Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hoạt động đối ngoại có nhiều khởi sắc, phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, đều khắp trên cả 3 trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Trồng chuối già Nam Mỹ đã giúp nhiều nông dân xã Tân Đông thoát nghèo.
Tây Ninh có đường biên giới dài gần 240km, giáp với các tỉnh Svay Rieng, Prey Veng và Tboung Khmum thuộc Vương quốc Campuchia. Thời gian qua, các địa phương biên giới không ngừng đổi thay, an ninh trật tự được duy trì. Hoạt động đối ngoại có nhiều khởi sắc, phát triển toàn diện cả về bề rộng và chiều sâu, đều khắp trên cả 3 trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Vùng biên khởi sắc
Tây Ninh có 20 xã biên giới, những năm qua nhờ sự quan tâm hỗ trợ từ cấp trên, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, các địa phương biên giới không ngừng đổi thay về diện mạo cũng như đời sống người dân. Đặc biệt từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai, hạ tầng cơ sở đã được đầu tư đồng bộ.
Đang chăm sóc 7 ha mít Thái ruột đỏ, anh Nguyễn Gia Nam, ngụ ấp Đông Hà, xã Tân Đông, huyện Tân Châu cho biết, trước đây khu vực này đường giao thông đi lại rất khó khăn, việc trồng trọt cũng gặp khó do hệ thống thuỷ lợi chưa hoàn thiện. Tây Ninh triển khai thực hiện NTM, hạ tầng giao thông, điện lưới quốc gia đã được đầu tư đồng bộ, phục vụ hiệu quả cho quá trình sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân.
Còn tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu, vùng đất trước đây được coi là nghèo khó nhất nhì của tỉnh, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực thương mại, dịch vụ khó có thể phát triển; giáo dục, sinh hoạt văn hoá, chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, bắt tay vào thực hiện NTM, với nguồn lực đầu tư từ các cấp và địa phương, bộ mặt nông thôn ở Long Phước đã hoàn toàn đổi mới.
Hiện nay, toàn xã có 37km đường giao thông đều được tráng nhựa và trải sỏi phún. Hệ thống kênh mương được bê tông hoá, phục vụ tưới tiêu diện tích khoảng 2.380 ha, đây là điều kiện thuận lợi để người dân chủ động tăng gia sản xuất, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ... từ đó kinh tế gia đình không ngừng được nâng lên.
Ông Hồ Thanh Hải- Chủ tịch UBND xã cho biết, sau khi hoàn thành xây dựng NTM, xã đã đặt mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Từ nguồn ngân sách được hỗ trợ, địa phương sẽ đầu tư vào xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế của người dân. Trong đó, tiến hành nạo vét 2 tuyến kênh thuỷ lợi, bê tông hoá 6 công trình giao thông nội đồng, phục vụ thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bình yên của nhân dân là món quà đặc biệt
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Chỉ đóng trên địa bàn xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng. Khi chúng tôi đến, nắng đã lên cao, các cán bộ, chiến sĩ nơi đây mỗi người một việc, nhanh tay vệ sinh đơn vị thật sạch, đẹp và tăng gia sản xuất, chăm bón vườn rau để bữa ăn được đầy đủ hơn khi tết đến xuân về.
Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Hồ Ngọc Sơn- Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Chỉ cho biết, Đồn hiện quản lý, bảo vệ 14km đường biên, 8 cột mốc. Đây là khu vực có nhiều đường mòn, lối mở; đặc biệt, càng về cuối năm, hoạt động của các loại tội phạm trên tuyến biên giới ngày càng gia tăng với thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh. Vì vậy, Đồn Biên phòng Phước Chỉ đã xây dựng và triển khai chặt chẽ đến 100% cán bộ, chiến sĩ về kế hoạch tăng cường sẵn sàng chiến đấu, tổ chức tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn để người dân được bình yên đón xuân.
Mặc dù xa xôi, điều kiện còn thiếu thốn nhưng cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị đầy đủ nguồn thực phẩm sạch, những cành hoa tươi thắm để đón một cái tết đầm ấm như ở nhà.
Song song đó, Đồn tăng cường giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn sinh sống tại khu vực biên giới phát triển kinh tế, thực hiện chương trình Xuân biên phòng, ấm lòng đồng bào, dân tộc trên khu vực biên giới. Trung tá Sơn chia sẻ: “Chúng tôi đã và đang vận động mạnh thường quân ủng hộ để hỗ trợ gia đình khó khăn trên địa bàn có điều kiện vui xuân đón tết”.
Thắm tình hữu nghị
Bên cạnh việc giữ gìn biên cương, phát triển kinh tế xã hội, trong mối quan hệ ngoại giao với các tỉnh có chung đường biên giới, những năm gần đây, chính quyền tỉnh Tây Ninh đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả thoả thuận hợp tác với chính quyền các tỉnh giáp biên Svay Rieng, Prey Veng và Tboung Khmum, với phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” mà lãnh đạo cấp cao các tỉnh đã thống nhất.
Bà Phan Thị Thuỳ Vân- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: “Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Hội Phụ nữ vì hoà bình và phát triển của các tỉnh giáp biên đã có nhiều cam kết, tuyên truyền để nâng cao ý thức cảnh giác của phụ nữ hai bên cũng như là tố giác tội phạm, chống buôn lậu, chống buôn bán người, buôn bán phụ nữ và trẻ em trên dọc tuyến biên giới. Mong muốn của chúng tôi đó là hoà bình, đoàn kết, hữu nghị, chung tay vì sự bình yên của vùng biên giới và sự tiến bộ của phụ nữ và trẻ em”.
Còn đối với ông Chol Kha Mếch- Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Cham, Vương quốc Campuchia, khi có chiến tranh xảy ra thì hai quốc gia, hai dân tộc đều coi nhau như anh em, hỗ trợ nhau đấu tranh chống kẻ thù. Trong thời bình, bà con hai bên biên giới rất thân thiết, gần gũi. Niềm vui hay nỗi buồn của mỗi nhà đều được san sẻ, bà con rất nhiệt tình hỗ trợ nhau thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm cuộc sống. Các ngày lễ, tết, hai bên đều tổ chức thăm hỏi, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết gắn bó.
Trong hoạt động kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia, diễn ra vào đầu tháng 9.2022 tại tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Với niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia nói chung, mối quan hệ giữa tỉnh Tây Ninh và các tỉnh láng giềng của Vương quốc Campuchia nói riêng, chúng ta nguyện cùng nhau tiếp tục không ngừng củng cố vun đắp và có trách nhiệm trao truyền cho các thế hệ trẻ hai nước hôm nay và mai sau những giá trị truyền thống tốt đẹp, mà các thế hệ lãnh đạo Việt Nam - Campuchia đã dày công vun đắp theo phương châm mười sáu chữ “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài””.
V.N