Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng Đảng về đạo đức - món quà xuân quý giá
Thứ ba: 17:47 ngày 28/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Xây dựng Đảng về đạo đức” được coi là một điểm nhấn, điểm mới trong nội dung xây dựng Đảng, là một sự bổ sung cần thiết trong đổi mới tư duy về xây dựng Đảng hiện nay. Bởi trước đây Đảng thường nhấn mạnh xây dựng Đảng trên 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức mà ít nói tới mặt đạo đức.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Xây dựng Đảng

Cách đây tròn 4 năm. Đó chính là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, tháng 1-2016, nêu rõ mục tiêu “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Thật ra tầm quan trọng của đạo đức trong xây dựng Đảng đã được Bác Hồ và Đảng ta nêu lên từ lâu, đâu phải bây giờ mới nói.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, trong 2 tác phẩm nổi tiếng của mình - Đường cách mệnh (năm 1927) và Sửa đổi lối làm việc (năm 1947) Bác Hồ đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng. Trong Đường cách mệnh, ngay từ khi Đảng ta chưa ra đời Bác Hồ đã chỉ rõ, người cách mạng phải “giữ chủ nghĩa cho vững” và “ít lòng ham muốn về vật chất”. Đến Sửa đổi lối làm việc Bác viết: “Đảng không phải là một tổ chức làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”.

Bác từng nói: “Đảng là đạo đức, là văn minh”. Bác cho rằng cán bộ phải rèn luyện đủ 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính, thiếu một đức thì không thành người”. Rèn luyện cán bộ phải chú trọng cả đức và tài, tài là quan trọng nhưng đức là gốc. “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” là tác phẩm vô giá cuối cùng Người để lại.

Trước lúc đi xa, Người còn di chúc: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là Người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Từ bấy đến nay, những lời dạy quý báu ấy luôn thường trực trong sự nghiệp xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng ta.

Qua 30 năm đổi mới, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng ta nhận thức ngày một đúng đắn, toàn diện và sâu sắc hơn. Liền trong 3 nhiệm kỳ Trung ương IX, X và XI, Đảng ta đã phát động phong trào học tập Tư tưởng Hồ Chí Minh, rồi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Nói như thế, không có nghĩa là bức tranh về xây dựng Đảng chỉ toàn màu hồng. Không. Bên cạnh mảng sáng còn có những mảng xám và tối.

Chính vì vậy, Đại hội XI của Đảng (tháng 1-2011), trong khi đánh giá công tác xây dựng Đảng 5 năm 2006-2010 đạt được “một số kết quả tích cực” đã có nhận xét như sau: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI, Hội nghị Trung ương 4 ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (tháng 1-2012). Theo đó, có 3 vấn đề cấp bách mà trọng tâm xuyên suốt và cấp bách nhất là: “Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng”.

Đại hội XII (tháng 1-2016), qua kiểm điểm công tác xây dựng Đảng 5 năm qua, bên cạnh sự khẳng định những “kết quả quan trọng đạt được, một lần nữa chỉ rõ nhiều hạn chế, yếu kém có liên quan đến vấn đề xây dựng đạo đức, Văn kiện Đại hội phê phán nghiêm khắc những biểu hiện “chưa thật sự tích cực”, “chưa nghiêm túc” trong thực hiện nội dung các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng về rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống..., “thực hiện còn mang tính hình thức” trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Rằng, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp (như lợi ích nhóm) gây bức xúc xã hội.

Trích dẫn một vài điều nêu trên để chúng ta thấy rõ cái lý do vì sao Đại hội XII đề ra phương hướng chung trong nhiệm kỳ tới là: Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)”. Mục tiêu chung là “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội khóa XII, Hội nghị Trung ương 4 (tháng 10-2016) đã ra Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vốn là 1 trong 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nay đã được đưa lên thành tiêu đề của Nghị quyết mới. Thêm vào đó là ngăn chặn và đẩy lùi cả những biểu hiện “tự diễn biễn”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Qua nghiên cứu 27 biểu hiện “suy thoái” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thấy rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống khác về chất với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhưng từ suy thoái đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể từ cán bộ, đảng viên thành kẻ tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Đáng chú ý là sự cảnh báo của Đảng ta về mức độ nghiêm trọng của các nguy cơ. Với Đại hội XI, đó là “làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”. Còn với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) thì đó là “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là đánh giá như thế nào kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII về “xây dựng Đảng về đạo đức”?

Thú thật là tôi không có đủ hiểu biết, cũng không có thẩm quyền để đưa ra một sự đánh giá. Chỉ xin phép nhắc lại một số nhận định được nêu lên trong Văn kiện Hội nghị Trung ương lần thứ 11 mới đây. Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng nhận định: Công tác xây dựng Đảng “đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nhất là tập trung vào một số lĩnh vực khó, phức tạp, nhạy cảm, tồn tại trong thời gian dài, như đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ, đảng viên vi phạm, đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế và chống chạy chức, chạy quyền.

Cụ thể: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương đạt kết quả bước đầu quan trọng. Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được tiến hành nghiêm túc, có hiệu quả... Đấu tranh phòng, chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, có bước tiến mới, đạt kết quả rõ rệt, tạo bước đột phá trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Tình trạng tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi”.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết: Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý; trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa XII. “Thật đau xót nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”- Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói.

Rất chí lý mà cũng thật ân tình!

Dẫu sao, sẽ không khách quan nếu không nêu lên những hạn chế, khuyết điểm mà Dự thảo Báo cáo tổng kết tiếp tục nhấn mạnh như: Tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên giảm sút; tình trạng suy thoái, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng chưa thật sự vững chắc...

Không phải ngẫu nhiên mà Dự thảo Báo cáo tổng kết tiếp tục nêu lên 3 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất là: “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Di chúc của Người”.

Nguồn xaydungdang.org.vn

Tin cùng chuyên mục