Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xe bê tông vừa đi vừa trộn
Thứ sáu: 17:27 ngày 16/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng đầu tuần đi qua khu nhà Bảo tàng cũ trên đường 30.4, thấy nhiều chiếc xe chở bê tông vừa đi vừa trộn.

Thì ra, khu xây dựng tổ hợp nhà ở kết hợp kinh doanh và khách sạn 5 sao nay đã lên tầng. Vớ được một anh giám sát thi công. Hỏi, thì anh bảo đấy là khối nhà ở bốn tầng, nay đang đổ sàn tầng một. Ngó nghiêng dòm vào qua mấy kẽ hở của bức hàng rào tôn kín mít.

Thấy giàn giáo đã lên cao, tua tủa cả rừng cốt thép. Xe bồn chở bê tông một lượt chạy tới ba, bốn chiếc; bồn trắng, bồn vàng cứ quay chầm chậm. Và điểm nhấn của không gian xây dựng giờ đây, có lẽ là cái vòi bơm bê tông lênh khênh vừa dài, vừa cao ngất ngưởng. Nó giống như một cái chân nhện khổng lồ, màu đỏ cam đang huơ đi huơ lại trên công trường rộng lớn, ngổn ngang sắt thép với bê tông.

Thật ra, cái hình ảnh chiếc xe bồn vừa đi vừa quay tròn chầm chậm kia, cùng với cái vòi bơm hình chân nhện ấy đã hiện diện ở thành phố chúng ta cũng gần cả chục năm rồi, từ hồi thành phố còn mang danh thị xã.

Từ những công trình lớn như bệnh viện Lê Ngọc Tùng, ngân hàng Sacombank, siêu thị Co.opMart hay khách sạn Sunrise… nơi nào chẳng có? Năm bảy năm nay, nó còn đến cả những khối nhà nhỏ hơn như nhà ở của Công ty Chấn Văn hoặc nhà do người dân tự thi công.

Thật tiện lợi quá! Cứ từ dự toán mà biết ngay khối lượng bê tông cần dùng cho từng công đoạn. Rồi định ngày, hợp đồng cho nhà máy, trạm trộn bê tông đến đổ. Công nhân ở các giàn giáo trên cao kia cứ việc chờ cái vòi bơm huơ tới là túm lấy, đưa tới nơi cần đổ. Thế là xong.

Dĩ nhiên là còn phải san gạt, đầm nén theo đúng quy trình kỹ thuật. Và mọi tấm sàn, dù lớn hay nhỏ đều xong ngay trong một buổi hoặc một ngày.

Kể lại nghe thì đơn giản thế! Nhưng thực tế ra cái xe bê tông vừa đi vừa trộn này là cả một cuộc cách mạng công nghệ đây. Hãy nhớ lại mà xem, ở những năm cuối thế kỷ trước, chưa xa. Bê tông phải trộn bằng những cái cối quay dung tích chừng một phần tư mét khối.

Trước nữa á, thì cứ phải bằng xẻng xúc tay. Anh thợ chính nào chẳng thuộc lòng công thức “một xi 5 (hay 7) cát và 5 hay 7 phần đá dăm”. Rồi cứ thế thợ thuyền ra mà xúc, đảo trộn đều, tới khi nhuyễn hỗn hợp ấy mới cho thêm nước sạch vào trộn tiếp.

Trộn xong mới xách từng xô đến, hoặc móc vào đầu dây tời kéo lên các tầng cao. Từng xô bê tông ngày ấy trộn biết nhiêu là mồ hôi và có khi cả máu (do bị thương, xây xát là chuyện thường ngày).

Cuộc cách mạng công nghệ “bê tông tươi” này đã giải phóng biết bao nhiêu là sức người lao động. Ðến các nhà thơ cũng phải rưng rưng xúc động, mà viết bài thơ mô tả chuyện này. Cái tựa đề bài viết này tôi cũng xin mượn từ bài thơ ấy.

Ôi bê tông! Sắp đến tuổi trăm năm có mặt trên đất Tây Ninh rồi, mà nhìn quanh vẫn chỉ thấy bê tông là chủ lực trên các công trình xây dựng. Sắt thép đã thay thế phần lớn ở các nhà xưởng của các khu công nghiệp nhưng phần móng vẫn cứ phải là bê tông cốt sắt. Bê tông hăm hở vượt sông trên những cây cầu.

Bê tông đúc sẵn ly tâm làm nên các hàng cột điện thẳng thớm chạy về tít tắp các vùng xa, biên giới. Bê tông chui xuống hè đường làm cống và mương thoát nước. Bê tông trườn dọc ngang trên cánh đồng làm kênh đưa nước đến muôn nơi. Nhắc tới gần trăm năm bê tông, là nhắc đến chiếc cầu Quan bắc giữa lòng Thành phố.

Cầu được xây xong năm 1924, đến khi quá hạn sử dụng phải đập đi cây cầu mới thì cũng đã gần 90 năm tuổi. Thế mà, bạn biết không! Ðể phá được nó cũng là cả một cuộc “trần ai vất vả”.

Máy cẩu cuốc xuống chẳng nhằm nhò gì, phải gắn thêm mũi dùi khoan phá. Từng miếng bê tông vỡ ra, nay lên mới biết đấy là thứ bê tông sỏi (sạn). Từng cục bê tông rời ra vẫn đanh rắn, sáng màu sạn sỏi như mới vớt lên từ lòng suối. Chợt nghĩ, thời ấy đổ bê tông chắc hẳn hoàn toàn nhờ sức con người.

Hay là do quá nhiều mồ hôi và cả máu… mà bê tông có tuổi thọ ngang với con người? Không như những công trình bê tông thời sau thường có tuổi đời khá ngắn.

NGUYỄN

 

Tin cùng chuyên mục