Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xây dựng nền chế độ trong lòng dân
Thứ tư: 15:11 ngày 02/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9-1945 và dù luận giải ra sao về thắng lợi vẻ vang nhất của cách mạng Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX thì chắc chắn phải nói đến yếu tố lòng dân - nhân tố quyết định thắng lợi. 75 năm qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng, Nhà nước ta luôn thấm nhuần tư tưởng “xây nền chế độ trong lòng nhân dân”, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: Nhật Nam

1. Sinh thời, trong các bài viết, bài nói, tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cách biểu đạt trìu mến, sâu nặng nhất khi nhắc tới “Đồng bào”. Ở Việt Nam, hai tiếng “Đồng bào” được khởi nguyên qua hình tượng văn học trong truyền thuyết “Bọc trăm trứng”. Qua đó, tổ tiên ta thật sự ước muốn dân tộc mình mãi có được tình thương yêu đùm bọc như cây một cội, như hoa một cành, như anh em một nhà, gắn bó với nhau như một bó đũa để làm nên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là điểm tựa tinh thần, điểm tựa vật chất cho sự trường tồn dân tộc. Trải qua bao giông tố lịch sử, dân tộc ta đã biết dựa vào sức mạnh muôn người như một để chiến thắng mọi đạo quân xâm lược.

Thế kỷ XIII, thế giặc mạnh như chẻ tre, song nhờ nhà Trần biết kết nối nhân tâm, vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, dân chúng giúp sức nên đủ sức 3 lần đánh bại quân Mông - Nguyên. Thời nhà Hồ, thành đá uy nghi, thuyền chiến hiện đại, nhưng lòng dân không theo nên quân Minh dễ bề chiếm đóng nước ta. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng căn dặn: Khoan thư sức dân làm kế rễ sâu gốc bền, ấy là thượng sách giữ nước. Nguyễn Trãi nhấn mạnh: Nâng thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân... Như vậy, sức dân như sức nước, sức dân hội tụ nhân tâm vì mục tiêu giành độc lập, thay đổi vận mệnh thì đó là sức mạnh vô địch.

Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được kinh nghiệm sống còn của lịch sử, ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước, với vốn liếng tiền đề là lòng yêu nước thương dân, là chủ nghĩa yêu nước chân chính và Người đã dần tiếp cận được chân lý thời đại. Trong con đường cách mạng vô sản mà Người tìm thấy, có một thành tố đặc biệt quan trọng là cần một chính đảng vô sản, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam, Đảng phải biết trong nước thì vận động, tập hợp, giác ngộ quần chúng yêu nước đoàn kết đi theo Đảng, ngoài thì liên kết chặt chẽ với các lực lượng tiến bộ và phong trào cộng sản quốc tế.

Như vậy, ngay khi tìm ra con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhận thức đúng đắn sức mạnh của nhân dân được hội tụ dưới lá cờ Đảng. Đảng và dân như máu thịt. Đảng lãnh đạo, nhân dân tin tưởng đi theo Đảng làm cách mạng. Chỉ có Đảng thì nhân dân mới giành được quyền sống; chỉ dựa vào sức mạnh của nhân dân thì Đảng mới hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Đó là tính biện chứng của trí tuệ Đảng cùng niềm tin của nhân dân.

Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc đã đề cập đến hình ảnh nhân dân bị áp bức, bóc lột được đặt ở trung tâm sự đồng cảm, thống khổ cần phải được cứu sinh. Trong cuốn “Đường Kách mệnh”, nhân dân được xác định là lực lượng cách mạng cần phải giác ngộ, tập hợp để tạo nên sức mạnh vũ khí tinh thần. Khi kẻ thù hăm dọa, lôi kéo, Người đã thẳng thắn đáp lại đanh thép: Cái mà tôi cần nhất trên đời là tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi. Khi bắt gặp Luận cương Lênin, Nguyễn Ái Quốc reo lên: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta. Rồi sau đó, Người đinh ninh với những người bạn, đồng chí của mình rằng, bây giờ mọi thứ đều đã rõ và “tôi sẽ trở về để giúp đồng bào tôi”.

2. Sau 30 năm xa Tổ quốc, cuối tháng 1-1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về và sống nơi đầu nguồn Tổ quốc, được lòng dân chở che. Người đặt tên núi Các Mác, suối Lênin làm điểm tựa và gương soi lý luận cách mạng, để ngày ngày khắc ghi niềm khát vọng giải phóng dân tộc, cứu thoát đồng bào bằng con đường cách mạng vô sản - lối thoát lịch sử duy nhất đúng. Đảng chính là cầu nối đưa nhân dân vùng lên đấu tranh giành quyền sống.

Tài liệu cẩm nang đầu tiên mà Người viết để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng là cuốn “Lịch sử nước ta” được viết theo lối văn vần, dễ đọc, dễ nhớ. Mở đầu tài liệu này, Người viết: Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Cuối tài liệu, Người kết: Dân ta xin nhớ chữ đồng/Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là lịch sử lấy chính nghĩa thắng hung tàn, dựa vào lòng dân để đốt ngọn đuốc thiêng đi từ đêm đen đau khổ ra chân trời tự do, hạnh phúc.

Từ cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, rồi phong trào đấu tranh chống chiến tranh phát xít, kháng Nhật cứu quốc, Đảng và Bác Hồ đã biết dựa vào sức mạnh quần chúng, tôi luyện quần chúng trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, tấm gương kiên trung bất khuất của những chiến sĩ cộng sản trở thành mẫu mực cho lý tưởng cách mạng, có sức thuyết phục lòng người, làm tan chảy dã tâm kẻ thù. Cả bộ máy đàn áp của thực dân phát xít không làm lung lay ý chí cách mạng của đồng bào Việt Nam, vì có lòng dân theo Đảng, nên có nhiều cuộc khởi nghĩa bị dìm trong bể máu vẫn không làm tan rã tinh thần cứu nước của đồng bào ta. Phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, các khởi nghĩa: Bắc Sơn, Nam Kỳ là tiếng sấm báo hiệu thời kỳ bão tố cách mạng giật đổ thành lũy thực dân, phong kiến và phát xít.

Khi Hồ Chí Minh chủ trì Quốc dân Đại hội Tân Trào, sự kiện Hội nghị Diên Hồng của thế kỷ XX đã dựa vào sức mạnh của nhân dân mà quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc. Nhiều địa phương, lệnh tổng khởi nghĩa chưa về tới nơi, mà nhân dân đã chủ động vùng lên cướp chính quyền. Nếu không được giác ngộ, rèn luyện dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng thì làm sao có được tinh thần tự giác cách mạng như vậy.

Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đích thực là cuộc biểu dương sức mạnh tinh thần, lấy tinh thần cách mạng của nhân dân đè bẹp bộ máy thống trị phản cách mạng. Chỉ trong một tuần lễ, sức mạnh của nhân dân từ Bắc vào Nam đã như triều dâng, thác đổ, không một lực lượng nào cản nổi. Thời cơ cách mạng đã được Đảng mau lẹ khích lệ muôn dân đứng lên tự cứu mình. Khi thực dân Pháp quay lại chiếm đóng Nam Bộ, Hồ Chí Minh đã khẳng định: Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam/Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai được Người khích lệ: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gieo niềm tin tất thắng trong Di chúc thiêng liêng gửi lại: Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.

90 năm qua, kể từ ngày có Đảng soi đường dẫn lối, đặc biệt là sau 75 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi vĩ đại này tới thắng lợi vĩ đại khác: Giành lại được độc lập dân tộc, thay đổi vận mệnh dân tộc, đưa nhân dân ta từ kiếp đời nô lệ trở thành người chủ của đất nước; kháng chiến vệ quốc thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, dựng xây chế độ mới; tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước thành công; mở rộng quan hệ quốc tế, nâng tầm vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, tham gia có trách nhiệm với sự nghiệp đấu tranh gìn giữ hòa bình, hữu nghị, tiến bộ nhân loại.

*

* *

… Có được cơ đồ Tổ quốc Việt Nam chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, trước hết là nhờ vào lòng yêu nước của nhân dân được hội tụ thành sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xung quanh Đảng, Bác Hồ vĩ đại.

Lòng dân mãi là điểm tựa cho Tổ quốc trường tồn, cường thịnh!

Nguồn hanoimoi

Tin cùng chuyên mục