Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hiện nay, dưới dòng kênh Tây, đoạn từ cầu K18 xuống hạ lưu không còn hiện tượng có nhiều loài cá bị chết, nhưng có nhiều rác thải và xác động vật nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Lục bình, cỏ dại và rác thải sinh hoạt bị ứ đọng lại dưới chân cầu bê tông bắc qua dòng kênh Tây.
Như Báo Tây Ninh đã đưa tin, trong 2 ngày 9 và 10.4, dưới dòng kênh Tây, đoạn từ cầu K18 xuống hạ lưu có nhiều loài cá bị chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Trước tình hình này, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam đã xử lý bằng cách mở cổng số 2 để tăng lưu lượng xả nước vào kênh và lấy mẫu nước ở một số nơi xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân.
Ông Trần Quang Hùng- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Miền Nam (tiền thân là Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà) cho biết đến ngày 19.4, chưa có kết quả xét nghiệm, vì thế chưa biết rõ nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết dưới dòng kênh Tây.
Sáng 19.4, trở lại dòng kênh này, phóng viên ghi nhận, dưới dòng kênh nước khá trong, chảy chậm xuống hạ lưu, không còn hiện tượng cá chết. Hai bên bờ kênh, một số người dân bắt đầu câu cá trở lại. Ông Út, một “cần thủ” chuyên nghiệp ở đây cho biết: “Khoảng 5 ngày gần đây, dưới kênh không còn hiện tượng cá chết. Tôi câu liên tiếp 3 ngày nay, dính được một số cá mè”. Quan sát kỹ sát hai bên mép nước, có nhiều đàn cá con tung tăng bơi lượn. Thỉnh thoảng có một số cá lóc nhỏ bằng ngón chân cái vào bờ kiếm ăn.
Tại chân cầu bê tông bắc qua dòng kênh Tây, dẫn vào Khu du lịch sinh thái Long Điền Sơn, có lục bình, cỏ dại và rác thải sinh hoạt bị ứ đọng. Trên bờ kênh, gần đầu cầu một núi hỗn hợp các loại lục bình, cỏ dại và rác thải sinh hoạt vừa được vớt lên. Ước tính, núi rác thải này nặng cả trăm tấn, trải dài cả trăm mét. Ông Bùi Văn Ấu- Đội trưởng Đội quản lý kênh Tây cho biết, đống rác hỗn hợp vài được vớt lên khoảng 1 tuần trước và tạm thời chất đống ở đó, chờ cho chúng khô héo, ráo nước bớt rồi sẽ chở đi nơi khác tiêu huỷ. Nạo vét kênh mương, trục vớt rác, xử lý rong bèo là những hoạt động thường xuyên hằng năm của đơn vị, nhằm bảo đảm dòng chảy thông thoáng, cung cấp đủ nguồn nước sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt.
Hai bên bờ kênh, một số người dân bắt đầu câu cá trở lại.
Mặc dù hiện tại, không còn hiện tượng cá chết dưới kênh Tây, nhưng điều đáng lo ngại là ở gần cầu K18, có xác một cá thể chó khá to, chết sình, trôi nổi bồng bềnh trên mặt nước. Từ xác động vật này, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nhiều người dân tham gia giao thông trên bờ kênh phải đưa tay lên che mũi, miệng khi di chuyển ngang đoạn này.
Ông Bùi Văn Ấu cho biết thêm, những năm qua, dọc theo tuyến kênh Tây thường xuyên xảy ra việc người dân địa phương hay lén lút vứt nhiều xác động vật, rác thải sinh hoạt xuống dòng kênh. Nơi nào có dân cư càng đông thì càng có nhiều rác thải dưới kênh. Khi phát hiện, xác động vật dưới kênh,
Đội quản lý kênh Tây phải xử lý bằng cách vớt lên, xử lý bằng cách rắc vôi bột để khử khuẩn và đào hố chôn lấp theo quy định. Đội trưởng Đội quản lý kênh Tây cho hay: “Anh em chúng tôi đã vớt nhiều loại xác động vật như chó, mèo gà, vịt, heo và nhiều bao ni-lông đựng rác thải sinh hoạt dưới dòng kênh. Khi thấy những bao rác thải sinh hoạt để trước bờ kênh, chúng tôi đã vào nhà dân tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được vứt rác xuống kênh, nhưng họ vẫn lén lút quăng xuống”.
Trên bờ kênh một núi hỗn hợp trải dài cả trăm mét vừa được vớt lên từ dòng kênh Tây
Theo ông Ấu, việc quăng xác động vật và rác thải sinh hoạt xuống dòng kênh sẽ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, nhiều khả năng gây lây lan dịch bệnh và vi phạm quy định. Người dân địa phương cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước.
BOX: Theo Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y nêu rõ, đối với hành vi vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường thì người vi phạm bị phạt tiền từ 5-6 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc tiêu huỷ động vật, sản phẩm động vật, xác động vật và sản phẩm của chúng. Mức phạt tiền quy định nêu trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Thậm chí người vi phạm có thể bị xử lý hình sự các tội về môi trường theo quy định tại Chương 19 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Đại Dương