Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
TAND HUYỆN GÒ DẦU:
Xét xử vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự
Thứ tư: 13:00 ngày 26/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 4.1.2018, ông Dũng khởi kiện yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại theo Luật TNBTCNN, Toà án thụ lý, giải quyết là đúng quy định. Việc đại diện uỷ quyền yêu cầu đề nghị đưa một số người khác tham gia tố tụng tại Toà án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, HÐXX cho rằng không thoả mãn các điều kiện của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nên không được chấp nhận.

Ông Nguyễn Văn Dũng.

Trước đây, Báo Tây Ninh phản ánh trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng (địa chỉ ấp Xóm Mới 2, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu), nguyên là một quân nhân chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1979, ông Dũng được đơn vị cử về địa phương công tác và ghé thăm nhà nhưng vô tình bị “dính” vào một vụ án cướp tài sản, bị bắt giam.

Năm 1983, Viện KSND tỉnh ra quyết định đình chỉ vụ án. Ông Dũng gửi đơn đến Viện KSND tỉnh yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định. Tuy nhiên, do thương thượng bồi thường không thành nên vụ việc kéo dài. Sau đó, ông Dũng kiện ra toà án.

Vừa qua, TAND huyện Gò Dầu đưa vụ án “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự” ra xét xử sơ thẩm.

Theo đơn khởi kiện và lời khai tại toà của ông Dũng và người đại diện theo uỷ quyền: ông Dũng đang công tác tại một đơn vị thuộc Sư đoàn 317, Quân khu 7 với cấp bậc thượng sĩ, chức vụ Trung đội phó, đơn vị đóng quân tại Campuchia. Ngày 25.7.1979, ông Dũng được đơn vị phân công về Việt Nam nhận tài liệu huấn luyện và thăm gia đình tại ấp Bùng Binh, xã Ðôn Thuận, huyện Trảng Bàng.

Khoảng 23 giờ ngày 26.7.1979, ông Dũng bị Công an huyện Trảng Bàng ra lệnh bắt tạm giam. Ngày 27.7.1979, Công an huyện Trảng Bàng ra quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can Dũng về tội “Cướp tài sản riêng của công dân”.

Tuy nhiên, thực tế ông Dũng không thực hiện hành vi cướp tài sản như quyết định khởi tố bị can. Ông Dũng bị bắt tạm giam 3 năm, 9 tháng, 14 ngày (1.379 ngày). Viện KSND tỉnh đã thương lượng và ra quyết định giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Dũng trên 586 triệu đồng, nhưng ông Dũng không đồng ý.

Tại phiên toà, nguyên đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị HÐXX tạm đình chỉ giải quyết vụ án để giám định tỷ lệ thương tật ông Dũng do sức khoẻ bị tổn hại trong thời gian tạm giam, đồng thời đề nghị đưa một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.

Sau phần xét hỏi, tranh luận, HÐXX nhận định, việc ông Dũng có đơn ngày 7.8.2017 yêu cầu Viện KSND tỉnh phải bồi thường thiệt hại cho ông theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN), Viện KSND căn cứ Luật TNBTCNN 2009 để giải quyết là có căn cứ. Tuy nhiên, đến ngày 1.7.2018, Luật TNBTCNN 2009 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN năm 2009 đã hết hiệu lực thi hành theo quy định.  Theo quy định Luật TNBTCNN năm 2017, trường hợp của ông Dũng vẫn được xem xét giải quyết theo Luật TNBTCNN 2009.

HÐXX cho biết, Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 20/QÐ ngày 27.7.1979, Quyết định khởi tố bị can số 24/QÐ ngày 27.7.1979 đối với ông Dũng về tội “Cướp tài sản riêng của công dân” và lệnh bắt tạm giam của Công an huyện Trảng Bàng đã được Viện KSND tỉnh Tây Ninh phê chuẩn. Tuy nhiên, đến ngày 11.5.1983, Viện trưởng Viện KSND tỉnh ra Quyết định đình chỉ điều tra số 15/KSÐT-TA xác định ông Dũng không thực hiện hành vi phạm tội.

Như vậy, có cơ sở xác định ông Dũng bị bắt tạm giam oan sai thời gian 3 năm 9 tháng 14 ngày (tương đương 1.379 ngày). Ông Dũng có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, Viện KSND tỉnh thụ lý, giải quyết và đã thương lượng bồi thường thiệt hại. Viện KSND tỉnh đã ra Quyết định số 819/QÐ-VKS giải quyết bồi thường thiệt hại cho ông Dũng trên 586 triệu đồng, nhưng ông Dũng không đồng ý.

Ngày 4.1.2018, ông Dũng khởi kiện yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại theo Luật TNBTCNN, Toà án thụ lý, giải quyết là đúng quy định. Việc đại diện uỷ quyền yêu cầu đề nghị đưa một số người khác tham gia tố tụng tại Toà án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, HÐXX cho rằng không thoả mãn các điều kiện của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nên không được chấp nhận.

Ðối với đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án để giám định tỷ lệ thương tật ông Dũng do sức khoẻ bị tổn hại trong thời gian tạm giam, HÐXX cho rằng không phù hợp với quy định của Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT của Viện KSNDTC và các bộ liên quan nên không chấp nhận. Ông Dũng, người đại diện theo uỷ quyền và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Dũng yêu cầu Toà án giải quyết buộc Viện KSND tỉnh phải bồi thường thiệt hại cho ông theoLuật TNBTCNN là có căn cứ. Tuy nhiên, ông Dũng yêu cầu cơ quan Viện KSND tỉnh phải bồi thường số tiền trên 10,4 tỷ đồng là không có cơ sở chấp nhận.

Theo HÐXX, Thông tư liên tịch số 05 nêu “thiệt hại thực tế được bồi thường là thiệt hại có thực mà người bị thiệt hại phải gánh chịu, bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại về vật chất do bị tổn hại về sức khoẻ; chi phí thực tế người bị thiệt hại bỏ ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử như thuê người bào chữa, chi phí tàu xe đi lại; thiệt hại do tổn thất tinh thần trong thời gian bị tam giam; thiệt hại do tổn thất tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm hại”.

Do đó, HÐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Dũng, quyết định buộc cơ quan Viện KSND tỉnh bồi thường thiệt hại cho ông Dũng trên 615 triệu đồng (bao gồm thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất trên 160 triệu đồng, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trên 261 triệu đồng, thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ bị xâm phạm trên 41 triệu đồng, chi phí đi lại khiếu nại trên 99 triệu đồng, chi phí gia đình thăm nuôi trên 38 triệu đồng...).

HÐXX không chấp nhận yêu cầu ông Dũng đòi bồi thường trên 9,8 tỷ đồng. Ông Dũng có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Khi ông Dũng có văn bản yêu cầu khôi phục danh dự, Viện KSND tỉnh phải thực hiện việc xin lỗi, cải chính công khai theo quy định của Luật TNBTCNN. Ðược biết, ông Dũng có đơn kháng cáo gửi TAND tỉnh xét xử phúc thẩm theo quy định.

ÐỨC TIẾN

Tin cùng chuyên mục