Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vườn đào cổ thụ vào vụ Tết
Thứ bảy: 08:04 ngày 04/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các nhà vườn ở làng đào Đặng Cương (huyện An Dương, Hải Phòng) đang tất bật vun gốc, tỉa cành để chuẩn bị giao cây cho khách hàng trong dịp Tết.

Những cây đào cổ thụ ở xã Đặng Cương. Ảnh: Giang Chinh

Những ngày gần đây, khách đến xem và chọn cây trò chuyện râm ran khắp làng đào Đặng Cương. Nhiều chủ vườn phải thuê thêm người làm để kịp phục vụ khách trên địa bàn cũng như ở các tỉnh, thành xa như Hà Nội, Nghệ An, TP HCM...

Theo quan sát, cây đào loại trồng 2 - 3 năm có giá từ 500.000 đến 1,5 triệu đồng; loại 4 - 6 năm giá từ 2 đến 4 triệu đồng. "Với đào thế, đào cổ thụ thì chúng tôi thường chỉ cho khách thuê chơi trong dịp Tết, sau Tết lại đem về trồng. Nếu khách hỏi mua luôn, chúng tôi sẽ bán với giá cao tùy theo đường kính gốc", một chủ vườn nói. 

Ông Bùi Viết Dân, chủ vườn đào 300 gốc cho hay, hơn một nửa số đào của gia đình đã có khách đặt mua và thuê, trong đó 3 cây đẹp nhất vườn được cho thuê với giá 40 triệu đồng/cây.

Ông Dân nói, trước kia làng hoa Đặng Cương chủ yếu trồng đào từ cành ươm nên cây nhỏ, giá trị kinh tế không cao. "10 năm trở lại đây, nhiều khách hàng sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để chơi Tết những cây đào cổ thụ, thân lớn nhưng vẫn phải là hoa đào phai cánh kép", ông nói.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Dân và một số chủ vườn đã tìm mua các gốc đào già, đào cổ thụ về ươm trồng, lai ghép với đào phai truyền thống của địa phương. "Muốn có cây đào đẹp, ra hoa đúng dịp Tết, người trồng cần nắm chắc kỹ thuật từ khâu chọn gốc để ghép, làm đất..., cho tới tạo dáng, tạo thế cho cây", ông chia sẻ.

Các chủ vườn thuê lao động chăm sóc gốc đào chờ ngày chuyển cho khách. Ảnh: Giang Chinh

Các gốc đào cổ thụ vốn có sức sống tốt. Tuy nhiên khi đưa cây về làng Đặng Cương, người dân địa phương phải cắt tỉa phần rễ gọn gàng, loại những rễ bị gãy dập, cắt bỏ cành thừa, sau đó xử lý qua thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích cây trước khi đem trồng. Đất trồng phải là lớp đất màu trên ruộng lúa để khô, đập nhỏ, trộn với phân đạm và được đánh thành luống cao.

Khi cây nẩy mầm, ra rễ non, người trồng đào sẽ chọn loại đào có hoa đẹp, lấy mắt để ghép; giai đoạn mắt ghép phát triển thành cành non thì họ phải chú ý phun thuốc trừ sâu để bảo vệ... Muốn cây có hoa, nụ đều và dày, công đoạn cắt cành rất quan trọng, nếu không cành đào sẽ mọc dài, nụ hoa rời rạc.

Công đoạn cuối cùng là theo dõi thời tiết để tuốt lá và tiện thân cây, kích thích cây ra sai hoa... "Nếu làm sai kỹ thuật, chất lượng đào kém, thậm chí năm đó chủ vườn thất thu", ông Dân cho hay.

Anh Chiến - một chủ vườn ở Đặng Cương thông tin thêm, trồng đào cổ thụ tuy cho thu nhập cao, song để trồng được một cây đào thân lớn, hoa đào phai cánh kép "phải mất ít nhất 2 năm".

"Việc tìm các gốc đào lâu năm để lai ghép ngày càng khó khăn, nên nhiều gia đình vẫn phải duy trì cân đối giữa diện tích trồng đào cổ thụ, quất và hoa hải đường để đảm bảo thu nhập", anh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thiết, Phó chủ tịch UBND xã Đặng Cương, vụ hoa Tết năm nay, toàn xã có 112 ha trồng đào, quất và hải đường. "Thời tiết cuối năm thuận lợi, diện tích trồng hoa cây cảnh đều phát triển tốt, đúng vụ Tết nên người dân phấn khởi", ông Thiết nói. 

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục