Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tạp bút
Vườn chuối sau nhà
Chủ nhật: 23:17 ngày 05/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hồi đó, phía sau nhà tôi có khoảng đất trống, rộng chừng vài mươi cao. Không để đất trống, ba tôi tận dụng trồng chuối. Mỗi khi nghe ai có giống chuối ngon là ba tìm đến hỏi xin cây giống về trồng.

Vì vậy, vườn chuối nhà tôi đa dạng về chủng loại. Các loại chuối già lùn, già hương, sứ, tiêu, lửa, mật, simon... đều có hết. Trong đó nhiều nhất là chuối simon trắng và simon xanh. Thân và lá của hai loại chuối simon này giống nhau, nhưng trái chuối simon trắng khi còn sống vỏ màu xanh lợt, to hơn simon xanh. Tuy không thơm, nhưng chuối simon ăn ngon ngọt, nhất là khi chuối chín rục. Chuối simon rất dễ trồng, không kén đất, cây mẹ đẻ cây con nhiều, bụi chuối lớn, trồng một lần, ăn rất bền, hết cây này đến cây khác cho trái. Có thể nói đây là loại chuối bình dân, rất thông dụng. Không riêng ba tôi, nhiều bà con trong xóm cũng thích trồng chuối simon.

Ðứng thứ hai trong vườn chuối nhà tôi là chuối mật. Chuối mật cũng dễ trồng, đẻ nhiều cây con, ăn bền. Trái chuối mật lớn hơn chuối simon, vỏ dày, thịt nhão. Chuối mật vừa chín tới là ăn ngon, để chín nhiều, thịt nhão nhoẹt... Loại chuối già hương, già lùn có quày lớn, nhiều nải, trái to, khi chín vỏ trái vẫn xanh, ăn thơm, ngon. Chuối già là thứ “đỏng đảnh” hay kén đất, ít đẻ con. Cây chuối chỉ tốt khi mới trồng và cho vài cây con, sau đó bụi chuối cỗi, cho trái rất ít. Xen giữa mấy bụi chuối mật, ba tôi trồng thêm chuối sứ. Cây cho ít nải, và cũng rất mau cỗi.

Nhờ có nhiều loại chuối trong vườn, anh em tôi thường xuyên có chuối chín để ăn. Ba cũng không quên trồng thêm vài bụi chuối hột ở ranh đất. Ðây là loại chuối có thân cây cao, to, trái chuối toàn hột thường dùng ngâm rượu. Thân, lá, bắp chuối hột so với các loại chuối khác thì nổi trội. Hồi đó, mỗi khi bắt được cá lóc, rô mề, hoặc trê trắng, ba hay tìm bắp chuối hột bẻ nấu canh chua. Không có bắp, ba lựa một cây chuối hột con cắt ngang gốc vào xắt ra nấu. Nếu không nấu canh, ba xắt chuối con làm rau ghém chấm nước cá kho. Nhìn chung đa số bắp chuối, chuối con đều nấu canh chua được, nhưng ngon hơn vẫn là chuối hột.

Không chỉ ăn trái, thỉnh thoảng tôi thấy có vài người đi xe đạp, đem theo cây sào ngắn có gắn lưỡi liềm đến nhà tôi mua lá chuối. Nghe nói người ta mua về bán lại cho mấy người gói bánh tét, bánh ú, bánh ít hay chả lụa... Những lúc không ai đến mua, lá chuối khô rủ xuống, anh em tôi lại rọc lá đem đến quán tạp hoá của bà Ba ở giữa xóm đổi lấy kẹo dừa. Bà Ba lấy lá chuối khô lau sạch để gói khô, mắm đồng, mắm ruốc, vôi ăn trầu, thuốc rê, đường tán, xà bông cục... Nói chung là những mặt hàng khô đều được bà Ba gói bằng lá chuối khô bán cho bà con trong xóm. Ngoài trái và lá ra, thân cây chuối cũng được ba tôi tận dụng làm thức ăn cho bò, heo gà, vịt và cá tra...

Vườn chuối còn là chỗ vui chơi lý tưởng của bọn trẻ chúng tôi. Hồi đó, chúng tôi thường xé lá chuối non vấn chiếc kèn nhỏ, rồi thi nhau mà thổi “toe... toe”, xem đứa nào dài hơi, lớn tiếng hơn. Sáng sớm, chúng tôi cũng hay vào vườn chuối bắt dơi. Lũ dơi khôn mà dại. Ðêm đêm, chúng tìm đến mấy quày chuối chín bói mà nhâm nhi. Mê ăn, trời sáng không hay, không kịp bay về nơi trú ẩn, chúng vội chui vào mấy tàu chuối non còn búp đọt (tàu chuối chưa bung lá ra) mà ẩn náu. Bọn trẻ chúng tôi bóp bóp vào tàu chuối non là phát hiện, bắt được chúng ngay. Bắt được lũ ăn trộm chuối chín bói này thì cà răng (dơi cắn cũng đổ máu nha), lấy dây cột vô cánh rồi cầm một đầu dây cho bay chơi...

Ca dao có câu “Trách ai trồng chuối dưới bàu/ Trái ăn, lá rọc, bỏ tàu xác xơ”. Ðối với chúng tôi, tàu chuối xác xơ không đem bỏ mà lấy làm trò chơi thích thú. Chúng tôi lấy tàu chuối ghép lại làm súng, chia phe đánh trận giả. Trận địa của chúng tôi cũng chẳng nơi nào khác ngoài vườn chuối. Chúng tôi luồn lách, ẩn nấp trong vườn chuối mà đánh nhau... Ðánh giặc giả đã thèm, chúng tôi lại đốn hạ mấy cây chuối vừa mới ăn buồng, khiêng xuống rạch ghép lại làm bè tha hồ tắm...

Anh em chúng tôi lớn lên ra riêng, cất nhà. Rồi tiếp theo đến lớp con cháu. Ðất vườn chuối sau nhà thu hẹp dần, nhường chỗ cho đất ở. Giờ vườn chuối chỉ còn một bụi chuối mật với vài cây cằn cỗi mà ba tôi quyết giữ gìn để làm kỷ niệm... Thời gian gần đây, nhiều cửa hàng quay lại dùng lá chuối gói hàng hoá thay túi ni-lông, tôi rất mừng nhưng cũng hơi lo. Nếu những quán tạp hoá ở nông thôn đến chợ làng, chợ huyện, cửa hàng, siêu thị ở đô thị đều tập trung dùng lá chuối gói đồ như quán của bà Ba xóm tôi ngày xưa thì lấy đâu đủ lá chuối mà dùng, nếu không có quy hoạch vùng nguyên liệu...

T.L

Từ khóa:
Tin liên quan