Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Lấy người dân làm trung tâm
Thứ hai: 08:45 ngày 11/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi nội dung 2 của chỉ tiêu 2, tiêu chí 3 Thông tư số 09/2021/TT-BTP.

Phòng Tư pháp huyện Tân Biên phối hợp Hội Phụ nữ xã Tân Phong tổ chức tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình cho người dân.

Hiện nay, việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh Đảng, Nhà nước chủ trương xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, hướng tới mục tiêu cao nhất là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng.

Thực hiện đồng bộ từ cơ sở

Theo UBND tỉnh, địa phương đã tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đúng theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15.11.2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. UBND xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai việc tự chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, quyết định công nhận 92/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (tăng 1 xã so với năm 2022).

Trong năm, Sở Tư pháp cấp phát 140 quyển sổ tay hướng dẫn công tác chuẩn tiếp cận pháp luật do Bộ Tư pháp biên soạn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương; biên soạn, in ấn và phát hành 60.000 tờ gấp hỏi - đáp pháp luật cho người dân trên địa bàn; tổ chức 1 hội nghị tập huấn nghiệp vụ chuẩn tiếp cận pháp luật; tổ chức hội nghị tập huấn công tác chuẩn tiếp cận pháp luật cho Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND các xã, thị trấn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh năm 2023...

Ông Lê Lam Điền- Phó Chủ tịch UBND phường 3 (thành phố Tây Ninh) cho biết, để xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cấp uỷ, chính quyền địa phương quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận Một cửa nêu cao tinh thần, thể hiện rõ tác phong chuyên nghiệp.

Bởi đây là những cán bộ, công chức trực tiếp làm việc, giải quyết những thủ tục hành chính liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân. Việc tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, hoà giải cơ sở được chú trọng gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, qua đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, không để phát sinh đơn thư khiếu kiện vượt cấp.

UBND phường ban hành đầy đủ, đúng quy định pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền giao, các văn bản hành chính có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, UBND phường đa dạng các hình thức tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.

Cụ thể, trong năm 2023, đăng hơn 600 tin, bài trên Cổng thông tin điện tử của phường, mở các chuyên mục về trợ giúp pháp lý; phổ biến tiếp cận thông tin thu hút hơn 3 triệu lượt người xem; cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật; kết hợp với trạm truyền thanh phường tuyên truyền quy định về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình...

Ông Lâm Thành Tâm- Trưởng Phòng Tư pháp huyện Tân Biên cho biết, năm 2022, toàn huyện có 10/10 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tuy nhiên, có 8/9 xã chưa đạt tiêu chí 16.1 (có mô hình điển hình về phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả được công nhận) được ban hành kèm theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó, xã Tân Phong đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Để giúp xã Tân Phong triển khai thực hiện tốt tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, Phòng Tư pháp và UBND xã ký kết kế hoạch phối hợp về việc xây dựng xã điểm, xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn huyện năm 2023.

Qua đó, Phòng Tư pháp phối hợp UBND xã tổ chức một buổi hướng dẫn thực hiện các tiêu chí được ban hành kèm theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; Thông tư số 09/2021/TT-BTP; cấp phát tài liệu cho 12 tuyên truyền viên pháp luật; tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật, cuộc thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông cho người dân trên địa bàn xã; tập huấn cho 8 tổ hoà giải với 42 hoà giải viên; công tác hoà giải đạt tỷ lệ 100% (hoà giải thành 5/5 đơn).

Bên cạnh đó, Phòng Tư pháp huyện thường xuyên hỗ trợ cung cấp nội dung, cấp phát tài liệu để công chức Tư pháp - Hộ tịch xã thực hiện tuyên truyền trong các đợt sinh hoạt định kỳ của 2 mô hình gồm “Nông dân với pháp luật” và “Hoà giải cơ sở kết hợp tuyên truyền, tư vấn pháp luật”; biên soạn và cấp phát 500 tờ gấp hỏi đáp pháp luật về an toàn giao thông cho người dân. Nhờ đó, năm 2023, xã Tân Phong đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

“Việc thực hiện đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân; bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin của công dân đối với các quy định của pháp luật; xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống tổ chức hành chính ở cấp xã”- Trưởng Phòng Tư pháp huyện Tân Biên chia sẻ.

Người dân tìm hiểu các văn bản tại bảng niêm yết thủ tục hành chính tại bộ phận “Một cửa” UBND phường 3, thành phố Tây Ninh.

Còn nhiều khó khăn, hạn chế

Tuy nhiên, công tác xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của địa phương gặp một số tồn tại, hạn chế. Hầu hết các xã không đạt điểm tối đa đối với nội dung 2 của chỉ tiêu 2, tiêu chí 3 Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15.11.2021 của Bộ Tư pháp: “Tổ hoà giải được hỗ trợ kinh phí đúng mức chi theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.

Chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm của cán bộ, công chức cấp xã được giao tham mưu triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu và đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc xây dựng, đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn có lúc, có nơi còn gặp khó khăn, lúng túng.

Một số UBND các xã, phường, thị trấn chưa phối hợp với Uỷ ban MTTQ Việt Nam cùng cấp xây dựng và ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn để quy định cụ thể hơn nội dung, cách thức thực hiện dân chủ trên địa bàn làm cơ sở để công dân kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Để việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi nội dung 2 của chỉ tiêu 2, tiêu chí 3 Thông tư số 09/2021/TT-BTP như sau: “Tổ hoà giải được hỗ trợ kinh phí đảm bảo nhu cầu hoạt động được 1,5 điểm”.

Vì mức chi hỗ trợ hoạt động của tổ hoà giải theo quy định tại Thông tư số 56/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính (gồm chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hoà giải): 150.000 đồng/tổ hoà giải/tháng. Tuy nhiên, không phải tháng nào tổ hoà giải cũng có nhu cầu mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp, nếu UBND cấp xã có chi hỗ trợ cũng không quyết toán được, do không có chứng từ chi. 

Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18.2.2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đô thị văn minh không quy định trường hợp tổ chức xét, công nhận địa phương đạt chuẩn đô thị văn minh được tổ chức trước thời điểm đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện như thế nào, nên địa phương gặp khó khăn, lúng túng.

UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp bổ sung quy định tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18.2.2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đô thị văn minh: “Trong trường hợp tổ chức xét, công nhận địa phương đạt chuẩn đô thị văn minh được tổ chức trước thời điểm đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì sử dụng kết quả đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm trước liền kề năm đánh giá hoặc sử dụng kết quả của năm đánh giá nhưng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật có liên quan”.

Thiên Di

Tin cùng chuyên mục