Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tạo môi trường sống hoà nhập, nhân văn cho người khuyết tật
Thứ sáu: 15:10 ngày 28/03/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Xác định người khuyết tật là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng xã hội, tỉnh Tây Ninh đã và đang triển khai nhiều chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật đồng bộ, hiệu quả.

Học viên lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc NKT.

Công tác trợ giúp người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực, giúp NKT có cơ hội sống độc lập, hoà nhập cộng đồng.

UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp NKT. Các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao kiện toàn Ban Công tác NKT và Đề án giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn giai đoạn 2025-2030. Công tác chỉ đạo, điều hành xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở, bảo đảm mọi hoạt động trợ giúp NKT đều có sự giám sát chặt chẽ, triển khai đúng đối tượng, kịp thời, hiệu quả.

Đổi mới tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng

Một trong những điểm sáng là công tác tuyên truyền về quyền lợi, chính sách dành cho NKT. Trong năm 2024, đơn vị chủ quản phối hợp Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện hơn 230 chuyên mục, phóng sự, tin bài đăng tải, phát sóng; phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền trực tiếp đến hơn 50.000 hội viên, quần chúng tại các buổi sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ “Phụ nữ khuyết tật vượt lên chính mình”, “Địa chỉ tin cậy cộng đồng”. Các câu chuyện về tấm gương NKT tiêu biểu, vượt khó, thành công lan toả mạnh mẽ tinh thần nghị lực, giúp thay đổi nhận thức xã hội.

Sở Tư pháp thực hiện 34 đợt truyền thông, tư vấn pháp luật, cấp phát hơn 8.000 tờ gấp pháp luật cho NKT, giúp nhóm yếu thế tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ pháp lý. Công tác tuyên truyền còn được lồng ghép tại các trường học, cơ sở y tế, tổ dân phố, bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận thông tin về quyền lợi NKT.

Tăng cường chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng

Mạng lưới y tế chăm sóc sức khoẻ NKT tại Tây Ninh được đánh giá đồng bộ, hoàn thiện. Hiện toàn tỉnh có 1 bệnh viện chuyên khoa Phục hồi chức năng (PHCN) tuyến tỉnh quy mô 100 giường, cùng 2 khoa PHCN tại Bệnh viện Đa khoa và Y dược cổ truyền tỉnh; 9/9 huyện, thị xã có khoa PHCN hoặc khoa ghép Y học cổ truyền - PHCN.

Năm 2024, hệ thống y tế tỉnh khám, chữa bệnh, PHCN cho gần 99.000 lượt người, trong đó trên 96.000 lượt được chi trả BHYT. Trẻ em khuyết tật điều trị nội trú được miễn toàn bộ viện phí. Điều đáng ghi nhận, đội ngũ y, bác sĩ chuyên ngành PHCN ngày càng được củng cố, với 2 bác sĩ chuyên khoa sâu, 34 bác sĩ định hướng PHCN, hơn 60 kỹ thuật viên, điều dưỡng chuyên nghiệp.

Bệnh viện PHCN tỉnh tích cực áp dụng các kỹ thuật mới như vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu... giúp NKT phục hồi sớm chức năng vận động, ngôn ngữ, nâng cao chất lượng sống. Chương trình PHCN dựa vào cộng đồng được triển khai tại 94/94 xã, phường, thị trấn, huy động hơn 500 cộng tác viên y tế cơ sở. Trong năm, chương trình đã tổ chức tập huấn cho 770 người, cung cấp 72 dụng cụ trợ giúp NKT.

Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế

Toàn tỉnh có 23.526 NKT đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Năm 2024, tổng kinh phí chi trả trợ cấp cho người khuyết tật tại cộng đồng đạt hơn 216 tỷ đồng. Hơn 4.600 hộ trực tiếp chăm sóc NKT đặc biệt nặng được hỗ trợ gần 22 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ chi phí mai táng, chi phí sinh hoạt cho NKT, phụ nữ khuyết tật mang thai, nuôi con nhỏ cũng được thực hiện đầy đủ, đúng quy định.

Có 204 NKT được chăm sóc tập trung tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó, 92 NKT đặc biệt nặng không nơi nương tựa, 64 trẻ em khiếm thị. Hiệp hội Christina Noble Children’s Foundation tiếp tục tài trợ hơn 1,7 tỷ đồng để chăm sóc, nuôi dạy trẻ khiếm thị, hỗ trợ học tập, kỹ năng sống, hướng nghiệp.

Song song với bảo trợ xã hội, tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm cho NKT. Hội Bảo trợ NKT, người nghèo và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh giải ngân hơn 3 tỷ đồng vốn vay không lãi suất cho 240 hộ NKT phát triển chăn nuôi, buôn bán nhỏ, hỗ trợ 17 con bò sinh sản.

Hội Người mù tỉnh hỗ trợ vốn, con giống, nghề truyền thống làm tăm tre, bó chổi cho hội viên, tổng kinh phí trên 9,5 tỷ đồng. Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin hỗ trợ vốn, sinh kế cho hơn 130 gia đình nạn nhân, trao tặng hơn 17.800 suất quà trị giá trên 8 tỷ đồng.

Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tích cực triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ khuyết tật, trao vốn vay không lãi suất, con giống, phương tiện sản xuất với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng.

Mở rộng tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật

NKT trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề. Các chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ giáo viên dạy trẻ khuyết tật được thực hiện đầy đủ. Trường khuyết tật tỉnh giảng dạy văn hoá, dạy chữ nổi cho học sinh khiếm thị, chú trọng rèn luyện kỹ năng sống, hướng nghiệp cho các em. Bên cạnh đó, Hội Người mù tỉnh tổ chức các lớp dạy nghề cho hội viên, giúp nhiều người khiếm thị có việc làm ổn định, tăng thu nhập, tự chủ trong cuộc sống.

Công tác dạy nghề cho NKT luôn gắn liền với giải quyết việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp. Các mô hình sản xuất nhỏ tại gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp NKT làm chủ cuộc sống và đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động trợ giúp phụ nữ khuyết tật, gia đình có phụ nữ khuyết tật. Trong năm 2024, trao tặng 3.766 phần quà trị giá hơn 1,5 tỷ đồng, hỗ trợ vốn vay không lãi suất, phương tiện sinh kế cho 172 phụ nữ khuyết tật với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng; phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, nước sạch, vệ sinh môi trường cho phụ nữ khuyết tật, xây dựng mái ấm tình thương, hỗ trợ bảo hiểm y tế.

Năm 2024, tỉnh vận động được hơn 31 tỷ đồng từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ người khuyết tật. Hội Bảo trợ NKT, người nghèo và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh hỗ trợ phẫu thuật mắt cho 633 người khiếm thị, xây mới, sửa chữa 13 căn nhà tình thương, trao học bổng cho 290 học sinh nghèo vượt khó. Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin hỗ trợ xây mới 7 căn nhà tình thương, trao tặng hơn 17.800 phần quà cho nạn nhân, tổ chức khám chữa bệnh, tặng quà tết…

Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh đang kiên trì thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường sống hoà nhập, nhân văn, nơi mọi người khuyết tật đều được quan tâm, chăm sóc và phát huy hết khả năng của mình, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh nhà.

Hương Giang

Tin cùng chuyên mục