Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cùng với phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, trên địa bàn xã Phước Chỉ đã thành lập nhiều hợp tác xã, quy tụ nhiều nông dân tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho nông sản.
Ông Nguyễn Văn Mấy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bìa phải) tham quan mô hình nuôi cá rô trong ruộng lúa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phước Bình
Là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với hơn 3.900 ha lúa, sản lượng 23.796 tấn/năm. Xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng có tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phụ thuộc nhiều vào thương lái khiến cho việc sản xuất của nông dân luôn trong tình trạng bấp bênh, không ổn định kinh tế và đời sống.
Cùng với phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, trên địa bàn xã Phước Chỉ đã thành lập nhiều hợp tác xã, quy tụ nhiều nông dân tham gia liên kết sản xuất với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho nông sản.
HTX làm đầu mối liên kết
Với mong muốn tập hợp nhiều hộ nông dân trên địa bàn cùng tham gia sản xuất các loại giống lúa xác nhận, lúa thương phẩm; cung ứng vật tư nông nghiệp và đầu mối liên kết với các doanh nghiệp, tìm đầu ra ổn định cho hạt lúa, HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình được thành lập vào năm 2018, ban đầu, HTX có sự tham gia của 30 thành viên, với khoảng 60 ha chuyên sản xuất lúa chất lượng cao.
Ông Cao Văn Thả- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình cho biết, từ khi thành lập, HTX đã làm tốt vai trò là đầu mối tổ chức sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra ổn định để các thành viên an tâm sản xuất. Đến nay, tổng số thành viên của HTX đã tăng lên gấp đôi với tổng diện tích đất sản xuất hơn 274 ha.
Từ năm 2019 đến nay, HTX thực hiện các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Công ty Lộc Trời), với tổng diện tích sản xuất mỗi vụ khoảng 100 ha các giống lúa chất lượng cao như IR 5451, OM 18… với giá bán sau thu hoạch được cam kết ngay từ đầu vụ. Ngoài ra, từ vụ Đông Xuân 2021-2022 đến nay, HTX đã ký hợp đồng sản xuất lúa chất lượng cao: ST 25, OM 18 với Công ty cổ phần sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt (Công ty Lúa Vàng Việt) với tổng diện tích khoảng 174 ha. Để bảo đảm chất lượng và dễ dàng trong việc chăm sóc, quản lý dịch bệnh trên đồng ruộng, HTX vận động các thành viên xuống giống đồng loạt cùng một loại giống trên một diện tích lớn, thuận tiện trong việc thu hoạch lúa của bà con nông dân.
Ông Lê Văn Em, ngụ ấp Phước Bình, xã Phước Chỉ là thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình cho biết, gia đình ông hiện có khoảng 2,5 ha lúa mới gieo được khoảng 10 ngày, giống ST25 được HTX đứng ra ký hợp đồng với Công ty Lúa Vàng Việt.
Theo ông Em, khi tham gia HTX, người nông dân chỉ việc lo chăm sóc lúa theo hướng dẫn, đến khi thu hoạch thì toàn bộ lúa được thu mua nên không còn phải lo chuyện lúa giống kém chất lượng, vật tư nông nghiệp giả hay phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi bán lúa như trước đây.
Theo ông Thả, bên cạnh là đầu mối liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp, HTX còn đứng ra thành lập đại lý phân phối lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm chất lượng đến tận tay các thành viên.
“Trước khi bắt đầu vào vụ sản xuất, Ban quản trị HTX sẽ liên hệ và làm việc với các đơn vị liên kết để biết nhu cầu từng loại lúa và thoả thuận giá sàn sau khi thu hoạch để triển khai cho các thành viên. Sau đó, HTX đứng ra làm đầu mối nhận giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để phân phối cho các thành viên với giá bằng hoặc rẻ hơn thị trường từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/sản phẩm, giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư, tăng thêm lợi nhuận sản xuất”- ông Thả chia sẻ thêm.
Cùng trên địa bàn xã Phước Chỉ, HTX dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phước Chỉ (HTX Phước Chỉ) được thành lập từ cuối năm 2018, là nơi tập hợp của hơn 30 thành viên, với hơn 90 ha tại khu vực biên giới ấp Phước Hưng, xã Phước Chỉ, chuyên sản xuất nếp giống (IR 4625). Ngoài ra, HTX khuyến khích các thành viên phát triển chăn nuôi với tổng đàn trên 60 con bò, nhằm tận dụng nguồn cỏ trên bờ ruộng, tránh sử dụng thuốc diệt cỏ ảnh hưởng môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng lúa, nếp của HTX.
Mô hình thí điểm nuôi cá trong ruộng lúa của HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình
Ông Nguyễn Văn Tấn- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Phước Chỉ cho biết, ngay từ khi thành lập, HTX đã ký kết hợp đồng liên kết với các nhà máy ở Long An, theo đó, khi bắt đầu vụ sản xuất mới, các thành viên của HTX được nhà máy phân phối giống và hỗ trợ sản xuất mỗi héc-ta là 5 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, toàn bộ nếp của HTX được tập hợp về một điểm để nhà máy đến thu mua với giá bán bảo đảm bằng hoặc cao hơn giá thị trường.
Theo ông Tấn, từ đầu năm 2022 đến nay, giá nếp của HTX luôn duy trì ở mức từ 6.000 đồng đến 8.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí đầu tư và tiền hỗ trợ từ đầu vụ, mỗi héc-ta nếp người trồng lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ. Bên cạnh việc giúp các thành viên trong HTX yên tâm sản xuất, ông Tấn còn đứng ra thu mua lúa, nếp khoảng 150 ha của của bà con nông dân vùng giáp ranh biên giới của các xã Phước Chỉ, Phước Bình (thị xã Trảng Bàng) và một số địa phương của huyện Bến Cầu.
Mô hình mới, nhưng còn thiếu đầu ra
Được sự hỗ trợ và chuyển giao của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ đầu năm 2022, HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá xen canh trên ruộng lúa, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Ông Cao Văn Thả- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình cho biết, vụ Hè Thu năm 2022 vừa qua, HTX đã nhận chuyển giao từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh khoảng 35.000 con cá rô giống để thả xen canh trong 0,5 ha ruộng lúa, sau 3 tháng vừa canh tác lúa vừa nuôi cá, đến cuối vụ, HTX còn thu hoạch trên 3,5 tấn cá rô đồng thương phẩm, lợi nhuận từ 35 đến 40 triệu đồng.
Theo ông Thả, mô hình nuôi cá xen canh trên ruộng lúa bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao (lợi nhuận gấp 3 lần trồng lúa thông thường) nhờ tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa. Vì thế, mô hình được nhiều thành viên trên địa bàn đề nghị nhân rộng trong thời gian tới.
Mặc dù hiệu quả bước đầu của mô hình đã thấy rõ, nhưng vấn đề đặt ra khi nhân rộng mô hình này chính là tìm đầu ra ổn định cho sản lượng cá sau thu hoạch, vì theo ông Thả, hiện nay mô hình mới chỉ áp dụng thử nghiệm trên diện tích nhỏ (0,5 ha), sản lượng cá thu được chưa nhiều, chủ yếu bán cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn.
Minh Dương