Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo định hướng chuyển đổi cây trồng, những năm qua, ở các khu vực đất ruộng gò trồng lúa kém hiệu quả tại xã Tân Phong (huyện Tân Biên), nhiều hộ nông dân chuyển sang xen canh rau màu, cây dược liệu như: kim tiền thảo, trinh nữ hoàng cung…
Người dân trao đổi kinh nghiệm trồng cây trinh nữ hoàng cung.
Đặc biệt, thời gian gần đây, một số hộ chuyên canh cây trinh nữ hoàng cung thu nhiều lợi nhuận hơn các loại rau màu và cây trồng truyền thống khác.
Hơn 20 năm trước, ở xã Tân Phong đã xuất hiện những hộ trồng cây thảo dược trinh nữ hoàng cung, đến nay, số hộ trồng tăng dần, với hơn 10 hộ trồng tổng diện tích trên 15 ha, mang lại thu nhập ổn định ở mức cao. Tổ liên kết trồng cây trinh nữ hoàng cung cũng được thành lập và đang hoạt động ổn định; hiện tổ có nhu cầu vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất.
Được biết, cây trinh nữ hoàng cung là dược liệu quý có nguồn gốc Ấn Độ, được sử dụng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền, bào chế ra nhiều loại thuốc hỗ trợ điều trị những chứng bệnh nan y. Trên thị trường, sản phẩm lá khô từ cây trinh nữ hoàng cung có giá tương đối cao. Trinh nữ hoàng cung là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, tuy giá đầu tư ban đầu khá cao, nhưng mau cho thu hoạch. Từ 35 ngày sau khi xuống giống, cây có thể thu hoạch đợt đầu tiên. Cách sơ chế cũng đơn giản, cắt lá phơi khô tại ruộng là có thể bán cho thương lái.
Củ giống cây trinh nữ hoàng cung có mức giá khá cao, từ 5.000 – 6.000 đồng/củ.
Sau đợt thu hoạch đầu tiên lúc 35 ngày tuổi, mỗi tháng tiếp theo, cây cho thu hoạch 1 lần. Đặc biệt, từ 2 năm tuổi, cây trinh nữ hoàng cung bắt đầu cho rất nhiều lá, độ tuổi này, mỗi tháng người trồng có thu nhập 70 triệu đồng/ha, với khoảng thu nhập này, đang hấp dẫn nhiều hộ nông dân trong vùng.
Gia đình anh Nguyễn Văn Minh (ấp Gò Cát, xã Tân Phong, huyện Tân Biên) cho biết, trước đây gia đình chuyên trồng lúa, với diện tích 4.000m2, nhưng cây lúa cho thu nhập không ổn định, sau đó gia đình anh mang giống cây trinh nữ hoàng cung về trồng trên đất ruộng cho đến nay. Anh Minh khẳng định vốn đầu tư trồng cây dược liệu này khá cao, không dưới 100 triệu đồng/ha, nhưng lợi nhuận mang về cao hơn so với trồng lúa, trồng mì và cao hơn trồng cây cao su.
Một trong những hộ đầu tiên trồng cây trinh nữ hoàng cung ở địa phương là gia đình anh Đỗ Hồng Ân (ngụ ấp Gò Cát). Anh Ân cho biết, trước kia, gia đình từng chuyên canh cây lúa, chuyển sang trồng mì, trồng cao su… nhưng thu nhập không cao. Sau đó, gia đình anh quyết định chuyển sang trồng cây trinh nữ hoàng cung cho đến nay.
Nhiều năm trước, giống cây trinh nữ hoàng cung có giá rất cao, từ 3.000-3.500 đồng/củ, gia đình anh bắt đầu gây ra nhiều củ giống để bán và mang lại thu nhập ổn định. Hiện tại, giống cây trinh nữ hoàng cung đã lên mức giá khá cao, từ 5.000 – 6.000 đồng/củ.
Anh Ân cho biết, giống cây này dễ trồng, sau khi dọn đất, cắt hàng, bón lót một ít phân lân theo hàng, đặt củ trinh nữ hoàng cung xuống, hơn 1 tháng sau sẽ có đợt thu hoạch đầu tiên.
Người dân chăm sóc cây trinh nữ hoàng cung.
Là giống cây trồng “không kén đất”, hầu như cả vùng đất Tân Phong đều trồng được, nhưng nếu trồng trên đất đen thì loài cây này phát triển mạnh hơn. Cách thu hoạch cũng rất đơn giản, thuê công cắt lá, trải đều lá ra phơi khô ngay tại ruộng, sau đó sẽ có thương lái từ nhiều nơi đến thu mua, cây trinh nữ hoàng cung chưa bao giờ “ế hàng”.
Ông Đặng Thế Phương- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phong cho biết, người dân sử dụng vốn vay từ nguồn giải quyết việc làm đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trong đó có một số hộ nuôi bò, trồng trinh nữ hoàng cung có hiệu quả.
Đánh giá cao mô hình trồng cây thảo dược trinh nữ hoàng cung ở xã Tân Phong, Hội Nông dân huyện Tân Biên cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ trồng thảo dược nói riêng, các hộ trồng trọt, chăn nuôi nói chung tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi khi họ có nhu cầu và đủ điều kiện vay theo quy định phía ngân hàng.
Nhi Trần