Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo Sở Công thương, quý I.2025, tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hoá dịch vụ, lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước đạt 32.962 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 24,45% so với kế hoạch năm 2025.


Doanh thu bán lẻ hàng hoá ước tính đạt 25.894 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng có doanh thu bán lẻ tăng gồm: vật phẩm văn hoá, giáo dục; gỗ và vật liệu xây dựng; ô tô các loại; phương tiện đi lại; gàng hoá khác; sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ tăng.
Nhóm hàng có doanh thu bán lẻ giảm gồm: lương thực, thực phẩm; hàng may mặc; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình; xăng dầu các loại; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu); đá quý, kim loại quý và sản phẩm.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tính đạt 7.067 tỷ đồng, tăng hơn 12 % so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở Công thương, trong quý I.2025, thị trường hàng hoá tương đối ổn định, nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm nhiều trong nửa cuối tháng 2 và tháng 3 do người dân chủ yếu tập trung mua sắm các mặt hàng này trong giai đoạn trước tết.
Bên cạnh đó, thời tiết ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Ra tết, sức tiêu thụ của thị trường đối với mặt hàng thực phẩm như thịt gà, trứng gia cầm chậm, người dân giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn… trong khi nguồn cung tăng nên giá các mặt hàng này đều có xu hướng giảm. Do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hoá lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen.
Sở Công thương cho biết, trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương theo dõi sát tình hình thị trường, thực hiện hiệu quả các chương trình bình ổn thị trường, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với các nguồn hàng hoá tại từng địa phương, khôi phục hoàn toàn hoạt động các chợ truyền thống, đầu mối nhằm bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chỉ đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đưa hàng hoá, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu về tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng vận động các doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình bình ổn thị trường kết hợp việc bán hàng bình ổn tại các điểm bán cố định với các điểm bán lưu động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng nông thôn, vùng sâu – vùng xa, biên giới…
Nhi Trần