Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tính đến cuối năm 2020, xã Hiệp Thạnh (huyện Gò Dầu) đã hoàn thành 15/19 tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hiệp Thạnh phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại, đưa xã về đích nông thôn mới đúng kế hoạch của huyện Gò Dầu.
Hiệp Thạnh đầu tư hệ thống đường giao thông và thuỷ lợi nông thôn.
Nông dân tích cực chuyển đổi cây trồng.
Ông Phạm Thành Thế-Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh cho biết, những năm gần đây, công tác chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã diễn ra khá sôi động, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp như lúa, rau màu, mía, cao su...để chuyển sang trồng các lại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, nhãn, bưởi da xanh... góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác, gia tăng thu nhập, phát triển kinh tế ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Thành Tâm, ngụ ấp Cây Da, xã Hiệp Thạnh, quyết định phá bỏ hơn 3,5 ha cao su để trồng 650 cây bưởi da xanh, xen với 100 cây sa pô chê và 100 cây mít Thái. Sau hơn 3 năm, hiện tại vườn bưởi của ông bắt đầu cho lứa trái đầu tiên, trong khi những cây sa pô chê cũng đã cho thu hoạch. Tuy số lượng thu hoạch chưa nhiều, nhưng với mức giá khoảng 30.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình ông có thể thu hồi vốn đã đầu tư ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên.
Năm 2015, nhận thấy việc sản xuất lúa cho lợi nhuận thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình, ông Nguyễn Văn Tài, chuyển đổi hơn 0,5 ha trồng lúa kém hiệu quả tại ấp Xóm Bố, xã Hiệp Thạnh, sang trồng 50 gốc sầu riêng xen với bưởi da xanh và đu đủ với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Sau hơn 3 năm, vườn cây bắt đầu cho trái và mang lại khoản lợi nhuận khá. Theo ông Tài, chỉ tính riêng đu đủ, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 120 triệu đồng, cao gấp 5 lần lợi nhuận trồng lúa trước kia.
Hạ tầng giao thông và thuỷ lợi được đẩy mạnh đầu tư.
Cùng với việc phát triển kinh tế, lĩnh vực xây dựng giao thông nông thôn cũng được địa phương quan tâm đầu tư, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, công tác đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp hệ thống giao thông trên địa bàn xã được triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ. Kết quả đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng liền tuyến, đảm bảo liên hoàn phục vụ giao lưu, vận chuyển hàng hóa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Phạm Thành Thế, với nguồn vốn phân bổ xây dựng nông thôn mới được giao, xã đã triển khai thực hiện xong 7 tuyến đường trục xã, tổng chiều dài 9,778km; 8 tuyến đường trục ấp tổng chiều dài 6,068km (đạt 100% theo quy định); 11 tuyến đường trục ngõ, xóm tổng chiều dài 4,843km và 11 tuyến đường trục chính nội đồng, tổng chiều dài 21,09km.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2021 đến nay, xã đã vận động khởi công 6 tuyến trục ngõ, xóm, với tổng chiều đài 2,45 km, với chi phí thực hiện là 225 triệu đồng; nâng tổng số đường trục ngõ, xóm được nâng cấp của xã Hiệp Thạnh lên 17 tuyến, tổng chiều dài là 7,293km đạt 50,13%.
Cũng theo ông Thế, trên địa bàn xã hiện có 49.900m kênh mương (kênh cấp 1,2,3 và nội đồng). Trong đó Xí nghiệp Thủy lợi quản lý 19.014m; xã quản lý 6611m kênh có diện tích tưới từ dưới 50 ha và 5.261m kênh nội đồng có diện tích tưới trên 20ha.
Nhiều trực đường giao thông nội đồng được đầu tư.
Từ đầu năm 2021 đến nay bằng nguồn vốn phân khai xây dựng nông thôn mới, địa phương đã triển khai thi công bê tông hoá 6 tuyến kênh, tổng chiều dài khoảng 2,1km. Hiện tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt trên 90%. Công trình thủy lợi đảm bảo các điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ.
Ông Nguyễn Minh Cường - Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Cây Da phấn khởi cho biết, những năm qua, với sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng giao thông và thuỷ lợi của Nhà nước, nhiều nông dân đã mạnh dạng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả như cao su, lúa… sang các loại cây ăn trái, bước đầu mang về thu nhập khá tốt cho người nông dân.
Theo ông Cường, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được người dân trong ấp nhiệt tình hưởng ứng, góp công góp của thực hiện các công trình phục vụ nông thôn mới, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt, từ đầu năm đến nay, nhân dân ấp Cây Da đã đóng góp trên trên 350 triệu đồng thực hiện cứng hoá 7 tuyến đường giao thông trục ngõ xóm bảo đảm cho việc đi lại thuận tiện.
Một trực đường giao thông nội đồng được đầu tư phục vụ sản xuất.
Ông Lê Văn Ân, ngụ ấp Cây Da cho biết, việc đầu tư hệ thống đường giao thông ngõ xóm, giao thông nội đồng là việc làm thiết thực, giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân không còn vất vả như trước. Theo ông Ân, với hơn 2ha trồng hoa màu của gia đình, trước đây để thu hoạch phải dùng xe máy chuyên chở hết sức khó khăn, vất vả, thương lái vì thế cũng lấy cớ ép giá khiến lợi nhuận sản xuất không cao.
Theo ông Phạm Thành Thế - Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh, công tác xây dựng nông thôn mới được Ban chấp hành Đảng bộ xã xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. UBND xã xây dựng kế hoạch cụ thể các tiêu chí. Trong đó, xã xác định tập trung xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như đời sống văn hóa tin thần cho bà con nhân dân.
Một trục đường ngõ xóm được người dân đóng góp bê tông hoá.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng cảnh quan môi trường, xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn liên ấp trên địa bàn xã, để tạo điều kiện cho người dân lưu thông hàng hóa và đi lại bảo đảm an toàn giao thông. Có thể nói, qua quá trình triển khai, các ban ngành, Mặt trận, đoàn thể đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến quần chúng nhân dân trên địa bàn, từ người dân rất đồng thuận hưởng ứng tích cực chủ trương của Đảng ủy, Ủy ban, từ đó tích cực tham gia đóng góp cả tinh thần lẫn vật chất, để góp phần cùng với Đảng bộ xã xây dựng địa phương đạt chuẩn nông thôn mới.
Minh Dương