Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Kết quả đạt được từ việc đánh giá DDCI là cơ sở đề ra các giải pháp hiệu quả, đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của địa phương, giúp Tây Ninh có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách hành chính...
Ông Dương Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khoá III, nhiệm kỳ 2022-2027 (ngày 26.8.2022). Ảnh: Đào Như
Mới đây, UBND tỉnh ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI) nhằm đánh giá năng lực điều hành kinh tế của chính quyền các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Từ đó, việc đánh giá tạo động lực cải cách liên tục hướng đến tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh, kết quả đạt được từ việc đánh giá DDCI là cơ sở đề ra các giải pháp hiệu quả, đồng bộ nhằm cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của địa phương, giúp Tây Ninh có những đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Công cụ hiệu quả để cải thiện chất lượng điều hành của cơ quan nhà nước
Mục tiêu cụ thể của việc đánh giá năng lực cạnh tranh là mong muốn xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền cấp sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đối với cộng đồng kinh doanh.
Cung cấp cho lãnh đạo tỉnh một công cụ hiệu quả để giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, giúp lãnh đạo tỉnh xác định được những thực tiễn tốt trong cải cách hành chính tại chính các đơn vị sở, ban, ngành và huyện, thị, để từ đó nhân rộng ra các đơn vị khác.
Việc đánh giá DDCI còn là phương pháp đánh giá khách quan năng lực điều hành của lãnh đạo sở, ban, ngành và huyện, thị trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, doanh nghiệp để từ đó hỗ trợ lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện, thị cải thiện hiệu quả hoạt động của đơn vị mình; tạo sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh về chất lượng điều hành giữa chính quyền các sở, ban, ngành và huyện, thị, từ đó tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; góp phần vào nỗ lực chung của chính quyền tỉnh trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Đồng thời, thông qua việc đánh giá DDCI, Tây Ninh mong muốn tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi để doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến nâng cao năng lực điều hành của chính quyền địa phương các cấp; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của các sở, ban, ngành và huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Nguyên tắc thực hiện bộ chỉ số DDCI
Theo UBND tỉnh, kinh nghiệm từ những địa phương đã triển khai cho thấy, DDCI cần được xây dựng trên nền tảng của những nguyên tắc cốt lõi để bảo đảm kết quả đánh giá có thể đạt được các mục tiêu và tác động chính sách mà chính quyền tỉnh đề ra. Một bộ chỉ số DDCI được xây dựng và triển khai thành công cần bảo đảm tuân thủ 6 nguyên tắc quan trọng sau:
Thực tế: DDCI được xây dựng dựa trên những rà soát, đánh giá sát với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố liên quan trực tiếp tới chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh. Theo đó, bộ chỉ số sẽ ưu tiên đánh giá các chức năng, nhiệm vụ thực tế, có tính chất phổ biến, thường xuyên mà các sở, ban, ngành và địa phương đang chịu trách nhiệm đảm nhận.
Gắn trách nhiệm cụ thể: Các nội dung của DDCI phải phản ánh được cảm nhận của các đối tượng điều tra về kết quả xử lý các thủ tục hành chính nói riêng, năng lực và thái độ phục vụ của từng cơ quan sở, ban, ngành và địa phương.
Kết quả đánh giá hỗ trợ cho việc gắn trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan ban, ngành cụ thể. Nhờ đó, chính quyền tỉnh có thể nhanh chóng triển khai được các giải pháp chi tiết, phân định rõ trách nhiệm và có hình thức khen thưởng, rút kinh nghiệm với những cơ quan, ban, ngành nào đóng vai trò đầu mối tiến hành mỗi nhiệm vụ.
Khả thi: Bộ chỉ số được xây dựng một cách phù hợp với bối cảnh và khả năng thực hiện của tỉnh. Tính khả thi thể hiện qua sự hài hoà về chất lượng đánh giá, tiến độ thực hiện và đáp ứng được các ràng buộc về chi phí khảo sát, quỹ thời gian và sự sẵn có nhân sự thực hiện. Việc xây dựng DDCI phải bảo đảm triển khai trên diện rộng và thu thập được dữ liệu chất lượng để đánh giá, so sánh.
Trung thực, khoa học và minh bạch: Phương pháp xây dựng chỉ số và cách thức tiến hành khảo sát và việc phân tích kết quả cần phản ánh trung thực, khách quan cảm nhận của các đối tượng trong mẫu điều tra.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (giữa)- Phó Bí thư Tỉnh uỷ trao bằng khen và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho lãnh đạo Công ty Fico-YTL vì đã có những thành tích đóng góp cho tỉnh nhà. Ảnh: Tâm Giang
Bên cạnh đó, việc chọn mẫu khảo sát cũng phải khoa học, bảo đảm tính đại diện và độ tin cậy. Mẫu đối tượng tham gia đánh giá DDCI được lựa chọn khoa học qua các phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên bảo đảm tính đại diện cho tổng thể đối tượng điều tra tại tỉnh.
Minh bạch là nguyên tắc cốt lõi, bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai DDCI. Cụ thể, đó là minh bạch về quy trình tổ chức thực hiện, về trách nhiệm cụ thể của đơn vị khảo sát, cho tới phương pháp thực hiện, với những phân tích, đánh giá dựa trên bằng chứng rõ ràng thu thập được từ khảo sát, không dựa trên những đánh giá chủ quan của tổ chức thực hiện.
Có ý nghĩa: Kết quả rút ra từ khảo sát DDCI phải có ý nghĩa đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực điều hành kinh tế cấp sở, ngành, địa phương. Điều này thể hiện xuyên suốt từ việc lựa chọn các chỉ tiêu đánh giá, xây dựng chỉ số thành phần cũng như chỉ số DDCI tổng hợp.
Chỉ như vậy, thì việc kết quả phân tích chỉ số DDCI mới giúp chỉ ra những điểm đã làm tốt, những điểm còn hạn chế để các cấp sở, ngành và địa phương có định hướng cải cách phù hợp, từ đó góp phần vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chung của toàn tỉnh một cách hiệu quả và bền vững.
Bảo mật: Mã hoá và lưu trữ phiếu trả lời DDCI theo nguyên tắc bảo mật danh tính của các doanh nghiệp, tổ chức phản hồi khảo sát. Thực hiện điều này sẽ giúp tạo dựng lòng tin của người trả lời phiếu khảo sát. Đồng thời, đây cũng là yêu cầu theo Luật Thống kê hiện hành.
Đối tượng được khảo sát là các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Tây Ninh và có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và huyện, thị trong năm 2022.
Việc khảo sát, đánh giá sẽ được tiến hành đối với tất cả các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và một số sở, ban, ngành được lựa chọn trên cơ sở nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và tần suất tương tác, tiếp xúc với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã trong thời gian đánh giá. Cụ thể gồm các sở và tương đương: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Y tế.
Các ban, ngành: Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ); UBND các huyện, thị xã, thành phố.
An Khang