Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội, không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng, mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực quan trọng phát triển ổn định nền kinh tế.
Doanh nghiệp tham gia hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với phát triển thương mại điện tử
Thời gian qua, thực hiện phương châm “Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng chính là bảo vệ cơ sở sản xuất - kinh doanh chân chính, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững”, Phòng Kinh tế thị xã Hoà Thành tham mưu UBND Thị xã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến các ban, ngành, đoàn thể; cán bộ, công chức, cá nhân, tổ chức sản xuất - kinh doanh trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khuyến khích cá nhân, tổ chức kinh doanh thực hiện quy tắc đạo đức ứng xử với người tiêu dùng, tiêu chí, chuẩn mực trong kinh doanh nhằm tối ưu hoá lợi ích của người tiêu dùng; thực hiện hoạt động, hành vi kinh doanh, tiêu dùng bền vững.
Hiện nay, hình thức bán hàng qua mạng như Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử… góp phần tích cực vào thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, nhất là các sản phẩm do Việt Nam sản xuất. Tuy tăng trưởng nhanh, mạnh và mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, nhưng thương mại điện tử cũng có mặt trái của nó. Đó là tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn, các trang mạng xã hội. Người tiêu dùng đôi lúc tin vào các quảng cáo không đúng sự thật của một bộ phận tổ chức, cá nhân kinh doanh trên mạng lừa dối khách hàng bằng nhiều thủ đoạn, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Đại diện Phòng Kinh tế thị xã Hoà Thành cho biết, đơn vị nắm chắc hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân trên địa bàn, phối hợp các ngành, các cấp kịp thời xử lý những vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các cơ sở làm ăn chân chính, nghiêm túc. Mặt khác, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người tiêu dùng biết và hiểu các quy định pháp luật liên quan đến việc tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chất lượng sản phẩm hàng hoá
Theo Sở Công Thương, trong năm 2023, đơn vị tổ chức lễ mít tinh và diễu hành hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại Trung tâm Văn hoá tỉnh. Qua đó, kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở còn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm chất lượng sản phẩm hàng hoá. Hằng năm, đơn vị tổ chức 3 đoàn kiểm tra lĩnh vực an toàn thực phẩm, đồng thời cử công chức tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát do Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì. Năm 2023, Sở Công Thương kiểm tra tại 39 cơ sở (16 cơ sở kinh doanh; 23 cơ sở sản xuất), qua đó, xử phạt tổng số tiền trên 94 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hiệu lực, điều kiện về con người, điều kiện vệ sinh cơ sở và trang thiết bị dụng cụ, vi phạm về nguồn gốc sản phẩm…
Kết quả công tác kiểm tra góp phần không để lưu thông trên thị trường những hàng hoá, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, công khai các hành vi vi phạm của cơ sở sản xuất, kinh doanh trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết.
Sở Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành khảo sát tình hình dự trữ hàng hoá thiết yếu các doanh nghiệp, một số chợ cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Song song đó, Sở hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn hướng đến các hoạt động tri ân người tiêu dùng, tháng khuyến mại; sản xuất, kinh doanh hàng hoá bảo đảm chất lượng, hỗ trợ bảo hành sản phẩm, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn tiết kiệm, thực hiện chương trình khuyến mại cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng.
Sở Công Thương còn phối hợp đơn vị liên quan như Cục Thuế, Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt đối với các giao dịch thương mại điện tử thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, chủ động can thiệp các biện pháp kịp thời kiểm soát thị trường; chuẩn bị trước các kịch bản, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp bình ổn thị trường khi có các biểu hiện tăng giá đột biến chủ quan và khách quan đặc biệt vào các dịp lễ hội, tết…
Theo Kế hoạch số 2902 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, phấn đầu hằng năm có ít nhất 3.500 người tiêu dùng (gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…) trên địa bàn tỉnh được tham gia các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc được đào tạo kỹ năng về tiêu dùng. Đồng thời có những chương trình ưu tiên cho đối tượng người tiêu dùng yếu thế như học sinh, sinh viên, trẻ em, người cao tuổi, người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Bên cạnh đó, tổ chức được ít nhất 3 lớp đào tạo, lớp tập huấn ngắn hạn cho các cán bộ, công chức, người lao động làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tập trung phát triển mạng lưới phối hợp liên hệ xử lý, thực hiện công tác, nhiệm vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm 2023, Phòng Kinh tế thị xã Hoà Thành phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh, thị xã kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, mỹ phẩm, tạp hoá trên địa bàn. Qua kiểm tra 335 cơ sở, phát hiện 138 cơ sở vi phạm về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng cấm, niêm yết giá… trong đó, 32 cơ sở có tổ chức bán hàng qua mạng. Các cơ quan chức năng Thị xã đã xử phạt vi phạm hành chính 138 cơ sở với tổng số tiền khoảng 1 tỷ đồng, buộc tiêu huỷ hàng giả trị giá khoảng 418 triệu đồng.
Trúc Ly