Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vườn cau của nội
Thứ hai: 19:01 ngày 13/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giờ đây, quê nội tôi đã nhiều thay đổi. Những con đường nhựa, bê tông phẳng phiu thay cho những con đường mòn loang lổ. Vườn cau, hàng tre, khóm trúc cũng nhường chỗ cho những ngôi nhà tường mọc lên san sát, khang trang. Mỗi lần về quê, tôi đều nhớ hình bóng nhỏ nhắn của nội bên vườn cau xanh mướt.

Bà tôi quê quán ở tận miền Trung, theo ông tôi về sinh sống ở làng Tiên Thuận từ năm 1920. Ông nội tôi mất sớm, hầu hết các cô, chú của tôi đều có gia đình và ở riêng. Bà nội ở một mình trong căn nhà ngói nhỏ, hàng rào bao quanh là những bụi tre gai rậm rạp. Trong vườn nhà nội đầy cây trái, nào bưởi, quýt, cam, khế, chuối, cóc… Phía trước nhà thì trầu cau sum suê khỏi chê. Vườn cau trước nhà nội có đến hàng chục cây luôn xanh mướt. Dưới gốc cau, nội trồng rất nhiều dây trầu để ăn và làm quà biếu bà con quanh xóm khi có giỗ quải hoặc lễ cưới hỏi.

Hằng ngày, cứ sáng sớm khi quét dọn nhà cửa xong, nội lại ra vườn cau chăm sóc, tưới nước, bắt sâu, nhổ cỏ. Sau giờ học, đám con cháu chúng tôi mới chạy sang nhà nội phụ giúp. Nói giúp nội, thật ra chúng tôi chỉ phụ hợ chuyện lặt vặt, chủ yếu là bắt chuồn chuồn, châu chấu. Thỉnh thoảng có tàu cau vàng ố tách thân rụng xuống, lượm vô, cả đám thay nhau ngồi trên chiếc mo cau hì hụi kéo trong những tiếng hô hào thích thú. Những cây cau thẳng đứng cao vút, phần gốc phình to, càng lên cao càng thon thả, tàu lá xoè ra tứ phía như chiếc dù che mưa nắng, quày cau oằn trĩu trái màu xanh thẫm, nhiều trái như kết lại thành chùm; còn những dây trầu mọc túa rễ quấn quýt thân mật, ôm lấy thân cau.

Vườn cau của nội còn là tổ ấm cho nhiều loài chim. Lúc nào chúng tôi cũng được nghe tiếng chim véo von, tiếng chíu chít của chim con. Nội còn nhặt những tàu cau rụng lấy cọng lá bó thành cây chổi để quét sân, quét nhà; phần mo cau cắt thành những cái quạt to nhỏ cho đám cháu quạt mát. Những trái cau già rụng xuống, nội nhặt, sau đó chẻ ra lấy hạt để ăn trầu. Trong nhà nội lúc nào cũng có cái khay trầu để trên bàn, đủ bộ, ống ngoáy trầu, bình vôi nhỏ, mớ hạt cau, mớ lá trầu, ít thuốc rê dùng để xỉa. Những bạn già lối xóm đến chơi thì nội bưng khay trầu ra tiếp khách, dùng trầu mà trò chuyện. Những lá trầu, miếng cau từ bàn tay nội trồng, một phần để dùng, một phần gánh ra chợ bán. Giữa cái nắng oi bức mùa hè, nội ngồi ở góc chợ mong mỏi bán được buồng cau, xấp trầu để bữa cơm của nội và con cháu ngày mai thêm đầy đủ hơn. Tan chợ, trong quang gánh bao giờ cũng có bánh trái, gói bắp, xôi cho con cháu. Thỉnh thoảng, nội còn dành phần cho mỗi cháu vài đồng; riêng tôi vì nhỏ tuổi nhất trong đám nên nội cho bạc cắc, vì sợ cho tiền giấy dễ bị mất. Những đồng bạc ấy thấm đẫm giọt mồ hôi của nội…

Thuỳ Dung

Tin cùng chuyên mục