Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Vứt bỏ trẻ sơ sinh–Hành vi cần lên án
Thứ sáu: 20:48 ngày 11/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều vụ trẻ sơ sinh bị bỏ rơi được đăng tải trên báo chí, mạng xã hội với hy vọng tìm lại cha mẹ, người thân cho các em. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn tìm lại được gia đình. Vứt bỏ trẻ sơ sinh đã trở thành vấn đề nhức nhối, gây phẫn nộ trong toàn xã hội. Hành vi này không chỉ thiếu đạo đức mà còn vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đã từng được Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh chăm sóc.

Hơn 4 tháng trước, người dân xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành phát hiện và cứu sống một bé gái còn dây rốn, nhau thai, trên người đầy vết đỏ do kiến lửa cắn, bỏ trong bao nylon ở ngoài nghĩa địa tại ấp Trường Huệ. Mọi người nhanh chóng đưa bé đến Trung tâm Y tế thị xã. May mắn thay, sức khoẻ bé gái vẫn tốt, không bị dị tật, nặng 3,5 kg. Sau đó được UBND xã Trường Tây thông báo tìm kiếm thân nhân của cháu bé. Vài ngày sau, em K.C. (17 tuổi, ngụ ấp Trường Huệ) tìm đến và nhận lại con.

Hay như trường hợp ông Đặng Văn Phúc – Đội trưởng Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh chia sẻ, khoảng 20 giờ ngày 13.4, người dân phát hiện một bé trai sơ sinh trên người đầy vết ửng đỏ do kiến cắn bị bỏ lại trên nền gạch trong khuôn viên Toà thánh Cao Đài nên báo với Đội. Nhận được tin, Đội nhanh chóng cử thành viên đến và đưa cháu bé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi kiểm tra, tình trạng sức khoẻ của cháu bé vẫn ổn định. Ông Phúc cho biết, khi phát hiện, trên người bé có một mảnh giấy ghi nội dung: “Chuột con sinh ngày 10.4.2020 (18.3 âm lịch)”, tức bé chỉ mới được 4 ngày tuổi.

Ông Phúc đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội với mong muốn tìm lại mẹ ruột của cháu bé. Khoảng 2 ngày sau, em B.N (18 tuổi, ngụ huyện Dương Minh Châu) đã đến Đội để gặp con. “N vứt bỏ con của mình vì bản thân còn đi học, sợ gia đình bị mọi người gièm pha. Em không biết làm thế nào để lo cho đứa bé nên đã bồng con đến khu vực Toà Thánh, bỏ lại trong góc tường với hy vọng Chuột con sẽ tìm kiếm được một gia đình tốt hơn” - ông Phúc chia sẻ thêm.

Một số ý kiến bức xúc cho rằng, các trường hợp mẹ vứt con đa phần là những người trẻ, không có khả năng nuôi, sợ gia đình phản đối, định kiến khắt khe của xã hội nên chọn cách đau lòng này. Nguyên nhân chính là, một bộ phận người trẻ thiếu hiểu biết, yêu đương và quan hệ tình dục sớm, bừa bãi trước hôn nhân, không có biện pháp để tự bảo vệ mình dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Có trường hợp đứa trẻ sinh ra bị dị tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định nên đành bỏ con để giảm bớt gánh nặng…

Mẹ ruột nhận lại con sau khi bỏ rơi.

Cô Trần Thị Lan Anh, ngụ phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành nói: “Nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi nhìn mà đau lòng. Có những gia đình hiếm muộn, cực khổ kiếm một đứa con mà không được. Nếu như hoàn cảnh khó khăn không thể nuôi con, mình có thể đem cho hoặc gửi trẻ, không nên vứt bé xuống đường để bị côn trùng cắn. Tôi cho rằng hành vi này rất thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý đúng người, đúng tội”.

Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em và các nghị định xử phạt vi phạm hành chính những vi phạm liên quan đến gia đình và trẻ em đều có đề cập đến nghĩa vụ thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ, có chế tài xử phạt cụ thể nếu cha mẹ cố ý bỏ rơi trẻ ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống… Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuyên truyền và thi hành các quy định này còn hạn chế khiến nhiều người không biết hoặc không sợ.

Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Lê Minh Hiền cho hay, căn cứ pháp luật hiện hành, với hành vi vứt bỏ trẻ sơ sinh, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em nêu rõ: Những người bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh, cố ý bỏ rơi trẻ nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không được sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ tự sinh sống... sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.

Điều 124 Bộ luật Hình sự quy định, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi, bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Còn người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tùy theo tình tiết, mức độ, người mẹ có thể còn bị truy tố về tội giết người hoặc vô ý làm chết người theo Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hiện nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 20 trẻ em, trong đó có 7 trẻ dưới 4 tuổi và 13 trẻ từ đủ 4 tuổi đến dưới 16 tuổi. Đa số các cháu đều là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, là trẻ bị bỏ rơi, mồ côi. Một số trẻ khi vào Trung tâm đã mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh truyền nhiễm, phải điều trị thường xuyên.

Tại Trung tâm, trẻ em được tiếp cận đầy đủ các chế độ về chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng, sinh hoạt hàng ngày, được tạo điều kiện đi học. Riêng những trường hợp có nguyện vọng không tiếp tục học phổ thông sẽ được tạo điều kiện tham gia học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề.

Bên cạnh đó, hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng tại Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh thông qua việc đến thăm hỏi, tặng quà và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cùng các cháu, nhất là vào các dịp lễ, Tết. Trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi sống tại đây được Trung tâm tổ chức đánh giá về điều kiện và thực hiện các thủ tục tìm gia đình thay thế cho trẻ theo quy định của Luật Nuôi con nuôi.

Thiết nghĩ, để giải quyết triệt để tình trạng vứt bỏ trẻ sơ sinh, cần sự vào cuộc của các ngành chức năng, đoàn thể trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về dân số, bảo vệ trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các đối tượng là thanh thiếu niên.

Về phía gia đình, cần quan tâm hơn đến con cái, phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục nhận thức giới tính cho các em, biết cách phòng tránh, bảo vệ bản thân. Trong trường hợp có thai ngoài ý muốn, gia đình phải quan tâm, động viên để các em ổn định tâm lý, tránh hành vi tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, có chế tài xử phạt nghiêm khắc và thực hiện mạnh hơn nữa đối với hành vi bỏ rơi con.

Thiên Di- Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục