Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố loạt biện pháp thuế quan, ảnh hưởng tới gần như mọi quốc gia và châu lục, trong đó có châu Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp mức thuế đối ứng mới tại Nhà Trắng ngày 2/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Theo kênh CNA, đây là một phần trong chiến lược của Tổng thống Trump để giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại. Quyết định này khiến các nền kinh tế châu Á đối mặt với mức thuế quan tăng cao.
Thuế quan là loại thuế áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Với chính sách thuế quan đối xứng, Mỹ mong muốn đạt được công bằng trong thương mại quốc tế bằng cách điều chỉnh thuế nhập khẩu sao cho tương xứng với mức thuế của các quốc gia đối tác. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, thường áp dụng thuế quan thấp hơn so với các quốc gia mà họ giao thương.
Chẳng hạn, dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã chỉ ra sự khác biệt lớn về thuế đối với gạo chưa xay xát, với mức thuế 2,7% của Mỹ so với 80% của Ấn Độ, 40% của Malaysia và 31% của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính quyền Tổng thống Trump cho biết khi xác định mức thuế quan đối xứng cho mỗi quốc gia, họ không chỉ xem xét thuế nhập khẩu mà còn các hoạt động khác mà họ cho là không công bằng. Một số yếu tố này bao gồm thuế giá trị gia tăng, trợ cấp của chính phủ, chiến lược thao túng tiền tệ, chuyển nhượng công nghệ và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Tác động tới châu Á
Theo chính sách mới, bắt đầu từ ngày 5/4, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế chung 10% đối với toàn bộ hàng nhập khẩu. Đến ngày 9/4, Mỹ sẽ tiếp tục tăng thuế đối với 60 nền kinh tế có thâm hụt thương mại lớn nhất với nước này.
Khu vực châu Á sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, với mức thuế như sau: Campuchia 49%, Lào 48%, Việt Nam 46%, Myanmar 45%, Thái Lan 37%, Trung Quốc 34%, Indonesia 32%, Đài Loan 32%, Ấn Độ 27%, Hàn Quốc 26%, Brunei, Nhật Bản và Malaysia đều là 24%, và Philippines là 18%.
Đặc biệt, Trung Quốc sẽ chịu mức thuế lên tới 54% vì Mỹ đã tăng thêm 20% trước đó. Trong khi đó, Singapore, quốc gia duy nhất trong khối ASEAN có thặng dư thương mại với Mỹ, chỉ phải chịu mức thuế 10%.
Theo các nhà quan sát, mức thuế cao này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu tại khu vực, đặc biệt là các ngành hàng có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ như dệt may, điện tử, nông sản và linh kiện công nghệ. Nhiều doanh nghiệp sẽ phải xem xét lại chiến lược kinh doanh, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc chuyển hướng sản xuất để giảm thiểu tác động.
Nguyên nhân sâu xa của chính sách thuế quan mới
Thuế quan đối xứng là một chiến thuật phổ biến trong các tranh chấp thương mại song phương. Tuy nhiên, việc áp dụng bộ thuế quan này với phạm vi rộng lớn – tác động đến nhiều khu vực khác nhau – đã khiến đây trở thành một động thái chưa từng có.
Tổng thống Trump cũng đặt ưu tiên vào giảm thâm hụt thương mại của Mỹ (tức là khi lượng nhập khẩu của một quốc gia vượt quá lượng xuất khẩu), coi đây là một giải pháp cho các vấn đề kinh tế. Năm ngoái, Mỹ đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng hóa kỷ lục là 1,21 nghìn tỷ USD. Tổng thâm hụt thương mại hàng năm của Mỹ đối với toàn bộ hàng hóa và dịch vụ là 918,4 tỷ USD. Các mức thâm hụt thương mại hàng hóa lớn nhất của Mỹ là với Trung Quốc (295,4 tỷ USD), Liên minh châu Âu (235,6 tỷ USD), Mexico (171,8 tỷ USD) và Ireland (86,7 tỷ USD).
Tất cả những vấn đề này đã trở thành trọng tâm trong chính sách kinh tế của ông Trump. Sắc lệnh hành pháp của ông vào ngày 2/4 đã nhiều lần nhấn mạnh về thâm hụt thương mại hàng hóa “lớn và dai dẳng” cùng “sự bất cân xứng về mặt cấu trúc” đã thúc đẩy tình trạng này. Ông cũng chỉ trích sự mất cân bằng thương mại là nguyên nhân dẫn đến suy giảm năng lực sản xuất và việc làm của Mỹ, làm cho ngành công nghiệp quốc phòng của nước này trở nên phụ thuộc vào các đối thủ nước ngoài.
“Đó là tuyên ngôn độc lập kinh tế của chúng ta. Trong nhiều năm, những công dân Mỹ chăm chỉ đã buộc phải ngồi ngoài cuộc khi các quốc gia khác trở nên giàu có và mạnh mẽ, phần lớn là do chúng ta gây ra. Nhưng giờ đây, đến lượt chúng ta thịnh vượng”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.
Phản ứng từ châu Á
Nhà máy thép của Tập đoàn POSCO Holdings tại Pohang, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngay sau công bố của ông Trump, Trung Quốc tuyên bố sẽ có biện pháp đối phó, có thể bao gồm các biện pháp trả đũa như tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ hoặc áp đặt các quy định kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn.
Ấn Độ đang xem xét tác động lên các ngành nội địa, đồng thời cân nhắc đàm phán với Mỹ để giảm bớt tác động tiêu cực.
Nhật Bản đã yêu cầu được miễn trừ và bày tỏ lo ngại về sự tuân thủ theo quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hàn Quốc nhanh chóng thiết lập các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và bắt đầu đàm phán với Mỹ nhằm tìm kiếm một giải pháp có lợi hơn.
Các quốc gia Đông Nam Á - bao gồm Thái Lan và Indonesia - cũng đang đánh giá tác động đối với ngành xuất khẩu. Một số nước có thể điều chỉnh chính sách tiền tệ hoặc hỗ trợ tài chính cho các ngành bị ảnh hưởng nhằm giảm tác động tiêu cực.
Dự báo tác động kinh tế
Theo các nhà kinh tế, mức thuế quan cao có thể dẫn đến lạm phát và giảm tăng trưởng kinh tế tại Mỹ. Việc hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn sẽ làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi các doanh nghiệp sẽ trì hoãn đầu tư do sự bất định trong thương mại.
Ông Tai Hui, chiến lược gia thị trường của JP Morgan Asset Management tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết mức thuế quan cao này đã gây lo ngại về lạm phát và rủi ro tăng trưởng. Ông cho rằng lạm phát có thể gia tăng khi Mỹ đang gặp khó khăn trong việc tăng cường năng lực sản xuất, trong khi chuỗi cung ứng chuyển giao chi phí cho người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng Mỹ có thể cắt giảm chi tiêu do hàng nhập khẩu đắt hơn và các doanh nghiệp có thể trì hoãn chi tiêu vốn trong bối cảnh không chắc chắn về tác động toàn diện của thuế quan và khả năng trả đũa từ các đối tác thương mại”, ông nói thêm.
Tại châu Á, thuế quan cao không chỉ tác động trực tiếp mà còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Mỹ, hai đối tác thương mại quan trọng nhất trong khu vực. Khi Trung Quốc gặp khó khăn trong xuất khẩu sang Mỹ, nhu cầu về nguyên vật liệu và linh kiện từ các quốc gia khác cũng sẽ giảm, gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Philip Wee, chiến lược gia ngoại hối cấp cao của Ngân hàng DBS, nhận định rằng chính sách thuế quan đối xứng đối với các nền kinh tế mới nổi ở châu Á là rất cao.
Tuy nhiên, ông Wee cũng cho biết Tổng thống Trump đã ngầm ra tín hiệu rằng ông sẵn sàng đàm phán bằng cách thiết lập “thuế quan đối xứng giảm giá”. Ông giải thích rằng các mức thuế này vẫn thấp hơn so với thuế mà các đối tác thương mại áp dụng đối với hàng hóa của Mỹ, khi tính đến việc thao túng tiền tệ và các rào cản thương mại.
Nguồn Báo Tin tức