Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:
Xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử gắn với đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả, tinh giản biên chế
Thứ năm: 09:05 ngày 13/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 12.2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc phiên họp của Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), Chính quyền điện tử (CQĐT) bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị (Ảnh: baochinhphu.vn)

Dự tại điểm cầu Tây Ninh có ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên BCĐ xây dựng CQĐT tỉnh, tổ giúp việc BCĐ xây dựng CQĐT, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh. Hội nghị cũng được kết nối trực tuyến đến tất cả UBND các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Hội nghị đã nghe báo cáo sơ kết năm 2019 triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025; báo cáo những vấn đề trọng tâm trong triển khai CPĐT; báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với xây dựng CPĐT do Văn phòng Chính phủ chủ trì, triển khai năm 2019; báo cáo đánh giá độc lập về CPĐT Việt Nam và một số tham luận của các bộ, ngành trung ương, địa phương.

Theo báo cáo tại hội nghị, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Cổng dịch vụ công quốc gia đã được khai trương, đi vào hoạt động hiệu quả; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.

Qua đó đã tạo chuyển biến cơ bản trong việc sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước. 100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng tăng từ 72% năm 2018 lên 86,5% năm 2019, rất gần so với mục tiêu 2020 là 90%. Tỷ lệ dịch vụ dịch vụ công trực tuyến mức 4 tăng hơn hai lần, từ 4,55% năm 2018 lên 10,76% năm 2019.

Kể từ ngày 9.12.2019 khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia đến nay, có trên 40.000 tài khoản đã đăng ký trên Cổng dịch vụ công quốc gia; có hơn 12 triệu lượt truy cập; số hồ sơ đồng bộ trạng thái trên 600.000 hồ sơ; đã tiếp nhận, trả lời trên 3000 cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp đến tổng đài hỗ trợ.

Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai phần mềm Một cửa điện tử để xử lý hồ sơ công việc, tạo điều kiện rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thủ tục hành chính, giúp người dân dễ dàng tra cứu kết quả, tình trạng xử lý hồ sơ.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Đối với Tây Ninh, tỉnh cũng đã đầu tư cơ bản các hạ tầng và hệ thống thông tin dùng chung thiết yếu phục vụ xây dựng CQĐT, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân.

Đến nay, cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp 100% thủ tục hành chính đạt mức độ 2 (1.885 thủ tục), trong đó có 1.342 TTHC đạt mức độ 3 và 193 TTHC đạt mức độ 4. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã được nâng cấp, liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng Đề án “Xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030”. Đề án đã được báo cáo cho HĐND tỉnh tại kỳ họp lần thứ 14, kỳ họp cuối năm 2019.

Dự kiến trong quý II.2020, Tây Ninh sẽ đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành kinh tế xã hội tập trung của tỉnh nhằm cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh cho người dân, lấy người dân làm trung tâm.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ trong xây dựng CPĐT, CQĐT thời gian qua, nhất là đã đóng góp hiệu quả cho công cuộc phát triển KT-XH, làm giảm tham nhũng vặt, rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng, hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực triển khai phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra, việc làm tốt CPĐT, CQĐT cũng là một trong những giải pháp ngăn ngừa nCoV.

Cho rằng khả năng đột phá xây dựng CPĐT ở Việt Nam rất cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khắc phục tồn tại hạn chế, tình trạng mạnh ai nấy làm, chú trọng vấn đề con người, thể chế, công nghệ để vươn lên trong trong thời gian tới. Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7.3.2019 của Chính phủ, nhất là phấn đấu đạt 30% dịch vụ công mức độ 4.

Về vai trò người đứng đầu và sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu nói chung phải am hiểu để triển khai CPĐT, CQĐT, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình.

Các hệ thống nền tảng dùng chung vượt ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương thì phải do Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối quản lý, tuyệt đối không để một việc hai cơ quan điều phối gây chồng chéo, lãng phí, không hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc xây dựng CPĐT, CQĐT phải gắn liền với đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện cải cách hành chính và tinh giản biên chế. Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam có khả năng tích cực tham gia xây dựng CPĐT.

PHƯƠNG THÚY

Tin cùng chuyên mục