Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát:
Vườn di sản của ASEAN
Thứ bảy: 08:23 ngày 02/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nơi đây có các quần thể cây họ dầu đặc trưng của vùng Đông Nam bộ, rừng khộp của Tây Nguyên, quần thể tràm và sinh vật cảnh đất ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long. Do đa dạng về sinh vật cảnh nên khu vực này có tính đa dạng sinh học rất cao.

Cò nhạn về Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ảnh: Thanh Tùng

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại hội nghị các Vườn di sản ASEAN lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse (Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào) mới đây (21 - 25.10.2019), 9 danh hiệu Vườn di sản ASEAN được trao cho các nước ASEAN. Trong đó, Việt Nam được trao 4 danh hiệu: Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang (Hà Tĩnh), VQG Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng), VQG Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh) và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum); nâng tổng số Vườn di sản ASEAN Việt Nam lên 10. Và Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều Vườn di sản ASEAN nhất trong khối ASEAN.

Những VQG Việt Nam đã được trao danh hiệu Vườn di sản ASEAN trước đó là: VQG Ba Bể (Bắc Kạn), VQG U Minh Thượng (Kiên Giang), VQG Hoàng Liên (Lào Cai), VQG Chư Mom Ray (Kon Tum), VQG Kon Ka Kinh (Gia Lai) và VQG Bái Tử Long (Quảng Ninh). Vườn di sản ASEAN là danh hiệu bảo tồn thiên nhiên và da dạng sinh học của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được triển khai từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, mang tính độc đáo của khu vực ASEAN.

Việc công nhận danh hiệu Vườn di sản ASEAN góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái không chỉ có đa dạng sinh học cao mà còn có giá trị văn hoá, lịch sử đối với từng quốc gia và cả khu vực, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.

Sông Vàm Cỏ Đông- đoạn chảy qua VQG Lò Gò - Xa Mát với nhiều loài cá.

Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát thành lập theo Quyết định số 91/2002-QĐ.TTg ngày 12.7.2002 của Thủ tướng Chính phủ. Tổng diện tích tự nhiên của VQG là 18.806 ha, nằm trên địa phận của 4 xã Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp và Thạnh Tây thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh; tiếp giáp với biên giới Campuchia, cách thành phố Tây Ninh 35km theo đường chim bay, cách thành phố Hồ Chí Minh 135km theo quốc lộ 22B. Vùng đệm VQG cũng có diện tích tương tự và cũng nằm trên huyện Tân Biên.

Phía Tây VQG có sông Vàm Cỏ Đông bao bọc, đồng thời là biên giới tự nhiên của Việt Nam và Campuchia. VQG Lò Gò - Xa Mát có diện tích rừng tự nhiên là 14.387 ha (chiếm gần 77% diện tích VQG). Đây là khu vực có diện tích rừng tập trung lớn nhất tỉnh Tây Ninh và là nơi duy nhất ở Việt Nam có hệ sinh thái, hệ thực vật rừng đặc trưng của các sinh cảnh chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Nơi đây có các quần thể cây họ dầu đặc trưng của vùng Đông Nam bộ, rừng khộp của Tây Nguyên, quần thể tràm và sinh vật cảnh đất ngập nước của đồng bằng sông Cửu Long. Do đa dạng về sinh vật cảnh nên khu vực này có tính đa dạng sinh học rất cao.

VQG Lò Gò - Xa Mát.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, VQG Lò Gò - Xa Mát đã có những hoạt động tích cực nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn quản lý. VQG đã thực hiện dự án “Hỗ trợ bảo tồn đất ngập nước” trong Dự án nhỏ Cát Tiên, do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF - World Wide Fund For Nature) và Bảo tồn chim quốc tế (Bird Life) đồng tài trợ.

Đề tài nghiên cứu khoa học về đất ngập nước và điều tra tài nguyên động, thực vật đã được hoàn thành để phục vụ cho công tác bảo tồn. Ngoài ra, VQG cũng đã thực hiện xong dự án nâng cao năng lực quản lý bảo tồn do Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF) tài trợ.

Những trảng cỏ tuyệt đẹp để du khách tham quan, chụp ảnh cũng là nơi sinh trưởng của cây nhân trần - một loại cây dược liệu đặc biệt của VQG Lò Gò - Xa Mát.

VQG bước đầu giao khoán việc bảo vệ rừng cho các nhóm hộ dân, từng bước củng cố lực lượng Kiểm lâm, phân công chuyên trách thực hiện quản lý, bảo vệ rùng trực tiếp đến từng tiểu khu và địa bàn cụ thể. Hằng năm, VQG đứng ra tổ chức cho người dân địa phương trồng rừng ở phân khu phục hồi sinh thái.

Song song đó, VQG tập trung cho việc nâng cao năng lực quản lý của cán bộ, tổ chức các lớp giáo dục cộng đồng, chú trọng lực lượng cán bộ địa phương, lực lượng Biên phòng và các em học sinh các trường trong vùng nhằm bảo vệ các khu vực ngập nước quan trọng (VQG Lò Gò - Xa Mát được chọn là một trong bốn VQG thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng nhằm gắn kết việc hưởng lợi với công tác bảo tồn đa dạng sinh học).

Culi nhỏ ở VQG Lò Gò - Xa Mát.

Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở VQG Lò Gò - Xa Mát vẫn còn gặp nhiều khó khăn: các loài thú ở VQG đang chịu nhiều mối đe doạ nghiêm trọng khác nhau như mất sinh cảnh do cây rừng bị chặt phá và tình trạng săn bắt bừa bãi (địa hình của VQG khá bằng phẳng, đường sá đi lại dễ dàng nên thuận tiện cho việc xâm nhập trái phép phá rừng và đặt bẫy thú).

Ngoài ra, các hoạt động khác của con người như vào rừng rà sắt phế liệu, đào mối chúa, bắt bò cạp, múc dầu rái, chặt tre, hái măng, lấy lan rừng, luồn rừng chở xăng trái phép… cũng gây tác động tiêu cực không nhỏ cho các loài thú. Mặt khác, việc đốt trảng cỏ thường xuyên gây ra thay đổi tai hại cho điều kiện tự nhiên của khu vực.

Người dân- nhất là người Campuchia còn chăn thả gia súc trên các trảng cỏ của VQG. Tình trạng săn bắt chim, thú vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn. Việc tận diệt cá và các thuỷ sinh khác bằng xung điện vẫn còn chưa ngăn chặn được cũng gây hại cho các loài chim nước…

Sinh cảnh trảng Tà Nốt với loài cò nhạn vào mùa di trú.

Cây nắp ấm ở VQG.

Định hướng trong thời gian tới, VQG Lò Gò - Xa Mát và Khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc sẽ được sáp nhập, đưa diện tích VQG từ 19.210,73 ha tăng lên 30.023,13 ha. Bên cạnh chức năng bảo tồn đa dạng sinh học, VQG Lò Gò - Xa Mát bổ sung chức năng bảo tồn giá trị lịch sử - văn hoá cấp quốc gia đặc biệt ở khu Chàng Riệc.

Đây là cơ hội để phục hồi các sinh cảnh rừng đã bị tác động, rừng nghèo… góp phần nâng cao độ che phủ rừng, chất lượng rừng, đa dạng sinh học để tôn tạo cảnh quan tự nhiên, môi trường của các di tích lịch sử - văn hoá; mở rộng phát triển loại hình, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng kết hợp với phát triển du lịch về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng với giáo dục môi trường…

Lê Ngọc Hoà

Tin cùng chuyên mục