Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
WHO: Tình hình Ấn Độ 'quá đau lòng'
Thứ ba: 09:51 ngày 27/04/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tổng giám đốc WHO cảnh báo làn sóng ca nhiễm, tử vong kỷ lục do Covid-19 ở Ấn Độ và tổ chức đang gấp rút giúp giải quyết khủng hoảng.

"Tình hình ở Ấn Độ quá đau lòng", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với phóng viên trong cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 26/4. "WHO đang làm mọi thứ có thể, cung cấp các thiết bị và vật tư quan trọng".

Ấn Độ đang chống chọi đợt bùng phát Covi-19 tồi tệ nhất, liên tục 6 ngày ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới. Các bệnh viện quá tải, lò hỏa táng hoạt động hết công suất và nhiều gia đình bệnh nhân tuyệt vọng lên mạng xã hội cầu xin nguồn oxy, giường bệnh.

Vùng dịch lớn thứ hai thế giới ghi nhận thêm 319.435 ca nhiễm và 2.764 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 17.625.735 và 197.880.

Ông Tedros cho biết cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc đã gửi "hàng nghìn máy tạo oxy, bệnh viện dã chiến di động và vật tư phòng thí nghiệm" tới Ấn Độ. WHO cũng đã điều hơn 2.600 chuyên gia từ các chương trình khác nhau, gồm cả bệnh bại liệt và lao, làm việc với cơ quan y tế Ấn Độ để giúp đối phó đại dịch.

Mỹ và Anh gấp rút cung cấp máy thở, vật liệu vaccine giúp Ấn Độ vượt qua khủng hoảng, trong khi một loạt quốc gia khác cũng cam kết hỗ trợ.

Theo Tổng giám đốc WHO, ca nhiễm mới toàn cầu tăng liên tục 9 tuần qua. "Tuần trước, ca nhiễm trên trên toàn cầu tương đương 5 tháng đầu đại dịch", ông cho hay.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trả lời báo chí tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 26/4. Ảnh: Reuters.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, song Ấn Độ dẫn đầu mức gia tăng trên toàn cầu. Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, nói rằng sự gia tăng ca nhiễm theo cấp số nhân ở Ấn Độ "thực sự đáng kinh ngạc", đồng thời cảnh báo Ấn Độ không phải duy nhất khi một số quốc gia đã chứng kiến "quỹ đạo gia tăng lây nhiễm tương tự".

"Điều này có thể xảy ra ở một số quốc gia nếu chúng ta mất cảnh giác", bà nói. "Chúng ta đang ở trong tình thế mong manh".

Mỹ báo cáo 32.865.175 ca nhiễm và 586.550 ca tử vong do nCoV, tăng 39.628 ca nhiễm và 393 ca tử vong so với một ngày trước đó.

Sau những chỉ trích vì tích trữ nguồn cung cấp vaccine, gồm vaccine AstraZeneca, trong khi các quốc gia khác đang vật lộn với những đợt bùng phát tàn khốc, Mỹ hôm 26/4 thông báo sẽ chuyển 60 triệu liều vaccine AstraZeneca cho các nước.

"Mỹ sẽ chuyển 60 triệu liều Astra Zeneca cho các quốc gia khác khi chúng có sẵn", Andy Slavitt, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về phản ứng của Covid, đăng Twitter.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu liều vaccine đã sẵn sàng được vận chuyển hoặc chúng sẽ được đưa tới đâu. Slavitt cho biết "tại thời điểm này còn rất ít" vaccine.

Tổng thống Joe Biden điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cùng ngày, cam kết "ủng hộ kiên định của Mỹ đối với người dân Ấn Độ đang chịu ảnh hưởng của đợt gia tăng ca Covid-19 gần đây". "Mỹ đang cung cấp loạt hỗ trợ khẩn cấp, gồm các nguồn cung cấp liên quan oxy, vật liệu vaccine và phương pháp điều trị", Biden nói với Modi.

Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 14.369.423 ca nhiễm và 391.936 ca tử vong, tăng lần lượt 28.636 và 1.011.

Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cho biết số ca nhiễm nCoV ở Brazil đang giảm, gồm cả vùng Amazon, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 trong những tháng qua. Tuy nhiên, Etienne cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch có thể đảo ngược xu hướng này.

Viện y sinh học Fiocruz của chính phủ Brazil trong khi đó cảnh báo người trẻ ở nước này đang ngày càng bị Covid-19 ảnh hưởng. Nghiên cứu của Fiocruz chỉ ra rằng số ca tử vong do nCoV ở những người 20-29 tuổi tại Brazil đã tăng hơn 1.000% từ đầu năm nay.

Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.503.996 ca nhiễm và 103.256 ca tử vong.

Thủ tướng Pháp Jean Caster ngày 22/4 nói rằng làn sóng dịch thứ ba "đã qua" và xác nhận các hạn chế đi lại trong nước sẽ được dỡ bỏ vào ngày 3/5 và các trường trung học cơ sở sẽ mở cửa trở lại cùng ngày. Đây là những bước đầu tiên trong kế hoạch đưa đất nước thoát khỏi đợt đóng cửa mới vì Covid-19.

Ông thêm rằng một số hoạt động kinh doanh, gồm quán bar, nhà hàng và trung tâm văn hóa có thể mở cửa trở lại vào giữa tháng 5 khi tình hình đại dịch được cải thiện, sau ba tuần Pháp bước vào đợt đóng cửa kéo dài một tháng. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm từ 19h đến sáng hôm sau vẫn được duy trì.

Tại Đông Nam Á, ca Covid-19 ở Philippines hôm 26/4 vượt một triệu sau khi ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới ở khu vực thủ đô, trung tâm của đợt bùng phát mới nhất. Philippines hiện là vùng dịch lớn thứ hai ở khu vực, sau Indonesia.

Các nhà phân tích cho biết ca nhiễm ở khu đô thị Manila, nơi ghi nhận gần 50% số ca nhiễm, đang giảm nhờ những hạn chế nghiêm ngặt về kiểm dịch được áp dụng từ giữa tháng 3. Tuy nhiên, họ cảnh báo còn quá sớm để mở cửa thêm nền kinh tế.

"Xu hướng không ổn định ở chỗ việc giảm chưa được duy trì trong thời gian dài", giáo sư Guido David, phát ngôn viên Nhóm nghiên cứu Octa có trụ sở tại Philippines, cho hay.

Campuchia ghi nhận thêm 580 ca nhiễm nCoV và 5 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 10.555, trong đó 79 người đã tử vong.

Thủ đô Phnom Penh đang sống dưới lệnh phong tỏa kéo dài hai tuần từ ngày 15/4 và tuyên bố một số quận là "vùng đỏ", cấm người dân rời khỏi nhà ngoại trừ vì lý do y tế. Chính quyền Phnom Penh đêm 23/4 tiếp tục thắt chặt các biện pháp hạn chế khi yêu cầu đóng cửa toàn bộ các khu chợ từ 22/4 đến ngày 7/5 do thấy tình trạng lây nhiễm tăng cao tại đây.

Lào ghi nhận 113 ca nhiễm nCoV mới trong 24 giờ qua, nâng tổng ca nhiễm toàn quốc lên 436, trong đó chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Thủ đô Vientiane của Lào bắt đầu áp lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 22/4 để đối phó số ca nhiễm nCoV tăng mạnh.

Người dân Vientiane bị cấm ra khỏi nhà, trừ khi có việc thiết yếu. Các đám đông không được vượt quá 20 người, trong khi các nghi lễ, như đám tang, phải được tổ chức hết sức cẩn thận và tuân thủ biện pháp phòng ngừa Covid-19. Cố đô Luang Prabang cũng bị phong tỏa từ 25/4.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục