Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng nguồn nhân lực bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Thứ ba: 22:18 ngày 27/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tây Ninh vừa xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” nhằm tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) có trình độ cao, năng động, sáng tạo, tâm huyết, trách nhiệm, có khả năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong hoạch định chiến lược và đề ra các giải pháp khai thác mọi tiềm năng, huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số trong khu vực hành chính; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với mục tiêu “… Đến năm 2030, trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam bộ và cả nước”.

Còn hạn chế, yếu kém

Thời gian qua, Tây Ninh luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công, quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đào tạo sau đại học và thu hút nhân tài. Qua đó, tỉnh bổ sung dần đội ngũ CBCCVC đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ chuyên môn, đủ năng lực thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực khu vực công vẫn còn hạn chế, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Xét về tổng thể, đội ngũ CBCCVC của tỉnh ta còn chưa đủ mạnh, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Tỷ lệ CBCCVC có trình độ sau đại học, cao cấp lý luận chính trị trở lên còn thấp.

Chất lượng, năng lực đội ngũ CBCCVC chưa đồng đều; một bộ phận thiếu tính chuyên nghiệp, tính năng động, sáng tạo, kỹ năng và phương pháp giải quyết vấn đề không cao; một số khác chưa có khả năng dự báo tình hình, chưa chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, tham mưu giải quyết vấn đề phức tạp phát sinh nên hiệu quả công việc chưa cao; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao còn thấp. Chưa thu hút được người có tài năng, các chuyên gia trong các ngành, lĩnh vực vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC còn mang tính dàn trải, chưa tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm; có lúc, có nơi chưa gắn với quy hoạch và nhu cầu  sử dụng cán bộ.

Việc cử CBCCVC tham gia đào tạo, bồi dưỡng mới chỉ quan tâm đến số lượng, chưa quan tâm đến cơ cấu chuyên môn đào tạo. Tình trạng thiếu hụt đội ngũ bác sĩ, giáo viên chưa được kéo giảm. Một số CBCCVC năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nhưng chậm được thay thế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện, nghiên cứu, trao dồi năng lực chuyên môn.

Nguyên nhân

Có thể nói, chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ chưa thực sự khuyến khích CBCCVC tận tâm với công việc, ảnh hưởng tới mức độ phát huy năng lực. Các chính sách thu hút nguồn nhân lực chưa đủ mạnh. Việc trọng dụng nhân tài, đãi ngộ chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi thiếu đồng bộ, mang tính bình quân nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ, chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác.

Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành, lĩnh vực. Việc sắp xếp, bố trí CBCCVC có nơi chưa phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, cùng một vị trí nhiệm vụ người thì nhiều việc, người thì ít việc làm ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Việc xây dựng vị trí việc làm, bản mô tả công việc chưa phù hợp, không đúng với thực tế.

Quy định về chính sách thu hút nhân tài chủ yếu là thông qua bằng cấp theo quy định tại Điều 2 của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5.12.2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Một số trường hợp tốt nghiệp loại giỏi được tạo nguồn tại các cơ quan, đơn vị nhưng khi thi tuyển vào công chức lại không trúng tuyển. Môi trường làm việc thiếu tính năng động, cách quản lý hành chính có tính phổ biến hiện nay đã làm giảm đi sự nhiệt tình và khả năng sáng tạo. Chưa có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những CBCCVC năng lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Phát triển nguồn nhân lực khu vực công chất lượng cao tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn, kiến thức, kỹ năng, năng lực quản lý, thực thi công vụ gắn với chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hệ thống chính trị, vừa xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm chất lượng, đủ số lượng.

Đề án được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, áp dụng tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đối tượng áp dụng cụ thể là: Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; cán bộ, công chức cấp xã; tài năng trẻ; sinh viên đã tốt nghiệp đại học chính quy tập trung loại giỏi hoặc có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đồng thời có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên tại các cơ sở đào tạo có uy tín trong nước hoặc các cơ sở đào tạo trong danh sách 500 cơ sở đào tạo đại học hàng đầu thế giới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tỉnh đào tạo từ 1 đến 2 tiến sĩ, 100 thạc sĩ trong nước có liên kết nước ngoài hoặc ở nước ngoài; đào tạo 200 thạc sĩ trong nước (tập trung các ngành, lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, khoa học công nghệ, kinh tế, quản lý công, chính sách công, tài nguyên - môi trường, khoa học xã hội và nhân văn hoặc khoa học chính trị).

Tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 95%, trong đó có trình độ sau đại học đạt 15%. Tỷ lệ viên chức có trình độ chuyên môn đại học trở lên đạt 70%, trong đó có trình độ sau đại học đạt 5%...

Việc thực hiện đề án được UBND tỉnh lưu ý thực hiên theo nguyên tắc: Bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa các khâu phát hiện, thu hút, tuyển chọn, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, cạnh tranh đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

 Sinh viên tốt nghiệp đạt loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ được thu hút theo Đề án này được bổ sung tăng thêm biên chế vào tổng biên chế của các cơ quan, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp.

Chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCCVC của tỉnh được chi từ kinh phí đào tạo của tỉnh; các trường hợp được đào tạo theo Đề án nhưng tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo, hoặc không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp; hoặc đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định phải thực hiện nghĩa vụ đền bù chi phí đào tạo theo quy định.

An Khang

Tin cùng chuyên mục