Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trải qua hơn nửa thế kỷ, trong dòng chảy lịch sử ấy, có một thế hệ mãi được lớp người sau nhớ đến và tri ân: những thanh niên xung phong đã gửi trọn tuổi thanh xuân để cùng viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.

Tháng tư về, Tây Ninh như vang vọng âm hưởng hào hùng của một thời khói lửa. Từ mảnh đất vùng biên Bến Cầu- nơi những thanh niên xung phong quả cảm sát cánh cùng bộ đội mở đường, tải đạn, cáng thương giữa bom rơi lửa đạn đến Căn cứ Trung ương Cục miền Nam- “thủ đô kháng chiến” kiên cường.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, trong dòng chảy lịch sử ấy, có một thế hệ mãi được lớp người sau nhớ đến và tri ân: những thanh niên xung phong đã gửi trọn tuổi thanh xuân để cùng viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Du khách chụp ảnh bên công trình kiến trúc Bức tranh hoành tráng.
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, hơn 300 cán bộ, đội viên là cựu thanh niên xung phong trở lại vùng biên Bến Cầu, thắp nén nhang tri ân những đồng đội đã ngã xuống. Giữa không gian trang nghiêm của khu tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh tại xã Long Phước, họ lặng lẽ ôn lại quá khứ.
Ngày 28.3.1976, hơn 10.000 thanh niên đầy nhiệt huyết đã lên đường đến những vùng đất hoang sơ, khắc nghiệt nhất, nơi từng là “vành đai trắng” để biến chúng thành những khu kinh tế mới tràn đầy sức sống, trong đó có Tây Ninh.
Lực lượng Thanh niên xung phong đã đào những con kênh, tháo phèn, chống úng, tưới tiêu, đắp đê, gia cố hệ thống thuỷ lợi, đắp bờ đê ngăn mặn, đắp đập. Nhờ đó, những nông trường trồng hoa màu, lương thực lần lượt xuất hiện, phủ xanh những vùng đất trắng bị đạn bom tàn phá.
Cựu Thanh niên xung phong và cán bộ, đội viên lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh dành một phút mặc niệm đồng đội tại khu tưởng niệm.
Năm 1977, tập đoàn phản động Pol Pot - Ieng Sary đã liên tục tấn công Việt Nam, sát hại dã man người dân, gây ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đẫm máu, xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Một lần nữa, lực lượng Thanh niên xung phong lại tiên phong xung trận.
Có những lá đơn viết bằng máu xin ra chiến trường, có những lời hứa nguyện dâng trọn tuổi thanh xuân cho đất nước. Không chỉ tham gia mở đường, tiếp tế lương thực, xây dựng công sự phòng thủ, họ còn trực tiếp sát cánh cùng bộ đội, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trên mảnh đất biên giới Tây Ninh, 99 cán bộ, đội viên Thanh niên xung phong đã ngã xuống, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Những cựu phóng viên chiến trường trở lại mảnh đất Tân Biên
Cũng trong thời điểm tròn 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), đoàn cựu phóng viên chiến trường Thông tấn xã Giải phóng trở về Tây Ninh trong hành trình tri ân và hoài niệm.
Họ dừng chân tại Khu di tích Thông tấn xã Giải phóng - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, nơi từng là “đại bản doanh” của những người cầm bút kiên trung giữa lửa đạn chiến trường.
Du khách tham quan Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Tại bia tưởng niệm, ký ức một thời như sống dậy. Đó là 15 năm (1960-1975) gian khổ mà hào hùng khi từng dòng tin, bức ảnh được chuyển đi trong khói lửa, phản ánh chân thực cuộc kháng chiến khốc liệt đến nhân dân toàn thế giới. Có 265 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đã mãi mãi nằm lại nơi này, hoà mình vào đất mẹ để dòng chảy thông tin không bao giờ đứt đoạn.
Trở lại sau nửa thế kỷ, những phóng viên chiến trường năm xưa, những cựu Thanh niên xung phong không khỏi xúc động trước sự đổi thay mạnh mẽ của Tây Ninh.
Mảnh đất từng oằn mình dưới bom đạn nay bừng sáng với những công trình hiện đại, những con đường thênh thang, biểu tượng của sự phát triển bền vững. Chuyến đi không chỉ là hành trình về nguồn, mà còn là lời nhắc nhở đầy tự hào về quá khứ kiên cường và tương lai rạng rỡ của quê hương.
Khu tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu.
Giữa không gian xanh thẳm của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, những người trở về lặng lẽ đặt tay lên bia đá, mắt nhoè đi trước những cái tên mãi mãi dừng lại ở tuổi thanh xuân. Trong sự đổi thay hôm nay, nhưng người cựu thanh niên xung phong như thấy có bóng hình của đồng đội năm xưa.
Tây Ninh hôm nay đã vươn lên mạnh mẽ, phát triển không ngừng, nhưng vẫn gìn giữ trọn vẹn giá trị lịch sử. Tháng tư, về Tây Ninh, không chỉ để tưởng nhớ quá khứ, mà còn để tự hào về một tương lai rạng rỡ cùng những mùa hoa bình yên và thịnh vượng.
Phan Dương