Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Một tháng trước thềm World Cup 2018, những tranh cãi về chuyên môn đã bắt đầu nổ ra, xoay quanh việc lần đầu tiên trong lịch sử áp dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR).
Các cầu thủ Freiburg tranh cãi với trọng tài vì quyết định kỳ lạ do VAR. Ảnh: REUTERS
Kênh truyền hình ESPN dẫn lời ông Johannes Holzmueller, người đứng đầu bộ phận công nghệ của FIFA, trong thời gian qua VAR đang làm ông và các cộng sự “đổ mồ hôi, vì càng lúc càng không chắc chắn về khả năng vận hành hoàn hảo của hệ thống này”. Phát biểu này cho thấy ngay cả FIFA giờ đây cũng không chắc chắn về khả năng thành công của công nghệ này ở World Cup 2018.
Từ khi VAR xuất hiện
Đã gần 2 năm kể từ khi VAR bắt đầu được đưa vào sử dụng trong thế giới bóng đá (khởi đầu là bản thử nghiệm ở Giải bóng đá nhà nghề Mỹ), VAR dần phổ biến trong mắt người hâm mộ khi được sử dụng trong trận đấu giao hữu giữa Pháp và Ý hồi tháng 9-2016. Kể từ đó, VAR liên tục xuất hiện trong các trận giao hữu quốc tế, tạo ra những hiệu ứng rất đáng kể.
Trận đấu nhận được sự can thiệp nhiều nhất của VAR ở giai đoạn đầu có lẽ là chiến thắng 2-0 của Tây Ban Nha trước Pháp hồi đầu năm 2017. Ở trận đấu đó, Antoine Griezmann (tuyển Pháp) đã bị VAR từ chối một bàn thắng vì việt vị.
Và ở chiều ngược lại, các trọng tài sau khi căng cờ việt vị cho tình huống Gerard Deulofeu của Tây Ban Nha ghi bàn đã quyết định đổi ý nhờ VAR. Nếu không có công nghệ này, tỉ số của trận đấu đã có thể là 1-1. Rõ ràng, việc có VAR và không có VAR đã tạo ra hai kết quả hoàn toàn khác nhau.
Trong thời gian đầu, công nghệ VAR nhận được khá nhiều sự ủng hộ khi nó giúp minh bạch những quyết định gây tranh cãi. Nhưng dần dà, khi được đưa vào sử dụng xuyên suốt ở các giải đấu chính thức, VAR bắt đầu bộc lộ những khuyết điểm.
VAR khiến trận đấu thêm rối rắm?
Ở FIFA Club World Cup 2016 và 2017, đương kim vô địch Real Madrid liên tục chỉ trích công nghệ này. Tiền vệ Luka Modric chỉ trích việc sử dụng VAR chỉ càng khiến trận đấu “thêm rối rắm”. HLV Zinedine Zidane cũng có ý tương tự, khi cho rằng trận đấu sẽ bị xé vụn bởi việc các trọng tài mất đến vài phút cho mỗi lần xem xét tình huống qua VAR. Nhiều người đồng ý với quan điểm này tin rằng VAR đang làm bóng đá mất đi tính hấp dẫn vốn có.
Trận đấu giữa Mainz và Freiburg ở Bundesliga hồi tháng 4 mới đây là một ví dụ điển hình cho những phiền toái mà VAR tạo ra.
Cuối hiệp 1, trọng tài từ chối cho Mainz hưởng phạt đền sau một tình huống gây tranh cãi. Nhưng rồi sau khi thổi còi kết thúc hiệp đấu, ông lại... đổi ý và yêu cầu hai đội quay trở ra sân để Mainz đá nốt quả phạt đền. Các cầu thủ và khán giả Freiburg không hài lòng về điều này, cả ban tổ chức cũng khó lòng an tâm được.
Bên cạnh sự phiền toái, VAR còn không đảm bảo hiệu quả công việc. Mới đây, nhà sản xuất Hawk-Eye đã phải gửi lời xin lỗi đến ban tổ chức Giải vô địch Úc với một sự cố đã làm thay đổi kết quả trận chung kết của giải khi Melbourne giành chiến thắng 1-0 trước Newcastle Jets nhờ bàn thắng gây tranh cãi của Kosta Barbarouses.
Trong đoạn video quay chậm trên tivi, khán giả có thể thấy rõ Barbarouses đã ở vào thế việt vị. Nhưng VAR lại... không thấy vì hệ thống đột ngột bị hư 30 giây trước khi bàn thắng này diễn ra.
“Tôi có thể chắc chắn 100% rằng đó là một tình huống việt vị. Nhưng hiển nhiên, vì VAR không hoạt động nên bạn không thể nói điều đó với trọng tài được. Trường hợp này rõ ràng là một thất bại của công nghệ” - ông Holzmueller cho biết.
Trước đó, việc sử dụng VAR cũng từng nhiều lần gặp trục trặc vì những lý do khó tin. Cụ thể, trong trận đấu giữa Boavista và Aves ở Giải vô địch Bồ Đào Nha hồi tháng 2, trọng tài cũng không thể xem lại băng quay chậm một tình huống tranh cãi chỉ vì camera của VAR đã bị... che phủ bởi một lá cờ của CĐV. “Nó là công nghệ, nó có thể thất bại” - người đứng đầu bộ phận công nghệ của FIFA kết luận.
Cầu thủ cũng phải tập luyện để thích nghi VAR
Không chỉ mang lại nỗi lo cho ban tổ chức, VAR còn đang khiến các đội bóng đau đầu. HLV Julen Lopetegui của tuyển Tây Ban Nha cho biết ông sẽ cho các cầu thủ tập luyện để thích nghi với hệ thống công nghệ này. Lý do ông Lopetegui đưa ra là bởi các cầu thủ sẽ gặp khó khăn để duy trì lối chơi khi trận đấu bị ngắt quãng liên tục.
“Chúng tôi phải chuẩn bị cho VAR, sẽ có những tình huống khá bất thường diễn ra ở kỳ World Cup này. Trận đấu sẽ có nhiều lúc bị tạm ngừng, bạn chờ đợi trong lúc nó bị trì hoãn, và rồi lại tái khởi động. Các cầu thủ ở Tây Ban Nha chưa được làm quen với điều này” - ông Lopetegui nói.
Nguồn BHT