Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tuy bị khuyết tật nhưng anh Lê Minh Thái (sinh năm 1972, ngụ tổ 17, ấp Thanh Hùng, xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành) vẫn cố gắng vươn lên hoà nhập cộng đồng, trở thành tấm gương sáng “tàn nhưng không phế”
Anh Thái với công việc hằng ngày.
Ông Lê Văn Minh, 70 tuổi, ba của Thái cho biết, ông có 7 người con, Thái là con thứ 2. Khi được 3 tháng tuổi, sau một cơn sốt, Thái nằm liệt trên gường, chân mỗi ngày một teo nhỏ lại, lưng càng ngày càng gù lên. Mặc dù bị khuyết tật nhưng Thái vẫn thích đi học. Không ngại khó, ông Minh đều đặn mỗi ngày đưa Thái đến trường. Học hết lớp 6, Thái xin nghỉ.
Không muốn để ba mẹ phải quá cực nhọc với mình, Thái bắt đầu tập đi. Chịu khó luyện tập, dần dần Thái cũng đi lại được và phụ giúp ba mẹ một số việc vặt trong nhà như rửa chén, quét dọn nhà cửa… Năm 2010, Thái xin ba mẹ cho đi phụ việc một người làm chậu cảnh trong ấp. Sau gần hai tháng phụ việc, thấy không ổn, Thái xin nghỉ nhưng trong lòng cảm thấy buồn nản, suy sụp gần như buông xuôi cho số phận.
Không muốn trở thành gánh nặng cho ba mẹ lúc tuổi già, Thái lại nhờ ba mẹ mua ít sắt phế liệu, cát, xi măng đem về để anh đúc thử một vài chậu trồng cây cảnh nhỏ. Càng làm, Thái càng thấy vui vì những chiếc chậu cảnh này được mọi người khen đẹp và đạt chất lượng. Nhiều người đề nghị chia lại đem về nhà dùng.
Chịu thương, chịu khó, tự mày mò, học hỏi, được gia đình, bạn bè động viên, tay nghề đúc chậu cảnh của Thái ngày một thuần thục hơn và bắt đầu làm các loại chậu cảnh có đường kính lớn từ 35cm đến 45 cm. Ðến nay, anh Thái đã chế tạo được các loại chậu cảnh từ 1 đến 1,5m. Ngoài ra, anh còn đúc bàn xi măng đường kính 1,2m, đế xi măng cao 90cm để bán cho những người có nhu cầu.
Cơ sở của anh đã được nhiều người biết đến nên có khi không đủ sản phẩm để bán. Anh Thái cho biết, mỗi ngày anh đúc được khoảng 5 chậu, trong đó 2 chậu lớn 1,5m, 3 chậu nhỏ 35cm. Giá chậu cảnh lớn, trừ chi phí còn kiếm lời từ 70.000 đồng/chậu, chậu cảnh nhỏ lời khoảng 40.000 đồng/chậu. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, anh Thái cũng kiếm được khoảng chục triệu đồng.
Anh Triệu Văn Cạy (sinh năm 1983) và anh Phan Thành Lộc (sinh năm 1980) nhà kế bên nhà anh Thái cho biết, những lúc rảnh rỗi họ thường sang nhà anh Thái vừa chơi, vừa phụ giúp anh Thái di chuyển những chậu cây to giao cho khách. Khi anh Thái gửi tiền bồi dưỡng, mọi người đều không nhận và rất cảm phục người khuyết tật hay bị trêu chọc là “thằng gù” như anh Thái đã có thể tự tạo việc làm để nuôi sống bản thân.
Dù cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn, những ngày trái gió, trở trời, đôi chân của Thái lại bị đau nhức nhưng anh vẫn cố gắng vượt qua, tìm kiếm niềm vui sống từ công việc, được hoà nhập cộng đồng. Anh Thái từng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen về tấm gương tiêu biểu vượt khó. Năm 2016, anh được tham dự Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ 5 tại Thủ đô Hà Nội.
Quang Hà