Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hội nghị đối ngoại toàn quốc:
Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại
Thứ tư: 00:40 ngày 15/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dùng đối ngoại để phòng ngừa chiến tranh, sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất, đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội. Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông chúng ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Donald Trump - Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ngày 27.2.2019.

Bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến (với các điểm cầu địa phương), ngày 14.12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như từ lúc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời (nay là nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Đảng tổ chức một hội nghị chuyên sâu về về công tác đối ngoại trên quy mô toàn quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo hội nghị. Tại điểm cầu Tây Ninh, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm chủ trì, tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái cùng lãnh đạo sở, ban, ngành.

Nâng cao vị thế quốc gia

Báo cáo thành tựu trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tập trung vào 5 năm qua (2016-2021), phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, phát huy mạnh mẽ tư duy đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI (1986), đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia dân tộc, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế đã chứng tỏ tính đúng đắn và ngày càng được phát triển, hoàn thiện.

“… Đối ngoại và đối nội như hai cánh của một con chim, đòi hỏi sự phối hợp rất nhịp nhàng với nhau”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng, đối ngoại thời kỳ đổi mới đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước trong 35 năm qua.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện. Xác định hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bộ Chính trị khoá XI đã ban hành Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế, quyết định chuyển từ hội nhập kinh tế quốc tế sang hội nhập toàn diện. Hội nghị Trung ương 4 khoá XII ban hành Nghị quyết 06 về “Thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”; Chỉ thị 32 của Bộ Chính trị, ngày năm 2019 về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới. Bí thư cũng đã ban hành Chỉ thị 04 năm 2011 để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân. Tháng 8.2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 25 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong tình hình mới.

Sau khi Luật Điều ước quốc tế (2016), Luật Thoả thuận quốc tế (2021) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài (2017) được ban hành, Chính phủ đã có nhiều nghị định hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 40 (tháng 1.2016) phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đồng thời có nhiều văn bản để cụ thể hoá chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế.

Từ năm 2016-2021, Việt Nam xác lập thêm 6 khuôn khổ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện lên 30 nước. Quan hệ láng giềng, hợp tác, hữu nghị với các nước có chung biên giới tiếp tục được ưu tiên phát triển, một số vấn đề phức tạp nhìn chung được kiểm soát và xử lý kịp thời. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước bạn bè truyền thống tại châu Á, Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La-tinh tiếp tục được thúc đẩy.

Các hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước được duy trì thường xuyên. Đảng đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia. Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước.

Hoạt động đối ngoại được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các kênh, góp phần gia tăng hiểu biết, vun đắp tình cảm hữu nghị, củng cố nền tảng bền vững và môi trường chính trị thuận lợi chung cho quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác.

Trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ngoại giao y tế/vaccine trên cả kênh song phương và đa phương. Đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vaccine, đạt 100% mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch hiệu quả đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam cũng đã kịp thời viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó thể hiện rõ vai trò “thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế.

Thành quả nổi bật trong công tác đối ngoại về dân chủ, nhân quyền thể hiện qua việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, chủ động thúc đẩy đối thoại, hợp tác để quốc tế ngày càng hiểu đúng, rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đồng thời, kiên quyết, chủ động phản bác các luận điểm sai trái, lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam. Đối ngoại cũng đã làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu cho Đảng và Nhà nước góp phần xử lý kịp thời các tình huống phức tạp, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có đại dịch Covid-19.

Việt Nam đã đăng cai thành công Năm APEC 2017, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018, làm Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA năm 2020, tổ chức tốt Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2; trúng cử Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục và đảm nhiệm thành công trọng trách này.

Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp tại các diễn đàn đa phương chính đảng như cuộc gặp quốc tế các đảng Cộng sản và công nhân (IMWCP), Uỷ ban Thường trực Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP); tích cực thúc đẩy hợp tác qua các kênh ngoại giao nghị viện như: Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).

Chúng ta tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc; đảm nhiệm tốt nhiều trọng trách tại các diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng khác; tham gia tích cực các diễn đàn đa phương nhân dân như Diễn đàn Nhân dân ASEAN, các cơ chế hợp tác thanh niên, luật sư, doanh nghiệp...

Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế của các địa phương cũng có nhiều chuyển biến tích cực với hơn 420 thoả thuận quốc tế trong các lĩnh vực đã được ký kết, phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 thị trường và đối tác. 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Với mạng lưới 15 FTA đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Việt Nam là một trong số ít nước tham gia hầu hết các liên kết kinh tế quan trọng.

Các thị trường mà Việt Nam có FTA đều tăng trưởng xuất khẩu tốt. Mạng lưới FTA cũng đưa Việt Nam tham gia sâu hơn và trở thành mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Nhờ liên kết kinh tế sâu rộng, năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn vượt mốc 600 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay đạt khoảng 400 tỷ USD….

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Kiên định nguyên tắc, linh hoạt sách lược

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nền ngoại giao Việt Nam thực hiện phương châm hoà hiếu, nhân văn, trọng lẽ phải, chính nghĩa, “lấy chí nhân thay cường bạo”, dùng ngoại giao đẩy lùi xung đột.

Nêu lên những bài học kinh nghiệm về công tác đối ngoại, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh, Việt Nam “kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược” trong quan hệ quốc tế. “Kể từ sau thành công tốt đẹp của Đại hội XIII đến nay, chúng ta đã có một loạt các hoạt động tương đối đổi mới, gần đây nhất là hội nghị văn hoá, hội nghị xây dựng Đảng… và nay là hội nghị đối ngoại. Đối ngoại và đối nội như hai cánh của một con chim, đòi hỏi sự phối hợp rất nhịp nhàng với nhau”- Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư lưu ý, bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển đều phải xử lý 2 vấn đề cơ bản, đó là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, hỗ trợ lẫn nhau, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày một chặt chẽ với nhau.

Đối ngoại ngày nay không chỉ là nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia dân tộc. “Dùng đối ngoại để phòng ngừa chiến tranh, sớm kết thúc chiến tranh trong vị thế có lợi nhất, đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội.

Đó là những tư tưởng, triết lý vượt thời đại của cha ông chúng ta, mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị. Những truyền thống và bản sắc tốt đẹp ấy ngày càng được bồi đắp, phát huy và toả sáng trong thời đại Hồ Chí Minh, đã phát triển lên thành nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc” - Tổng Bí thư phát biểu.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục