Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Những ngày qua, nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin việc TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và một vài địa phương tổ chức bốc thăm chọn ngẫu nhiên một tỷ lệ cán bộ nhất định để xác minh tài sản, thu nhập.
Đây là những cán bộ thuộc diện xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Vậy, có gì ồn ào khiến dư luận quan tâm đến việc làm bình thường đó?
Kê khai tài sản vốn là việc bình thường, một quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, người có nghĩa vụ phải ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm hằng năm của mình. Điều quan trọng nhất của người phải kê khai tài sản là tính trung thực và sự minh bạch.
Việc xác minh kê khai tài sản của người phải kê khai đáng ra cũng chẳng có gì phải ồn ào bởi đây là công việc thường xuyên theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30-10-2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, đây là việc kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai và xem xét, đánh giá, kết luận của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục quy định luật pháp về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai. Trên thế giới, hầu hết quốc gia đều có quy định này, trong đó ở nhiều quốc gia, việc kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản đối với công chức, với người giữ những vị trí nhất định ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp rất được coi trọng. Thậm chí, nó còn được xem là một tiêu chí để đánh giá sự minh bạch, liêm chính của cán bộ thuộc cơ quan công quyền hoặc là tiêu chí để cất nhắc, bổ nhiệm vào các vị trí.
Ảnh minh họa / Dangconsan.vn
Dù vậy, những năm qua, kê khai tài sản và xác minh kê khai tài sản vẫn bị xem là mắt xích yếu trong công tác quản lý cán bộ của chúng ta. Bởi thế, mỗi lần đề cập đến việc này lại gây ồn ào dư luận.
Nó vốn ồn ào bởi lâu nay, nhiều người không tin hoặc chưa tin một số bản kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện phải kê khai. Có những cán bộ tài sản tăng nhanh bất thường nhưng lại chưa được thể hiện đầy đủ, minh bạch số tài sản tăng thêm đó trong bản kê khai của họ. Việc giải trình tài sản tăng thêm thì theo kiểu "đánh bùn sang ao". Khi có vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật phải xử lý, phải truy thu, phải đền bù do cán bộ vi phạm đó gây ra, cơ quan thực thi đã không thể thực hiện bởi nhiều tài sản có giá trị lớn được cho là của người đó đã bị tẩu tán, đứng tên người khác. Phải nói rằng, nhiều người "rất có nghề" trong việc che giấu tài sản, nhất là những tài sản được xem là bất minh, bất thường.
Ngay sau khi một số địa phương có chủ trương tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh kê khai tài sản của cán bộ, dư luận đã quan tâm, chú ý. Nếu việc này làm tốt, sẽ giúp cho mỗi cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản có nhận thức đúng để có một bản kê khai trung thực. Bất kỳ ai cũng có thể bị cơ quan chức năng tổ chức xác minh tài sản của họ nếu “lá thăm may rủi" rơi vào. Làm được thế, những bản kê khai tài sản vốn để cho có, kê khai hình thức, thiếu trung thực sẽ giảm dần. Nó cũng giúp cho một việc làm từng bị xem là hình thức, ngụy biện, tốn giấy mực trở nên thiết thực, vô cùng cần thiết và có giá trị. Nếu tài sản của người phải kê khai là chính đáng, nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, đúng pháp luật thì không có gì phải băn khoăn, thậm chí nó càng làm tăng uy tín của cán bộ. Điều này cũng khiến cho bất cứ ai cố tình che giấu tài sản, nhất là những tài sản bị xem là bất thường sẽ không thực hiện được ý đồ của mình. Việc xác minh tốt sẽ giúp cho công tác ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Dư luận rất đồng tình với một cách làm thể hiện sự minh bạch, công bằng, đồng thời thể hiện tính hiệu quả trong công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức.
Nguồn qdnd