Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giai đoạn 2020-2022:
Xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh trên địa bàn huyện Bến Cầu
Chủ nhật: 22:53 ngày 26/04/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xây dựng được vùng chăn nuôi bò sữa ATDB là điều kiện cần thiết để phát triển chăn nuôi bền vững, tạo ra những sản phẩm sữa an toàn phục vụ cho tiêu dùng, và là “giấy thông hành” cho sản phẩm sữa mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần đưa sản phẩm chăn nuôi bò sữa của Tây Ninh trở thành nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.

Trang trại bò sữa Vinamilk Tây Ninh.

Chăn nuôi bò sữa ở Tây Ninh tập trung chủ yếu ở thị xã Trảng Bàng và huyện Bến Cầu. Tổng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 13.353 con. Trong đó, 2 địa bàn chăn nuôi bò sữa trọng điểm là trang trại 8.000 con bò sữa của Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Công ty Vinamilk) thuộc huyện Bến Cầu (được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (ATDB), GLOBAL GAP) và tại thị xã Trảng Bàng (5.300 con), có tổng sản lượng sản xuất 29.137 tấn sữa/năm. Chăn nuôi bò sữa trang trại, gia trại chiếm 94% tổng đàn bò sữa. Các cơ sở chăn nuôi này đều liên kết với các công ty chế biến sữa để thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Tình hình dịch bệnh trên đàn bò trong những năm qua tương đối ổn định. Bệnh tụ huyết trùng trâu, bò không xảy ra; bệnh lở mồm long móng (LMLM) có xảy ra lẻ tẻ nhưng đã kịp thời được ngăn chặn; các loại bệnh nội khoa, sản khoa chỉ xảy ra lẻ tẻ, ít gây thiệt hại.

Định hướng trong thời gian tới, bò sữa là loại vật nuôi được tiếp tục đầu tư, phát triển do thị trường tiêu thụ thuận lợi, sự dịch chuyển chăn nuôi của TP. Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá sang các tỉnh lân cận, trong đó có Tây Ninh.

Theo ngành chức năng, hiện nay, Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sữa và các sản phẩm từ sữa đến gần 50 nước trên thế giới. Dự báo hoạt động sản xuất sữa sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi các doanh nghiêp trong nước tăng cường xuất khẩu ra nước ngoài. Đặc biệt, ngày 26.4.2019, Nghị định thư về xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết sẽ tạo cơ hội rộng mở cho sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, năm 2019, khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, ngành sữa sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn về giá. Do đó, trong thời gian tới, các doanh nghiệp nói riêng và ngành sữa cần ưu tiên phát triển các sản phẩm sữa chế biến đáp ứng yêu cầu của thị trường; sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận chất lượng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến sữa tại Việt Nam đang tiến hành mở rộng trang trại bò sữa để tăng tỷ lệ tự chủ nguồn cung nguyên liệu. Nhờ đó, ngành sữa trong nước có thể kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu sữa đầu vào, giảm ảnh hưởng từ sự biến động giá nguyên liệu trên thế giới; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắt khe của thị trường.

Do đó, xây dựng được vùng chăn nuôi bò sữa ATDB là điều kiện cần thiết để phát triển chăn nuôi bền vững, tạo ra những sản phẩm sữa an toàn phục vụ cho tiêu dùng, và là “giấy thông hành” cho sản phẩm sữa mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần đưa sản phẩm chăn nuôi bò sữa của Tây Ninh trở thành nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh trên địa bàn huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020 - 2022.

Mục tiêu hướng đến là xây dựng vùng, cơ sở ATDB đối với bệnh LMLM trên bò sữa tại huyện Bến Cầu; đáp ứng các yêu cầu về ATDB, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững; tạo vùng nguyên liệu sữa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Thời gian thực hiện kế hoạch này từ năm 2020 - 2022 với tổng kinh phí thực hiện 1,2 tỷ đồng.

Theo đó, đối với việc xây dựng cơ sở ATDB, đến ngày 31.12.2020, có 3 xã của huyện Bến Cầu được công nhận cơ sở ATDB đối với bệnh lở LMLM là Long Khánh, Long Phước, Long Giang. Đến ngày 31.12.2021, có 3 xã của huyện Bến Cầu được công nhận cơ sở ATDB đối với LMLM là Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận và duy trì 3 xã đã được công nhận ATDB. Đến ngày 31.12.2022, có 2 xã và 1 thị trấn của huyện Bến Cầu được công nhận là cơ sở ATDB đối với LMLM là An Thạnh, Long Chữ, thị trấn Bến Cầu và duy trì 6 xã đã được công nhận ATDB.

Đối với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, đến ngày 31.12.2020, giám sát để xác định được mức độ lưu hành của mầm bệnh LMLM theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT (Thông tư số 14) tại 3 xã Long Khánh, Long Phước, Long Giang. Tổ chức kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh; giám sát bệnh lao bò, nhiệt thán tại vùng đệm (vùng có bán kính cách cơ sở ATDB của Trang trại bò sữa thuộc Công ty Vinamilk 10km). 

Đến ngày 31.12.2021, thực hiện việc giám sát để xác định được mức độ lưu hành của mầm bệnh LMLM tại 3 xã Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận theo quy định tại Thông tư số 14; tổ chức kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh; giám sát bệnh lao bò, nhiệt thán tại vùng đệm; duy trì các xã đã xây dựng ATDB. 

Đến ngày 31.12.2022, thực hiện giám sát để xác định được mức độ lưu hành của mầm bệnh LMLM tại các xã Long Chữ, An Thạnh và thị trấn Bến Cầu theo quy định tại Thông tư số 14; tổ chức kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh; giám sát bệnh lao bò, nhiệt thán tại vùng đệm; duy trì các xã ATDB.  

Triển khai thực hiện kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng phải tăng cường kiểm soát vận chuyển gia súc, bảo vệ vùng ATDB động vật; tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt công tác quản lý dịch tễ, chăn nuôi gia súc của tỉnh. 

Bên cạnh đó, ngành chức năng phải tổ chức hoạt động giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan ra diện rộng và lập hồ sơ công nhận vùng ATDB; xử lý ổ dịch theo quy định của Luật Thú y và Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31.5.2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và các văn bản hướng dẫn về kỹ thuật của Cục Thú y; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia súc bị bệnh, gia súc nghi mắc bệnh LMLM, giảm thiểu các hành vi làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong môi trường chăn nuôi; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và các biện pháp chủ động phòng bệnh.

Giang Hà

Tin cùng chuyên mục