Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xe ôm- nét đẹp trong ngày Hội Yến
Thứ năm: 08:47 ngày 05/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đại lễ Hội yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Đài đã chính thức kết thúc vào khuya 15 rạng sáng 16.8 âm lịch. Không khí nhộn nhịp những ngày qua đã không còn, trả lại cho đường phố Tây Ninh vẻ tĩnh lặng như thường ngày. Thế nhưng, đọng lại trong lòng người dân phương xa chính là sự nhiệt tình, hiếu khách của Tây Ninh, trong đó có các bác tài xe ôm ở Toà Thánh.

Chờ khách ở Trai đường.

Anh Nguyễn Thế Cơ (38 tuổi), nhà ở xã Bình Minh (TP.Tây Ninh) đến Tòa Thánh từ hôm 2.10 (tức 13.8 âm lịch) để hành nghề chạy xe ôm. Đi cùng anh có một người hàng xóm. Nhiều năm qua, anh luôn nghỉ việc vào hai dịp đại lễ của tôn giáo Cao Đài để chạy xe ôm. Đó không phải để mưu sinh mà vì một lý do khác.

Anh Cơ nói: "Tôi làm nghề thợ hàn, thu nhập mỗi ngày 350.000 đồng. Mấy nay chạy xe ôm chỉ hơn trăm ngàn/ ngày, nhưng tôi không chạy vì tiền, tôi là người có đạo nên thích đến đây dự lễ. Tôi thấy rất vui. Có bữa gặp người già cả gọi xe ôm, nhìn đúng người dân ở xa đến Toà Thánh đi lễ, tôi chở miễn phí luôn".

Quê ở Tây Ninh, mỗi năm, vào những dịp lễ lớn của đạo Cao Đài, anh Phạm Bảo (35 tuổi, ngụ phường Hiệp Ninh, TP.Tây Ninh) đều về nhà chơi. Những dịp này, lắm lúc chạy xe vào Toà Thánh để đưa rước bà con dưới quê lên Tây Ninh đi lễ, anh gặp khách gọi đi xe ôm. Dù không phải nghề của mình, anh vẫn vui vẻ đưa khách đi sau khi hỏi thăm khách từ đâu đến và đi đến đâu. Khi biết khách tìm nhà người thân ở Tây Ninh hay đi đến Ao Thất Bửu, Trí giác cung... anh đều chở miễn phí.

“Xem như mình làm công quả cho bà con ở xa tới. Cũng vui mà...”- anh Bảo cho biết.

Đón khách trong Nội ô Toà Thánh.

Một người dân quê Bến Tre, lên Tây Ninh dự Hội Yến từ hôm 13.8 âm lịch cho biết, mỗi năm ông đều vượt đường xa lên dự đại lễ. Là người có đạo, nên những ngày này ông tranh thủ đến chùa cúng. Nhưng do khoảng cách từ nhà người quen đến Toà Thánh khá xa, ông lại không biết đi xe máy nên đành cuốc bộ. Lúc nào về, ông gọi xe ôm trong khu vực chùa. "Mấy chú chạy xe ôm ở đây không nói thách, có bữa còn được chú kia chở dùm về nhà nữa. Từ hồi nào giờ lên Tây Ninh tui chưa từng bị xe ôm nói thách giá cả...".

Anh Nguyễn Văn Trung (30 tuổi, xã Thành Long, Châu Thành) đứng đợi khách tới khuya trong đêm 2.10 mặc dù trời đổ mưa. Anh nói: "Nhiều người đi cúng tới 3 giờ mới về, tôi sẽ về nhà chừng 4 giờ sáng. Nhà tôi khá xa. Nhưng về đây dự lễ vui lắm".

Với những xe ôm không phải tín đồ đạo Cao Đài, đây cũng là một cơ hội kiếm thêm thu nhập. Một bác tài xe ôm cho biết, mấy ngày lễ vừa qua ông kiếm trên 500.000 đồng/ ngày. Tuy khách đông nhưng ông không chặt chém, bởi các đồng nghiệp xe ôm có đạo ở đây rất đông, họ vừa chạy xe vừa làm công quả, vừa giúp đỡ người hành hương. Mình cũng chạy xe với tinh thần đó".

Anh Trần Thanh Hùng (49 tuổi, nhà ở xã Cẩm Giang, Gò Dầu) cho biết anh hành nghề xe ôm gần 20 năm, và ngày rằm tháng 8 mỗi năm anh đều đến Tòa Thánh để đón khách. Những chuyến xe ôm ngắn, đôi khi khách chỉ gọi để chở từ trong Đền Thánh ra tới cửa số 4 hoặc đến Bến xe Hòa Thành nên anh lấy giá cả rất hữu nghị, chỉ từ 7.000-10.000 đồng/chuyến.

Bên cạnh những ly trà đá, thùng bánh mì, rổ khoai lang hay tô bánh canh, dĩa cơm chay miễn phí v.v... cho khách thập phương do nhiều người dân trong tỉnh chuẩn bị, tinh thần tương trợ của các bác tài xe ôm cũng là một nét đẹp trong những ngày Hội Yến trên mảnh đất quê hương Tây Ninh yên bình.

Sông Ninh

Tin cùng chuyên mục