Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng “vành đai” văn hoá trong thời đại toàn cầu hoá
Thứ tư: 07:16 ngày 29/03/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tám mươi năm nhìn lại, ba nguyên tắc dân tộc, đại chúng, khoa học được Đề cương nhấn mạnh đã trở thành các nguyên tắc cơ bản, vừa là cơ sở, nền tảng, vừa là mục tiêu đạt tới đối với mọi sự kế thừa và tiếp thu.

Đờn ca tài tử Nam bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể vào ngày 5.12.2013. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn

“Một trong những điểm nổi bật của Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 là Đề cương đề cập một cách toàn diện và sâu sắc các khía cạnh văn hoá và các đặc thù văn hoá dân tộc Việt Nam. Tám mươi năm nhìn lại, ba nguyên tắc dân tộc, đại chúng, khoa học được Đề cương nhấn mạnh đã trở thành các nguyên tắc cơ bản, vừa là cơ sở, nền tảng, vừa là mục tiêu đạt tới đối với mọi sự kế thừa và tiếp thu. Đây cũng là một trong những nội dung cốt lõi làm nên giá trị trường tồn của Đề cương”- Tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Anh nêu quan điểm.

Nền tảng quan trọng

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên tắc dân tộc, đại chúng, khoa học đã trở thành nền tảng quan trọng, vừa là cơ sở nền tảng, vừa là mục tiêu đạt tới đối với mọi sự kế thừa và tiếp thu, góp phần vào những định hướng cơ bản cho một nền văn hoá mới trong bối cảnh mới.

Đề cương đề cập “dân tộc hoá (chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hoá Việt Nam phát triển độc lập)”. Luận điểm này được kế thừa ngay từ khi mới thành lập nước. Năm 1946, chỉ một năm sau khi nước ta giành được độc lập, Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức.

Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hoá xưa và nay để xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng”. Ở thời điểm đó, nội dung cơ bản, mang đậm giá trị cốt lõi, bản chất của văn hoá trong vấn đề dân tộc được đúc kết trong ý nghĩa “lấy hạnh phúc của đồng bào... làm nội dung phản ánh”- đây cũng là nội dung được xác định từ Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946) và lần thứ hai (năm 1948).

Đây chính là sự kế tục đường lối văn hoá của Đảng đã được đề ra từ Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943. Luận điểm này tiếp tục được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hoá: “Văn hoá nói lên bản sắc của một dân tộc. Dân tộc còn thì văn hoá còn, văn hoá mất thì dân tộc mất”.

Trong bất kỳ giai đoạn nào, những yếu kém, khuyết điểm về văn hoá tất yếu sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, đến một mức độ nào đó, có thể gây hậu quả nguy hại đối với quá trình phát triển của cả đất nước.

Rõ ràng, vừa trực tiếp, vừa gián tiếp, văn hoá luôn ảnh hưởng sâu sắc đến đất nước - dân tộc. Năm 1998, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá VIII về “xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” khẳng định một cách trực diện mối quan hệ giữa văn hoá với dân tộc, chỉ rõ nhiệm vụ “xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó, tiên tiến là tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hoá của thế giới, đậm đà bản sắc dân tộc là kế thừa, phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Từ đó đến nay, các quan điểm cơ bản về xây dựng nền văn hoá tiếp tục khẳng định với các nhiệm vụ: xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần” liên tục được kế thừa và bổ sung, phát triển với định hướng văn hoá là “động lực và nguồn lực cho phát triển”.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và khi công nghệ thông tin truyền thông, mạng internet, mạng xã hội tạo ra những môi trường văn hoá không biên giới, tạo ra những sắc thái văn hoá đa dạng, đa chiều, đa tầng... nguyên tắc này càng đặc biệt được coi trọng.

“Xâm lăng văn hoá” là câu chuyện được nhắc lại với sự quan tâm sâu sắc của nhiều quốc gia từ khi công nghệ thông tin với những thành tựu to lớn về internet đem lại những cơ hội cho giao lưu văn hoá giữa các quốc gia - dân tộc; đồng thời, cũng tạo ra những nguy cơ “xâm lăng văn hoá” của các quốc gia phát triển đối với các quốc gia đang phát triển thông qua sự hỗ trợ của mạng internet, mạng xã hội...

Xu thế về một xã hội thông tin, về phát triển các ứng dụng trên nền tảng internet là không thể tránh khỏi, do đó, các quốc gia chỉ có phương cách duy nhất là xây dựng một “vành đai” văn hoá để bảo vệ các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, độc đáo, tiếp thu có chọn lọc các tinh hoa văn hoá từ các nền văn hoá khác thông qua từng cá nhân chủ thể cho đến cộng đồng.

“Vành đai” văn hoá này hàm ý cả ý nghĩa tinh thần và vật chất. Về tinh thần, phải xây dựng được một môi trường văn hoá lành mạnh, tạo ra một thế hệ các chủ thể biết yêu và có ý thức gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc; có tri thức đủ để phân biệt được các giá trị văn hoá không phù hợp; có trách nhiệm với cộng đồng trong đấu tranh với phản văn hoá...

Về vật chất, phải xây dựng được một hệ thống thiết chế văn hoá đầy đủ, hợp lý, hoạt động hiệu quả từ trung ương đến cơ sở, trong đó bao hàm cả việc trang bị một nền tảng kỹ thuật công nghệ hiện đại, một kỹ năng sử dụng công nghệ thành thạo để vừa biết tiếp nhận vừa biết phản bác, đấu tranh...

Đây là “vành đai” hiệu quả nhất mang tính chủ động để bảo vệ một cách bền vững văn hoá truyền thống dân tộc và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại trong mọi bối cảnh, tình huống, “chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hoá Việt Nam phát triển độc lập”.

Độc lập và phát triển

Vấn đề văn hoá và đại chúng, Đề cương đề cập: “Đại chúng hoá là (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hoá phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng)”. Bối cảnh giao lưu, tiếp biến, thậm chí là xung đột giữa các nền văn hoá hiện nay đã và đang tạo ra những tình thế buộc chúng ta phải lựa chọn con đường phát triển văn hoá một cách rõ nét để định hướng cho văn hoá phát triển.

Toàn cầu hoá khiến các quốc gia gần lại nhau hơn cả về các yếu tố văn hoá, với những sự đan cài, xen lẫn; kinh tế tri thức thúc đẩy khoa học - công nghệ phát triển; mạng xã hội xoá nhoà ranh giới địa lý, ranh giới giữa các nền văn hoá trên không gian mạng cũng có lúc, có vấn đề không còn tồn tại khác biệt.

Nền văn hoá Việt Nam vốn mang bản chất của nền văn hoá xã hội chủ nghĩa với tính nhân dân rộng khắp và tính dân tộc sâu sắc, đã và đang tiếp thu những xu hướng văn hoá đa dạng từ các nền văn hoá khác trên thế giới; bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc đã và đang đứng trước những thách thức của các xu hướng mới trong thời kỳ hiện đại...

Xét về bản chất, nền văn hoá mang tính đại chúng là nền văn hoá đậm tính nhân văn, nhằm phục vụ quảng đại nhân dân, “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hoá phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”... Trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu về đại chúng hoá trong bối cảnh hiện nay không còn bó hẹp trong phạm vi một đất nước, một quốc gia, một dân tộc, mà phải ở tầm thế giới, hàm nghĩa “nhân dân” còn mang tính nhân loại.

Đây là một trong những đặc điểm mới của nguyên tắc đại chúng trong thời kỳ hiện đại. Và một nền văn hoá được nhiều quốc gia - dân tộc tiếp thu và phát triển là nền văn hoá tinh hoa (tất nhiên ở đây cần phân biệt rõ giữa tiếp thu, phát triển với phổ biến và lan tràn).

Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định “phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng...”. Như vậy, nguyên tắc đại chúng hoá trong bối cảnh hiện nay được nhấn mạnh, mở rộng và đánh giá, nhìn nhận ở một tầm vóc mới.

Vấn đề văn hoá và khoa học (chống lại tất cả những gì làm cho văn hoá trái khoa học, phản tiến bộ văn hoá là quá trình đấu tranh với cái xấu để hướng tới các giá trị chân thiện - mỹ, và một nền văn hoá chân chính, lành mạnh luôn bao hàm các giá trị tốt đẹp.

Nhìn nhận từ khía cạnh học thuật và xét trên thực tế, văn hoá không tách rời với các lĩnh vực khác, từ chính trị, kinh tế, xã hội, con người... Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc (ngày 24.11.2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: “Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời đến nay, nền văn hoá của nước ta luôn gắn kết máu thịt với lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, với vận mệnh của dân tộc”.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, đặc biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất coi trọng, đề cao văn hoá. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, phải lấy văn hoá là cái gốc, là nền tảng để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ. Muốn đất nước độc lập, tự cường, tự chủ, trước tiên phải có một nền văn hoá độc lập, phát triển mạnh mẽ.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục