây thất thủ, ông và nghĩa quân rút về Stung- Treng, Sa- Boc (gần biên giới Lào). Chết giữa rừng sâu (chưa tìm được nơi chôn cất) vào năm ông 22 tuổi.

Ngoài ra, còn hai chi tiết đặc biệt quan trọng nữa về Trương Quyền theo sử liệu Tây Ninh là:

Một: Gia phả dòng họ Trương Công, được lập do hậu duệ của cụ Trương Công Sách, hiện sống ở các xã Hoà Hội, Trí Bình, huyện Châu Thành, có đoạn như sau: “Trương Công Sách là con út (của cụ Trương Công Vạn- TV), chạy giặc Pháp lên Tây Ninh cải lại họ Nguyễn lập nghiệp tại làng Hoà Hội, chạy giặc Tầm Pô, chết tại Bến Kéo…”.

Xin thưa: giặc Tầm Pô trong câu trên chính là chỉ Pô-kum-pao hoặc Pu-com-pô- người mà nhân vật Trương Quyền lịch sử đã liên minh đánh Pháp tơi bời những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ 19.

Hai: Sách biên khảo Lịch sử khẩn hoang miền Nam của nhà văn Sơn Nam, NXB Trẻ tái bản 2005 có đoạn: “Vào cuối năm 1868,  Ðô đốc Ohier ban hành quyết định số 473 ra giải thưởng cho những ai bắt nộp những lãnh tụ kháng Pháp gồm 11 người, với giá 1.000 quan mỗi người: cậu Hai Quyền (con trai Trương Quyền); Hàn lâm Phu, Tổng binh Thành… Ấp Quyền (phó của Trương Ðịnh)…”.

Xin có lời bình luận thêm: Một người phải “chạy giặc Tầm Pô”, sao lại có thể là thủ lĩnh nghĩa quân liên minh Việt - Khmer cho được? Và năm 1868, chính quyền thực dân còn truy nã Trương Quyền hết sức gắt gao; làm sao mà ông lại có thể về lập trại dưỡng bệnh tại Bến Kéo, ngay sát một quân cảng quan trọng của thực dân Pháp tại Tây Ninh?

Chúng tôi buộc phải trở lại đề tài này, dù đã từng có đôi lần trình bày trên Báo Tây Ninh. Ðấy là do đến tận bây giờ vẫn có cuốn sách mới in, lặp lại những chi tiết có vẻ như phi lý trong thân thế vị anh hùng trẻ tuổi Trương Quyền. Những chi tiết này từng được in trong các sách sử viết về Tây Ninh, tại Tây Ninh như: Ðịa chí Tây Ninh, Ba Thế hệ xanh, một chặng đường…v.v…

Sự việc đã đi xa tới mức, ở Tây Ninh có hẳn một di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh là “Di tích lịch sử văn hoá ngôi mộ ông Trương Quyền”. Nếu các dẫn chứng trên đây còn chưa đủ sức thuyết phục, mong ngành chức năng của tỉnh tổ chức một cuộc hội thảo khoa học với sự tham gia của các nhà nghiên cứu và các tỉnh, thành liên quan, thì vấn đề sẽ được sáng tỏ hơn.

(Còn tiếp)

TRẦN VŨ

Tin cùng chuyên mục