Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Việc xã hội hoá giáo dục nhằm đa dạng hoá các loại hình giáo dục, mở rộng liên kết, hợp tác và phát triển hợp lý cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Trên cơ sở tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giáo dục của tỉnh Tây Ninh, để đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế và thực hiện hiệu quả xã hội hoá giáo dục trong giai đoạn 2023–2025, định hướng đến năm 2030, Sở Giáo dục và Đào tạo trình UBND tỉnh Đề án xã hội hoá Giáo dục và Đào tạo tỉnh giai đoạn 2025-2030.
Luật Giáo dục năm 2019, tại Điều 16 khẳng định: “Phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và toàn dân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình cơ sở và hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động tổ chức, cá nhân tham gia phát triển giáo dục; thúc đẩy cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao. Tổ chức, gia đình và cá nhân có trách nhiệm chăm lo giáo dục, phối hợp với nhà trường để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh”.

Thông qua việc xã hội hoá giáo dục nhằm phát huy tiềm năng về trí tuệ và vật chất trong Nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục; tạo điều kiện để toàn xã hội được hưởng thụ thành quả giáo dục, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, tri thức và khả năng thích ứng với thị trường lao động. Đồng thời, đa dạng hoá các loại hình giáo dục, mở rộng liên kết, hợp tác và phát triển hợp lý cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Dự báo đến năm học 2025-2026, toàn tỉnh có khoảng 240.992 học sinh mầm non và phổ thông; đến năm 2030, sẽ có 272.543 học sinh mầm non và phổ thông.
Để đáp ứng quy mô này cần mở rộng quy mô các trường hiện có, đồng thời thành lập mới 10 trường công lập, cải tạo và xây dựng thêm 869 phòng học các cấp, bổ sung 1.588 giáo viên các cấp học.
Để xã hội hoá Giáo dục và Đào tạo, Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, các cơ sở giáo dục công lập sẽ thực hiện tự chủ thường xuyên (trong đó có 1 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên Nhóm 1; 6 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên Nhóm 2; 106 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên Nhóm 3 và 334 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên Nhóm 4).
Số dự án kêu gọi xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trong đề án là 10 dự án (3 trường mầm non và 6 trường nhiều cấp học mầm non, phổ thông và 1 dự án Tổ hợp giáo dục đào tạo nghề và giáo dục phổ thông).
Mục tiêu đến năm 2030, số học sinh giáo dục ngoài công lập các cấp học cụ thể gồm: giáo dục mầm non đạt 35%; tiểu học đạt trên 2%; cấp trung học cơ sở đạt trên 3,6%, trung học phổ thông đạt trên 11,7%. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập tại tất cả các trường công lập, bảo đảm điều kiện tối ưu để học sinh tiếp cận nền giáo dục hiện đại. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án là 416 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn xã hội hoá 400 tỷ đồng và ngân sách Nhà nước hỗ trợ 16 tỷ đồng).

Để hoàn thành mục tiêu, Đề án đã đề ra các giải pháp thực hiện, phân công theo chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác xã hội hoá trong hệ thống chính trị và người dân; tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh thu hút dự án xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục; đa dạng hoá các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo; triển khai thực hiện chế độ học phí mới và các chính sách xã hội hỗ trợ, khuyến khích học tập; quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, chuyển đổi dần các cơ sở giáo dục không đáp ứng yêu cầu về diện tích, quy mô và vị trí.
Nhi Trần