Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xây dựng khung pháp lý chặt chẽ về quản lý tài nguyên khoáng sản và môi trường
Thứ bảy: 10:53 ngày 13/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 12.7, tại Tây Ninh, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức hội nghị giao ban công tác quản lý TN&MT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý Nhà nước về TN&MT ở mỗi địa phương.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở TN&MT Tây Ninh Nguyễn Thị Hiếu cho biết, trong năm 2018, Tây Ninh nổi lên vấn đề khai thác cát trái phép tại lòng hồ Dầu Tiếng. Sở TN&MT Tây Ninh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát, xử lý những trường hợp vi phạm và tăng cường phối hợp với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước mạnh tay xử lý cát lậu.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tình hình khai thác cát trái phép trên lòng hồ Dầu Tiếng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, do đặc thù hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi đặc biệt, có nhiều bộ, ngành cùng quản lý chồng chéo lẫn nhau nên công tác quản lý, kiểm soát tài nguyên, khoáng sản cũng gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Sở TN&MT Tây Ninh đề nghị các bộ, ngành và địa phương cùng chung tay tháo gỡ các khó khăn đang phát sinh, cũng như thống nhất quan điểm về quản lý tài nguyên khoáng sản tại hồ Dầu Tiếng, tránh trường hợp khi phát sinh vụ việc phải xin ý kiến từng bộ, ngành về hướng xử lý, gây mất thời gian và kém hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hồng kiến nghị khi sửa đổi Luật Đất đai cần quy định rõ danh mục thuộc đất do nhà nước trực tiếp quản lý để đảm bảo tính thống nhất.

Cụ thể, một số tình trạng lấn chiếm đất vẫn được Nhà nước công nhận và cấp Giấy chứng nhận, vấn đề này hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau giữa các ngành, dẫn đến cách giải quyết khác nhau, vô tình tạo quyền lực rất lớn cho chính quyền cấp xã trong việc xác nhận nguồn gốc tạo lập, quá trình sử dụng đất, dẫn đến tiêu cực, khiếu nại của người dân. Vì vậy, TP.HCM đề xuất có chế định riêng, không cào bằng như hiện nay.

Trao Cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2018 cho Khoa Kinh tế TN&MT, thuộc Đại học TN&MT TP.Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị Sở TN&MT các địa phương nghiêm túc thực hiện đề án do Chính phủ xây dựng về trục văn bản quản lý liên thông từ trung ương đến địa phương.

Hiện nay có 20/63 Sở Tài nguyên của các tỉnh, thành phố không tham gia kết nối, tương tác, trao đổi trên hệ thống, gây lãng phí tài nguyên công nghệ cũng như chưa thống nhất được quy trình thủ tục hành chính về quản lý TN&MT.

Mục tiêu trong năm 2019 sẽ có 63/63 tỉnh, thành phố tham gia đầy đủ vào trục quản lý văn bản liên thông từ trung ương đến địa phương, nhất là thông tin về quản lý đất đai, môi trường và một số lĩnh vực khác.

Mặc khác việc tập huấn, chuẩn hóa cán bộ ngành TN&MT hiện nay là rất cần thiết; việc chuẩn hóa cán bộ theo từng chức danh, từng bộ phận như: bộ phận tiếp dân, thanh tra, khiếu nại, tố cáo, bộ phận tham mưu cấp giấy phép tài nguyên…phải có đủ năng lực, chuyên môn, nắm rõ các quy định của pháp luật, tránh trường hợp do cán bộ năng lực bị hạn chế gây cản trở, thiếu sót.

Về lĩnh vực môi trường, cần phải xác định tư duy và cách nhìn nhận, quản lý về môi trường như các nước tiên tiến. Theo quy chuẩn môi trường thế giới, hiện nay Việt Nam có những nơi đang bị ô nhiễm rất nặng, nhất là tại các khu dân cư, khu công nghiệp và các đô thị lớn; quy chuẩn rác thải cần phải xem xét, đánh giá lại cho đúng mức độ, cần đánh giá lại từ khâu cấp phép đến khâu quản lý và khung pháp lý.

Song Anh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục