Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Triển khai Trung tâm IOC: Tránh rủi ro và lãng phí
Thứ tư: 15:44 ngày 20/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sở Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các sở, ngành, địa phương không nóng vội, tránh rủi ro và lãng phí trong triển khai Trung tâm IOC tại sở, ngành, địa phương.

Hiện tại, Trung Tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh đi vào vận hành cơ bản ổn định, tích hợp 21 bộ chỉ tiêu ngành, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.

Không nóng vội

Trung tâm điều hành thông minh (IOC - Intelligent Operation Center) được ví như “bộ não số điều hành số” của các địa phương với khả năng tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có cùng các phần mềm điều khiển trung tâm, tạo ra một cái nhìn toàn cảnh về tỉnh, thành phố trên mọi lĩnh vực.

Ngày 27.6.2023, UBND tỉnh ban hành Công văn 1947 về triển khai ICT phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC), yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ khuyến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) trong quá trình thực hiện xây dựng IOC ngành, địa phương.

Theo Sở TT-TT, thời gian qua đã có một số sở, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, đề án hoặc thí điểm xây dựng trung tâm giám sát, điều hành (IOC). Điều này thể hiện, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã có sự quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh ở địa phương. 

Tuy nhiên, các IOC chủ yếu tiếp nhận chia sẻ dữ liệu thống kê từ IOC tỉnh, bổ sung thêm việc quản lý, giám sát hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự tại địa phương và một số ít dữ liệu riêng của ngành, địa phương. Sở TT-TT đề nghị các đơn vị, địa phương nghiên cứu kỹ Công văn 2333 của Bộ TT-TT, UBND tỉnh; đồng thời quan tâm chỉ đạo thực hiện, tránh rủi ro và lãng phí khi triển khai đầu tư xây dựng trung tâm IOC ở các ngành, địa phương khi chưa có nguồn dữ liệu lớn, xác định rõ mô hình IOC khi triển khai. Không nóng vội, không triển khai trung tâm IOC khi chưa xác định rõ sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu cụ thể, chưa bảo đảm sẵn sàng các yếu tố cần thiết cho việc duy trì, vận hành và khi chưa có nguồn dữ liệu đủ lớn để tích hợp về Trung tâm IOC.

Lãnh đạo Sở TT-TT cho biết mô hình tổng thể của trung tâm IOC cho phép tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của ngành và địa phương trên tất cả các lĩnh vực.

Qua đó, giúp lãnh đạo các cấp có khả năng giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ do ngành, địa phương cung cấp một cách tổng thể, có khả năng phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định, mang đến hiệu qủa, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội.

Cần có sự quan tâm đúng mức

Theo ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở TT-TT, hiện nay, nhiều ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc hình thành hạ tầng dữ liệu, chưa có kế hoạch tạo lập dữ liệu, trong khi dữ liệu là yếu tố cốt lõi của Trung tâm IOC. Các chức năng thông minh như phân tích dữ liệu lớn để hỗ trợ ra quyết định sẽ được thực hiện trên nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu mà tỉnh đang đầu tư phục vụ dùng chung. 

Các ngành, địa phương chỉ nên chú trọng tạo lập dữ liệu để hình thành nên các trung tâm điều hành (OC) ngành, địa phương, tích hợp dữ liệu về trung tâm IOC của tỉnh để phân tích và chia sẻ kết quả về lại cho ngành và địa phương quản lý, điều hành. Khi nào dữ liệu ngành, địa phương đủ lớn thì mới tính đến việc xây dựng IOC riêng. 

“Hiện nay, trung tâm IOC của tỉnh đã chia sẻ dữ liệu cho địa phương, cấp tài khoản, phân quyền cho các địa phương xem số liệu của địa phương như: số liệu hành chính công, y tế, giáo dục, đầu tư công, môi trường, hệ thống camera an ninh và giao thông... Tuy nhiên, dữ liệu tích hợp về của các địa phương rất ít, gần như chưa có”- Giám đốc Sở TT-TT cho biết.

Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung tỉnh Tây Ninh.

Lãnh đạo Sở TT-TT khuyến nghị giai đoạn 2024-2025, nên tập trung vào tạo lập dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành như: đầu tư nền tảng số để thu thập, tổng hợp các dữ liệu ở địa phương; đầu tư các hệ thống giám sát thông minh, camera giám sát các hoạt động, hạ tầng giao thông, đèn chiếu sáng, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch... hình thành các trung tâm OC ngành, địa phương. 

Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục tạo lập dữ liệu cho trung tâm OC. Khi dữ liệu đủ lớn sẽ hình thành các trung tâm điều hành IOC ngành, địa phương. 

Bên cạnh đó, hệ thống màn hình hiển thị (dashboard) chỉ giúp hiển thị thông tin, dữ liệu một cách trực quan trên hệ thống màn hình lớn để dễ dàng quan sát, phù hợp 3 với việc giám sát, điều hành các hoạt động thường ngày của đô thị gắn với hiện trường như: giám sát giao thông, an ninh trật tự... Các ngành, địa phương cần cân nhắc việc triển khai phòng giám sát, điều hành với hệ thống dashboard quy mô lớn nếu chỉ hiển thị các thông tin, dữ liệu mang tính thống kê, tổng hợp.

“Dữ liệu các ngành đa số chưa bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”. Các sở, ngành, địa phương phải chủ động xác định bài toán cụ thể khi triển khai trung tâm OC để giải quyết các vấn đề mang tính đặc thù, đặc trưng của ngành, địa phương, đô thị, không phụ thuộc vào các sản phẩm, giải pháp sẵn có của doanh nghiệp.

Chủ động xác định bài toán để đặt hàng với doanh nghiệp công nghệ và làm chủ công nghệ, làm chủ các nguồn dữ liệu khi triển khai trung tâm OC”- Giám đốc Sở TT-TT khuyến nghị.

Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tây Ninh.

Phát triển đô thị thông minh

Xác định, việc xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính gắn với việc chuyển đổi số của tỉnh, đặc biệt là ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình, quyết định làm cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Hiện tại, ngoài Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, Phòng Chỉ huy điều hành đô thị thông minh (IOC, vận hành tháng 4.2024) thị xã Hoà Thành được xem là “bộ não số” của Thị uỷ, UBND Thị xã; IOC thị xã Trảng Bàng đang tiến hành nghiệm thu, IOC thành phố Tây Ninh đang trình đề án thành lập.

IOC của tỉnh đã đi vào vận hành cơ bản ổn định, tích hợp, cung cấp được số liệu, dữ liệu về chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dữ liệu của một số ngành, lĩnh vực phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh.

Tích hợp 21 bộ chỉ tiêu ngành gồm: thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; nông nghiệp và phát triển nông thôn; lao động, thương binh và xã hội; văn hoá - thể thao và du lịch; ngân hàng nhà nước; giao thông vận tải; công thương; tư pháp, thanh tra; giáo dục, tài chính, xây dựng... 

 Sở TT-TT cũng đã phối hợp Công an tỉnh thực hiện tích hợp về IOC theo Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (mô hình 36 và 39 của Kế hoạch 373 năm 2024 của Tổ công tác Đề án 06).

Nghị quyết số 02 của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đề ra chỉ tiêu: “... có tối thiểu 2 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh...”.

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2087 phê duyệt Đề án thí điểm chuyển đổi số và xây dựng thị xã Hoà Thành trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định 939 phê duyệt Đề án thí điểm chuyển đổi số và xây dựng thành phố Tây Ninh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Tâm Giang

Tin cùng chuyên mục