Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Xây dựng xã hội học tập - chặng đường còn dài trước mặt
Thứ năm: 18:07 ngày 12/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vẫn còn một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về xây dựng xã hội học tập, thiếu quan tâm chỉ đạo triển khai đại trà các mô hình học tập tại địa phương.

Bà Dương Thị Phượng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh trao quà, động viên học sinh khuyết tật.

Thực hiện chủ trương xây dựng một xã hội học tập (giai đoạn 2012-2020) theo tinh thần Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tây Ninh đã chọn 2 xã làm điểm xây dựng cộng đồng học tập là Bình Minh (TP. Tây Ninh) và Phước Trạch (huyện Gò Dầu). Có 2 ấp cũng được chọn làm điểm của tỉnh là ấp Giữa, thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu và ấp Ninh Hưng 2, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Tất cả các huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đều có kế hoạch chọn điểm cho địa phương mình thực hiện trong năm 2016.

Theo thông tin từ lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh, sau một năm triển khai, 4 điểm chỉ đạo thử nghiệm của tỉnh nói trên đều đạt các tiêu chí và được công nhận danh hiệu Cộng đồng học tập (2 đơn vị cấp xã và 2 đơn vị cấp ấp). Ngoài 4 địa phương được chọn thí điểm, còn nhiều mô hình học tập đã thực hiện đủ các tiêu chí để được công nhận danh hiệu trong năm 2016.

Đến cuối năm 2016, kết quả thí điểm triển khai đại trà các mô hình học tập trên phạm vi toàn tỉnh Tây Ninh cho thấy: 73,47% số hộ được công nhận là Gia đình học tập; 57,14% dòng họ được công nhận Dòng họ học tập; 42,17% ấp, khu phố được công nhận Cộng đồng học tập.

Mặc dù gặp khó khăn về kinh phí hoạt động, nhưng các cấp Hội Khuyến học và ngành Giáo dục vẫn cố gắng thực hiện triển khai đại trà các mô hình học tập tại địa phương. Theo đánh giá của lãnh đạo Hội Khuyến học: qua một năm thử nghiệm triển khai đại trà các mô hình học tập, kết quả đạt được đã vượt kế hoạch so với dự kiến ban đầu.

Năm qua, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp được củng cố, kiện toàn và tích cực hoạt động, cụ thể hoá chủ trương của Trung ương về triển khai đại trà các mô hình học tập phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của địa phương. Hiệu quả triển khai đại trà các mô hình học tập có tác động tích cực trong xã hội, bước đầu tạo sự chuyển biến mới về nhận thức. Hoạt động khuyến học đã thực sự trở thành cuộc vận động quần chúng rộng lớn, kêu gọi toàn dân cùng xây dựng xã hội học tập.

Tuy vậy, công tác trên cũng còn không ít mặt hạn chế. Xây dựng các mô hình học tập tiến tới xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập là một chủ trương lớn, mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước nhưng thiếu cơ chế chính sách thiết thực, nhất là cơ chế chính sách đầu tư kinh phí và nhân sự còn nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn trong thực hiện. Vẫn còn một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về xây dựng xã hội học tập, thiếu quan tâm chỉ đạo triển khai đại trà các mô hình học tập tại địa phương.

Để có một xã hội học tập thật sự thì chặng đường trước mặt vẫn còn rất dài.

VIỆT ĐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục